Bên bờ hạnh phúc

Một ngày đầu tháng mười, chúng tôi tìm về huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An, với địa chỉ có phần mơ hồ về một con rạch có tên là Đá Biên.

Từ thị trấn Thạnh Hóa, ngồi đò máy, theo sông Vàm Cỏ Tây đi khoảng một giờ, sau đó rẽ vào kênh 79, đi thêm 15 phút nữa thì tới rạch Đá Biên thuộc địa phận xã Thạnh Phước.

Hôm chúng tôi đến, ở rạch Đá Biên diễn ra một sự kiện đặc biệt, đó là đám giỗ tập thể liệt sĩ. Từ nhiều năm qua,  đám giỗ liệt sĩ đã là một việc không thể thiếu trong đời sống của người dân nơi đây.

 

Nghe nói năm nay, đám giỗ liệt sĩ sẽ có những điểm mới khác biệt hơn mọi năm. Cho nên, khách không ngại đường xa, cũng không mời mà tới…

Đang mùa lũ, Đồng Tháp Mười trông thật mênh mông. Giữa bốn bề sông nước, ngôi nhà anh Tư Tờ – điểm đến của chúng tôi – hiện lên trước mắt tựa một dấu chấm nhỏ nhoi. Năm nay, lũ ở ĐBSCL lên cao, mực nước ở đây đạt xấp xỉ hai mét, cao nhất trong vòng mười năm trở lại đây.

Tại nhà anh Tư Tờ, còn khoảng ba tấc nữa thì nước sẽ ngập tới thềm nhà, mà nghe nói nước sẽ còn lên cao đúng như vậy.

Từ hai mươi năm nay, ngôi nhà của anh Tư Tờ ở rạch Đá Biên là điểm cúng giỗ các liệt sĩ đã hy sinh trên vùng đất này. Dù sống xa hay gần, người dân Thạnh Hóa đều biết điều này và cứ đến ngày giỗ, mỗi năm có khoảng vài trăm người lại tự động tìm về đây.

Mới đầu ngày nhưng ở nhà anh chị Tư Tờ đã thấy có hàng trăm người. Trong khi phần lớn đàn bà tập trung ở dưới bếp, lo nấu ăn, làm các món bánh trái thì ở nhà trên, đàn ông quây quần uống trà, trò chuyện. Họ là những người hàng xóm của anh Tư chị Tư, sống quanh rạch Đá Biên, hoặc ở kênh Trên, kênh Giữa, hay từ ngoài sông Vàm Cỏ Tây vào đây, thậm chí có những người đến từ những vùng xa hơn nữa như thị trấn Thạnh Hóa.

Toàn bộ liệt sĩ cúng giỗ hôm nay đều là người miền Bắc, không có thân nhân tại đây, nên bất cứ ai đến đây đều được coi là thân nhân liệt sĩ. Mọi người cho biết, đám giỗ này cứ mỗi năm lại đông hơn.

Ở dưới bếp, câu chuyện giữa những người đàn bà ,cả năm mới có dịp gặp nhau một lần, diễn ra cũng rất rộn ràng và thân mật. Họ thăm hỏi nhau chuyện nhà cửa, chuyện làm ăn, chuyện sông nước, chuyện ma chay cưới gả… Không khí này gợi nhớ tới phong vị êm đềm của những tháng ngày xa xưa,  đã lâu rồi chưa gặp lại.

Chị Tư Tờ kể, mấy năm đầu khi mới hình thành đám giỗ, những người đi đám thường có gì góp nấy, từ mấy ký cá, vài chục lươn đến cặp vịt xiêm, có khi lại là mấy ký thịt heo quay hay vài xị rượu trắng… Sau này, mọi người bắt đầu đóng góp bằng tiền. Đi đám giỗ năm nay thì góp tiền cho đám giỗ của năm sau, người năm ngàn, người mười ngàn, người vài chục tùy tâm. Sau đó, chị Tư gia chủ sẽ tùy cơ mà ứng biến, hoàn toàn không câu nệ chuyện hình thức. 

Đám giỗ năm nay, chị Tư lên thực đơn nấu các món chủ yếu như cà-ri, vịt tiềm, ngoài ra có thêm món miến là món tiêu biểu cho ẩm thực xứ Bắc. Từ hôm trước, các dì các chị đã lo gói bánh tét để làm thức cúng. Năm nay, bên cạnh bánh tét còn có bánh chưng được thân nhân liệt sĩ từ Hà Nội gửi vào.

Sau khi các món được chuẩn bị xong xuôi, các chị phụ nữ giao cho mấy anh thanh niên mang xuống đò đem ra ngoài miếu để cúng liệt sĩ. Miếu nằm cách nhà anh chị Tư khoảng tai. Người dân địa phương giải thích, miếu có tên như vậy là do miếu thờ các anh liệt sĩ người miền Bắc, hy sinh gửi xác tại đây.

Bình thường, khu miếu có diện tích khoảng hai trăm mét vuông, nhưng hôm nay, nước lũ lên cao, chỉ chừa lại ngôi miếu và vài vạt đất hẹp xung quanh, vừa đủ chỗ cho khoảng một trăm người. Chính vì vậy, phần lớn người dân địa phương ngồi nhà, nhường chỗ cho các vị khách là thân nhân, đồng đội, bạn bè của liệt sĩ từ Hà Nội và các địa phương khác đến miếu viếng các anh.

 

Đây là các CCB của Trung đoàn 207, Quân khu 8 cũ – đồng đội của những liệt sĩ đã hy sinh.

Trước giờ làm lễ, họ tranh thủ trao đổi với đồng chí Phó Chủ tịch huyện Thạnh Hóa về ý định đầu tư xây dựng một ngôi miếu lớn hơn, đẹp hơn. Kinh phí cho việc này sẽ do thân nhân, đồng đội và bạn bè của liệt sĩ đóng góp. Dự kiến tháng ba năm sau, khi vụ lúa đông xuân đã thu hoạch xong, công trình này sẽ được khởi công xây dựng trên phần đất cũng do anh chị Tư Tờ tình nguyện hiến tặng.

Rất tình cờ, chúng tôi gặp được anh Nguyễn Tuấn Việt trong số hàng trăm vị khách đến từ phương xa. Anh là em trai của liệt sĩ Nguyễn Mạnh Sơn. Anh Việt kể, nhờ thông tin trên báo Tuổi trẻ mà tháng 9 năm nay, tức là đúng 38 năm sau ngày liệt sĩ hy sinh, anh và gia đình mới tìm thấy nơi anh trai mình đã ngã xuống và vĩnh viễn nằm lại. Giống như hầu hết các liệt sĩ khác, anh Nguyễn Mạnh Sơn là sinh viên Khoa Kiến trúc – Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, nhập ngũ năm 1972 và hy sinh năm 1973 trong trận Đá Biên, xảy ra chính tại nơi này.

Khác với mọi năm, vì có thân nhân, đồng đội và bạn bè liệt sĩ  tham dự nên lễ cúng liệt sĩ năm nay diễn ra khá trang trọng. Sau phút mặc niệm, đồng chí Phan Xuân Thi, Trưởng Ban liên lạc CCB Trung đoàn 207 – Quân khu 8 cũ điều khiển chương trình. Thượng tá Vũ Trung Kiên, Phó Ban liên lạc CCB Trung đoàn 207 đọc diễn văn khai mạc buổi lễ.

 

Tại buổi lễ, bà Phạm Thị Đấu – nguyên Tỉnh ủy viên tỉnh Kiến Tường, một trong số chứng nhân của trận Đá Biên – kể lại, ngay sau trận đánh ngày 3 tháng 10 năm 1973 ở rạch Đá Biên, bà cùng du kích địa phương đã bí mật chèo xuồng đi tìm thương binh – liệt sĩ nhưng chỉ cứu được một người. Sau đó, do cuộc chiến diễn ra quá ác liệt, nên phải đến sau hòa bình, vào năm 1992, bà mới tổ chức Đoàn đi tìm được khoảng 80 hài cốt liệt sĩ hy sinh trong trận đánh này, còn lại hơn hai trăm liệt sĩ đến nay vẫn chưa tìm thấy hài cốt.

 

Sau lễ giỗ ngoài miếu, mọi người tập trung về nhà anh chị Tư để dùng bữa cơm thân mật. Đến lúc này mới có thể ước lượng, đám giỗ năm nay có hơn ba trăm người tham dự. Dùng cơm xong, các vị khách liền ra về vì đường còn xa, người ở gần – ngược lại – không vội vã. Đàn ông, thanh niên ở lại ăn uống, đàn ca vọng cổ đến tận khuya, có khi còn thâu đêm suốt sáng. Làm như vậy, như lời người dân rạch Đá Biên nói và tin , là để cho chiến sĩ ấm lòng…

Ngày hôm sau, vượt qua cơn mưa nặng hạt do ảnh hưởng của cơn bão số 5 trên sông Vàm Cỏ Tây, chúng tôi trở lại nhà anh chị Tư Tờ một lần nữa để có cơ hội chuyện trò với anh chị và những người dân nơi đây. Một số vị khách nặng tình lưu luyến vẫn chưa ra về.

Dưới mái tranh đơn sơ nhưng ấm áp, anh chị Tư kể cho chúng tôi nghe: Những ngày đầu mới vào lập nghiệp trong rạch Đá Biên, anh chị có gặp một số hài cốt liệt sĩ nằm lẫn với quân trang quân dụng và đã thông báo cho chính quyền địa phương. Sau đó, số hài cốt và quân trang quân dụng này đã được quy tập chung về Nghĩa trang liệt sĩ huyện Mộc Hóa. Tuy nhiên, họ đều biết rằng, cho đến bây giờ vẫn có hàng trăm liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt đang còn nằm đâu đó rải rác trên mảnh đất này.

Giữa chừng câu chuyện, ngó ra ngoài cửa, chúng tôi thấy một cô gái rất dễ thương đang chèo xuồng vô nhà. Đó là Diễm, con gái thứ tư của anh chị Tư Tờ. Từ sáng sớm, Diễm đã chống xuồng ra ngoài đồng nước gần nhà, tìm hái bông súng đem về giúp mẹ nấu một bữa cơm đãi những người khách còn ở lại từ đám giỗ chiều qua. Có lẽ tiện tay, cô đã hái thêm một ít bông sen dành để chưng trên bàn thờ.

Ngoài Diễm, anh chị Tư Tờ còn có ba người con khác. Ngày mới cưới nhau, vì quá nghèo, đến nỗi chẳng có lấy một mảnh đất làm nhà, hai vợ chồng anh đã quyết định vào rạch Đá Biên khai phá đất hoang để dựng nhà lập nghiệp. Họ có được tất cả  5 công ruộng, mùa khô cấy lúa, mùa lũ cắm câu, giăng lưới, đặt lọp, hái bông súng, rau dừa, bông điển điển, dựa vào đồng nước, dựa vào thiên nhiên của Đồng Tháp Mười mà sinh sống. Sau 20 năm ở rạch Đá Biên, cho đến nay, ngôi nhà hai gian của anh chị vẫn nền đất, vách ván, cột tràm, mái lá, nhưng vừa có một chỗ đủ để che mưa che nắng, họ liền nghĩ tới những người đã khuất, linh hồn không nơi nương tựa. Hai vợ chồng bàn nhau lập một cái miếu nhỏ gần nhà, lấy chỗ nhang khói cho các anh. 

Vợ chồng anh Tư Tờ

 

Chị Tư kể, hồi mới lập, miếu chỉ có bốn cây cột tràm, mái là mấy tấm lá do anh Tư tự tay chằm lấy. Sau đó, cảm thấy không an lòng, qua mùa lúa, anh Tư biểu chị đi mua mấy viên gạch, vài ký xi-măng về sửa lại. Miếu xây rồi mà lòng anh Tư vẫn chưa yên bởi anh nghĩ bộ đội mấy anh chết cả trăm người, miếu nhỏ như thế thì thờ sao đủ. Vậy là một lần nữa, hai người lại tính toán việc mở rộng ngôi miếu. Ra chợ hỏi mua mấy tấm tôn, không đủ tiền, chị Tư chèo xuồng quay về, đi hỏi mượn bà con một chỉ vàng, bán được 300.000 đồng mới mua đủ vật liệu để dựng lại ngôi miếu ân tình nầy.

Kể từ khi dựng miếu, mỗi ngày đi ngang qua , hoặc có những lúc rảnh rang, chị Tư thường tranh thủ ghé vào đây, quét dọn, châm nước, đốt nhang, hương khói cho các anh.

Thấy chị khói hương, cúng cơm ngoài miếu, nhiều người đi ngang qua ghé vào thăm hỏi. Hiểu việc làm của chị, dần dần, mọi người tới lui thăm viếng ngày một nhiều. Đến ngày giỗ các anh, họ tự động rủ nhau tìm về rạch Đá Biên, góp sức cùng anh chị tổ chức đám giỗ. Mới đây, câu chuyện lên trang báo chí và nhờ đó, đồng đội, thân nhân đã tìm thấy các anh sau gần 40 năm thất lạc tin tức. Đám giỗ ngày hôm qua chính là đám giỗ đầu tiên có sự hiện diện của thân nhân, đồng đội và bạn bè các anh.

Bên dưới bệ thờ đặt bát nhang, phải để ý rất kỹ mới nhận ra dòng chữ Hy sinh gì Tổ quốc. Chị Tư kể, tác giả dòng chữ này là anh Năm Dây – một người hàng xóm của chị. Hôm xây miếu, Năm Dây đến phụ giúp và đã dùng mũi dao khắc dòng chữ này. Năm Dây mới học hết lớp một trường làng, nên chữ anh viết không được đẹp, hơn nữa còn sai chính tả, nhưng chúng tôi hiểu, dòng chữ đó chứa đựng lòng tri ân tự đáy lòng mà anh cũng như những người dân ít học ở rạch Đá Biên dành cho những liệt sĩ đã hy sinh.

 Giữa chừng câu chuyện, chúng tôi đem thắc mắc vì sao chính quyền địa phương không tiếp tục tổ chức tìm kiếm hài cốt của hơn hai trăm liệt sĩ còn lại hỏi người dân ở rạch Đá Biên. Im lặng khá lâu, rồi một ai đó trả lời: Tan rã hết rồi, còn gì nữa  mà kiếm, chị ơi!

Chợt nhớ những câu trong bài thơ Thủ thỉ với em trai liệt sĩ do anh Nguyễn Văn Chỉnh viết cho em trai của mình là liệt sĩ Nguyễn Văn Tế, sinh viên K15 Khoa Kiến trúc – Trường Đại học Xây dựng Hà Nội – một trong số hơn 200 liệt sĩ đang yên nghỉ nơi đây: 

Nỗi nhớ em thường hiện về quay quắt

sao chúng ta không đổi phận cho nhau

có một điều khiến cha mẹ bạc đầu

em nằm đâu vẫn chưa tìm thấy cốt

em khôn thiêng run rủi cho anh biết

để gia đình ta được đón em về

dẫu biết rằng đây đó cũng đất quê

dù Bắc hay Nam cũng là Tổ quốc

nhưng em ơi mãi vẫn là mong ước

của mọi gia đình khi lạc mất người con

có lẽ nỗi đau xoay trái đất thành tròn

mà nỗi nhớ thương dài như tiếng gọi…

Sau bữa cơm trưa khá muộn màng, chúng tôi chia tay anh chị Tư, chia tay những người dân nghĩa tình ở rạch Đá Biên để ra về. Trời Đồng Tháp Mười lại kéo mây, báo hiệu một cơn mưa nặng hạt khác sắp bắt đầu. Dầu vậy, ngang qua cánh rừng tràm đầu rạch Đá Biên, chúng tôi vẫn quyết định ghé lại  đây giây lát.

Giữa không gian mênh mông, trong sự thinh lặng của đất trời, chúng tôi nghĩ về những người đã mất, day dứt tưởng nhớ các anh, nghĩ đến ân tình sâu nặng của những người dân nơi này. Có lẽ, câu chuyện về rạch Đá Biên ở Thạnh Hóa rồi đây sẽ còn đọng lại dài lâu trong tâm trí, không dễ phai mờ. Giây phút rời xa rạch Đá Biên, một lần nữa theo chúng tôi dọc dài suốt đường về là những câu thơ khắc khoải của Trần Thế Tuyển, một người CCB Trung đoàn 207 – đồng đội của các anh: 

Không ai khoác lên vòng nguyệt quế

mà hương thơm cứ ngan ngát dâng đầy

không tượng đài uy nghi tráng lệ

mà trời xanh cứ vời vợi nơi đây… 

Các anh nơi phương trời xa, tan rã hình hài, nhưng chắc ấm áp hương linh , khi có ân tình của những người miền Tây trên Rạch Đá Biên./

Thu Hà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *