Bên bờ hạnh phúc

Cùng với không khí của mùa Xuân, nhiều nhà nông trồng kiểng cũng có cách riêng của mình để tạo nguồn thu nhập cho gia đình. Anh Cao Văn Dũng ở ấp Thạnh Hòa, xã Hưng Long, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang đã thành công với mô hình trồng kiểng – nuôi cá.

 

Đến với xã Long Hưng, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, một trong những cái nôi của quê hương Nam Kỳ Khởi nghĩa, trong những ngày chuẩn bị đón xuân này, người ta sẽ cảm thấy vui và tự hào khi nơi đây giờ đã thay đổi rất nhiều. Những mô hình kinh tế nông nghiệp được bà con đầu tư, đều phát huy hiệu quả, bộ mặt nông thôn cũng tươi đẹp hẳn lên. Trong số những mô hình ấy, nổi trội nhất và được đa số hộ dân quan tâm nhất, là mô hình trồng kiểng kết hợp vườn cây ăn trái, hay trồng kiểng kết hợp với nuôi cá, hoặc có những hộ chỉ chuyên trồng cây kiểng.

Hộ của anh Cao Văn Dũng ở ấp Thạnh Hòa, với 4 công đất vườn này, từ năm 2009, anh Dũng đã xây dựng mô hình theo hướng trồng kiểng kết hợp nuôi cá. Hiệu quả bước đầu rất khả quan.

Cũng như mọi năm, cứ vào dịp Tết Nguyên Đán, anh Dũng bắt đầu đưa kiểng lên chậu, sẵn sàng phục vụ cho mùa chợ hoa ngày Tết.

Anh Dũng cho biết, đất này trước đây đã từng trồng các loại cây ăn trái như nhãn, vú sữa, bưởi,…tuy nhiên hiệu quả chưa đạt như gia đình anh mong đợi. Sau đó, bằng kinh nghiệm và sự hiểu biết của mình, anh Dũng mạnh dạn đầu tư gần 100 triệu đồng để kiến thiết lại mô hình như hiện nay. Trên bờ trồng cây kiểng, dưới ao anh thả nuôi cá tai tượng, xung quanh làm rào lưới sắt, tận dụng mặt bằng nuôi gà nòi. Tính tổng các nguồn thu nhập cũng rất khá.

 

Ở Long Hưng có đến gần 90% số hộ nông dân tham gia mô hình trồng và kinh doanh cây kiểng, theo đó họ đã tận dụng gần 50% diện tích đất nông nghiệp để thực hiện mô hình như thế này. Do đó, đi đến nhà nào cũng nhìn thấy có cây kiểng và đa số nông dân ở đây đều đi theo hướng kiểng cổ, ít có người tiến theo mô hình trồng kiểng bonsai giống như hộ của anh Dũng. Theo nhận xét của nhiều người, trồng kiểng bonsai khó và phức tạp hơn, mất nhiều thời gian nuôi cây, uốn nắn và sửa chữa để tạo thành sản phẩm hoàn chỉnh, vì vậy ít có hộ chịu đầu tư.

Anh Dũng chia sẻ, tuy nói rằng gia đình anh mới chuyển đổi sang mô hình trồng kiểng 2 năm nay, nhưng thực chất anh đã có sự chuẩn bị từ khá lâu. Khoảng 10 năm về trước, anh Dũng đã tiến hành trồng hàng trăm gốc mai chiếu thủy xen trong vườn cây ăn trái của gia đình, bởi vậy, đến khi mảnh vườn không còn hiệu quả thì những cây kiểng của anh đã có tuổi, có hình trông rất có giá trị. Hiện tại anh đã sở hữu trên 300 gốc mai chiếu thủy đang trong giai đoạn  nuôi cây. Anh cho biết, đây là giai đoạn quan trọng trong quá trình chơi kiểng bonsai, nhanh hay chậm, lâu hay mau là ở giai đoạn này. Bởi tại đây, người chơi kiểng sẽ tiến hành chọn lọc. Nếu cây có bộ đế và tư thế đẹp, phù hợp tiêu chuẩn của một cây cổ thụ thu nhỏ thì để lại, nếu cây không đạt tiêu chuẩn thì loại ngay không nuôi, không ghép nữa. Tính tổng thời gian để tạo được một chậu bonsai đẹp sẽ mất từ 5 đến 10 năm, và cũng có thể lâu hơn nữa, tuy nhiên, khi bán kiểng bon sai, cũng thường có giá khá cao nên anh Dũng rất thích.

 

Để rút ngắn thời gian hoàn thành 01 sản phẩm, hiện nay, anh Dũng còn tiến hành tìm mua những gốc kiểng thô có hình có tuổi sẵn, sau đó về sửa chữa lại, như vậy thời gian được rút ngắn chỉ còn từ 2- đến 3 năm, nên khả năng sinh lợi của mô hình mà anh theo đuổi cũng được nâng lên.

Anh còn cho biết thêm, do mới đầu tư, kinh nghiệm về nghề kiểng vẫn đang được anh Dũng trau dồi và học tập thêm; hơn nữa giai đoạn này vẫn còn là giai đoàn đầu tư tích lũy, mua nhiều hơn bán, nên các ao cá mới là nguồn thu kinh tế chủ yếu của gia đình. Xem ra sự kết hợp giữa trồng kiểng và nuôi cá cũng tạo được được hiệu quả nhất định, chúng có thể hỗ trợ cho nhau, người nông dân có thể chủ động trong việc bán buôn, định giá. Do đó, mô hình cũng đang được chính quyền và Hội nông dân quan tâm để có hướng nhân rộng tại địa phương. 

Thúy Hằng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *