Bên bờ hạnh phúc

Với địa thế  ở trung tâm ĐBSCL, Vĩnh Long có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế nông nghiệp. Chủ trương chuyển dịch đúng hướng, kết hợp với ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hiện Vĩnh Long đã xây dựng được một ngành nông nghiệp khá toàn diện, phát triển theo hướng không ngừng nâng cao năng suất và chất lượng. Nhờ đó mà đời sống của bà con nông dân tỉnh nhà đã được cải thiện và nâng cao đáng kể.  

Nằm ở trung tâm ĐBSCL, được 2 dòng sông lớn: Tiền Giang và Hậu Giang bồi đắp, Vĩnh Long có đất đai màu mỡ, nước ngọt quanh năm, hội đủ những điều kiện thuận lợi để phát triển một ngành nông nghiệp toàn diện. Với quỹ đất hơn 117 ngàn ha, hoạt động sản xuất nông nghiệp ở Vĩnh Long có thể phân thành thành 02 khu vực cơ bản. Khu vực đất liền là vùng tập trung trồng lúa, chuyên canh cây có múi, hoa màu, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Còn lại, khu vực các cù lao thì tập trung trồng các loại cây ăn trái đặc sản, và nuôi cá.

 Phát huy thế mạnh của từng địa phương, 20 năm qua Vĩnh Long đã thực hiện nhiều chương trình, dự án nhằm đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp. Trong đó, việc quy hoạch lại các vùng sản xuất, hệ thống thủy lợi, nâng cao chất lượng giống cây trồng, vật nuôi, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, và hỗ trợ vốn cho nông dân đã được đặc biệt quan tâm. 

 

Kết quả đã tạo ra được bước chuyển dịch cơ cấu quan trọng trong nội bộ ngành nông nghiệp. Tính đến hết năm 2011 giá trị nông, lâm, thủy sản toàn tỉnh đã ước đạt gần 6.400 tỷ đồng (tính theo giá cố định năm 1994), tăng hơn 03 lần so với thời điểm năm 1992. Tốc độ tăng trưởng bình quân trong 20 năm qua là 5,8%. Trong đó, giai đoạn tăng trưởng mạnh nhất là từ năm 1992 – 2000, với tốc độ bình quân là 6,5% năm.

Với mức đóng góp gần 70% tổng giá trị của toàn ngành, trồng trọt luôn được xác định là mũi nhọn trong việc phát triển sản xuất nông nghiệp ở Vĩnh Long. 20 năm qua, giá trị sản xuất lúa, rau màu và cây ăn trái đã đạt được tốc độ tăng trưởng bình quân 4,8% năm, góp phần quan trọng vào việc cải thiện và nâng cao thu nhập cho bà con nông dân.

 Trong lĩnh vực trồng trọt, lúa là cây trồng có diện tích lớn nhất. Đến năm 2011, tổng diện tích gieo trồng cả năm của Vĩnh Long đã đạt trên 180 ngàn ha.  Tăng khoảng 10 ngàn ha so với năm 1992.

Thành tựu nổi bật nhất trong hoạt động sản xuất lúa ở Vĩnh Long 20 năm qua là năng suất và sản lượng liên tục tăng. Cụ thể là trong năm 2011, năng suất lúa bình quân trên địa bàn tỉnh đã lên đến 5,7 tấn/ha, sản lượng lúa cả năm lần đầu tiên đạt mốc 1 triệu tấn. So với thời điểm năm 1992, năng suất lúa đã tăng thêm 1,6 tấn/ha; tổng sản lượng tăng khoảng 300 ngàn tấn.

Để có được kết quả này, 20 năm qua tỉnh Vĩnh Long đã thực hiện nhiều chương trình, dự án theo hướng thâm canh, tăng năng suất, và chất lượng lúa. Đó là: Hệ thống thủy lợi nội đồng ngày càng được hoàn thiện, đảm bảo tưới tiêu cho khoảng 60 ngàn ha lúa mỗi vụ; Chương trình xã hội hóa công tác giống lúa đã đưa những giống lúa mới, cho năng suất, phẩm chất cao thay thế những giống lúa nhiễm sâu bệnh, phẩm chất thấp, hiệu quả kém; Kỹ thuật canh tác, phòng trừ dịch hại tiên tiến như quy trình quản lý dịch hại tổng hợp – IPM, chương trình “3 giảm 3 tăng” đã được đẩy mạnh chuyển giao cho nông dân từ các chương trình khuyến nông; trình độ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp cũng đã được nâng cao đáng kể.

Hệ thống các giải pháp đồng bộ này đã làm cho năng suất, sản lượng lúa có mức tăng trưởng khá và ổn định, giúp cho giá trị thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích đất canh tác đã được nâng lên đáng kể. Không chỉ đảm bảo cuộc sống cho người trồng lúa, Vĩnh Long hiện còn là vùng nguyên liệu lúa gạo quan trọng để cung ứng cho xuất khẩu ở ĐBSCL.

Dù đã đạt được những thành tựu quan trọng, nhưng nếu chỉ dựa vào cây lúa thì để đạt được mục tiêu nâng cao giá trị sản xuất, phát triển nền nông nghiệp toàn diện… sẽ rất khó khăn. Do đó, bên cạnh những giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng lúa, Vĩnh Long còn chú trọng thực hiện việc chuyển dịch cơ cấu trong nội bộ ngành trồng trọt, đa dạng hóa cây trồng, phá thế độc canh cây lúa, bằng cách đẩy mạnh việc phát triển sản xuất các loại màu và vườn cây ăn trái.

Từ thập niên cuối cùng của thế kỷ XX, ngành nông nghiệp tỉnh đã đẩy mạnh tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, xây dựng các mô hình khuyến khích bà con nông dân đưa nhiều loại màu có tiềm năng và hiệu quả kinh tế cao xuống luân canh trên nền đất lúa. Tùy vào tập quán sản xuất của từng địa phương, và nhu cầu thị trường của từng chủng loại mà diện tích các loại màu đã được bố trí với diện tích khác nhau. Nhưng nhìn chung thì các loại cây công nghiệp ngắn ngày, như đậu nành, đậu xanh, mè; rau ăn lá, cây lấy củ, rau ăn trái đều đã được đưa xuống ruộng trồng ở khắp các địa phương trong tỉnh. Không chỉ mang lại nguồn thu nhập cho bà con nông dân cao gấp 2-3 lần so với độc canh lúa, việc đưa cây màu xuống ruộng còn là giải pháp tốt góp phần cải tạo đất đai, cắt đứt cầu nối dịch hại, khắc phục những tác động tiêu cực từ việc đẩy mạnh quá trình thâm canh, tăng vụ trong sản xuất lúa. Năm 2011, toàn tỉnh đã xuống giống trên 36 ngàn ha rau màu các loại. Trong đó có hơn 14 ngàn ha được luân canh trên đất lúa, ước sản lượng cả năm trên 700 ngàn tấn. So với thời điểm năm 1992, năng suất và sản lượng rau màu của tỉnh đã tăng gấp 03 lần.

Đến nay trên địa bàn tỉnh đã hình thành được một số vùng chuyên canh màu với diện tích và sản lượng lớn, như vùng chuyên canh cải xà lách xoong, rau diếp cá ở xã Thuận An, Đông Bình – huyện Bình Minh. Đặc biệt là vùng chuyên canh khoai lang tại huyện Bình Tân và một số xã của huyện Bình Minh với diện tích lên đến trên 8.300ha. Liên tiếp nhiều năm qua, nông dân ở đây vừa trúng mùa, vừa trúng giá đối với giống khoai lang tím Nhật. Mỗi ha khoai lang trồng 02 vụ/năm đã cho thu nhập từ 200-300 triệu đồng. Nhờ loại màu này mà vùng đất nhiễm phèn mặn ở các xã Thành Đông, Thành Trung, Tân Thành, Tân Hưng – H.Bình Tân đã nhanh chóng thay da đổi thịt.

 

 Sự phát triển mạnh cả về diện tích, sản lượng và giá trị của các vườn cây ăn trái cũng được xem là một thành tựu quan trọng trong thực hiện định hướng phát triển ngành nông nghiệp toàn diện của Vĩnh Long. Tính đến năm 2011, toàn tỉnh đã có trên 47 ngàn ha diện tích trồng cây lâu năm, mà chủ yếu là cây ăn trái, tăng gấp 03 lần so với năm 1992, giúp Vĩnh Long vươn lên thành địa phương có diện tích trồng cây ăn trái lớn thứ 2 ở ĐBSCL, và đứng thứ 4 toàn quốc.

Trong các loại cây ăn trái thì cây có múi, như cam sành, bưởi năm roi đã được xác định là những cây trồng chủ lực, là đặc sản của tỉnh, được khuyến khích và hổ trợ phát triển, khiến cho diện tích nhanh chóng được mở rộng. Đến nay mỗi loại có khoảng 2000ha trong toàn tỉnh. Nếu như huyện Bình Minh vẫn là vùng chuyên canh bưởi Năm Roi lớn nhất Vĩnh Long, thì diện tích trồng Cam Sành đã có xu hướng dịch chuyển mạnh giữa các địa phương trong tỉnh. Trong khi dịch bệnh vàng lá đã làm cho diện tích cam sành ở huyện Tam Bình bị sụt giảm mạnh, thì bù lại nó đã được chuyển sang phát triển mạnh ở một số vùng đất mới như Trà Ôn, Thành phố Vĩnh Long. Nếu nhà vườn đầu tư đúng mức, một năm mỗi hec ta cam sành có thể cho thu nhập từ 100-200 triệu đồng vào mùa thuận. Riêng mùa nghịch thì con số này còn lớn hơn nhiều. 

20 năm qua còn là thời gian để các vùng chuyên canh cây ăn trái ở các xã cù lao trên sông Tiền và sông Hậu của Vĩnh Long phát triển đến hoàn thiện. Hiện đây là những vùng tập trung diện tích trồng chôm chôm, nhãn, sầu riêng, măng cụt, bòn bon ….. lớn nhất tỉnh. Tuy chịu nhiều tác động từ sự bấp bênh của thị trường, nhưng nhìn chung, thu nhập từ các loại cây ăn trái này vẫn cao hơn gấp 03 lần so với lúa. Đặc biệt , nhờ biết áp dụng thành thạo kỹ thuật xử lý ra hoa nghịch vụ, mà giá cả một số loại trái cây như chôm chôm, sầu riêng đã được cải thiện đáng kể. Nếu so với canh tác lúa và hoa màu, thì cuộc sống của nhà vườn ở các cù lao sung túc hơn hẵn.

 Từ những thành tựu đã đạt được trong sản xuất lúa, rau màu, cây ăn trái, có thể khẳng định rằng, 20 năm qua ngành trồng trọt ở Vĩnh Long phát triển khá toàn diện. Để làm được điều đó, công tác thủy lợi đã được xác địrnh là một trong những yếu tố then chốt để thúc đẩy quá trình chuyển dịch trong nội bộ ngành trồng trọt diễn ra mạnh mẽ. Đây cũng là giải pháp về hạ tầng hết sức quan trọng để tỉnh khai thác các tiềm năng, lợi thế, cũng như khắc phục những chuyển biến ngày càng phức tạp của chế độ thủy văn trên địa bàn.

Qua nhiều năm đầu tư xây dựng, bằng nhiều nguồn lực khác nhau, đến nay hệ thống thủy lợi ở Vĩnh Long được đánh giá là khá hoàn chỉnh so với các tỉnh thành trong khu vực. Với tổng kinh phí đầu tư trong giai đoạn 1992-2011 khoảng 986 tỷ đồng, đã nâng tổng diện tích đất sản xuất có hệ thống thuỷ lợi nội đồng khép kín, chủ động tưới tiêu trên địa bàn tỉnh từ gần 6 ngàn ha trước năm 1995, lên trên 100 ngàn ha vào năm 2011, chiếm 86% tổng diện tích đất nông nghiệp toàn tỉnh. Trong đó có hơn 70% diện tích đảm bảo chống chịu được đỉnh lũ lịch sử trong năm 2011 vừa qua.

 

20 năm qua, cùng với trồng trọt, hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản trong tỉnh cũng đã đạt được những thành quả to lớn. Mặc dù, hiện vẫn còn gặp không ít khó khăn do những diễn biến bất lợi của thị trường, tình hình dịch bệnh gia tăng… Nhưng nó vẫn góp phần rất quan trọng vào việc chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, hình thành một ngành nông nghiệp toàn diện, đa dạng hóa, và nâng cao giá trị thu nhập cho bà con nông dân trên cùng đơn vị diện tích đất sản xuất. 

Với  chủ trương phát triển kinh tế nông hộ dựa trên điều kiện sẵn có, các mô hình vườn – ao – chuồng, vườn – ao – chuồng – ruộng, đã được ngành khuyến nông đẩy mạnh thực hiện từ những năm 1994 -1995. Kết quả là trong giai đoạn từ từ năm 1992-2000 số lượng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh đã phát triển rất nhanh, đạt mức bình quân trên 11% năm. Đặc biệt, trong giai đoạn này công tác cải thiện giống vật nuôi đã được chú trọng đúng mức. Những chương trình như nạc hóa đàn heo, sind hóa đàn bò, tuyển chọn những giống gà, vịt cho năng suất, chất lượng cao…  cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu phát triển chăn nuôi của bà con nông dân. Từ năm 2000 trở lại đây, ngành chăn nuôi đã bắt đầu phát triển theo chiều sâu, mang tính công nghiệp ngày càng rõ nét. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 83 trang trại chăn nuôi gia cầm, với quy mô hàng trăm ngàn con/năm, trên 400 trang trại chăn nuôi heo với quy mô vài trăm con mỗi trang trại. Đây là những cơ sở để tỉnh định hướng phát triển bền vững cho ngành chăn nuôi, trước áp lực của dịch bệnh và nhu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm trên lĩnh vực này.

Với khoảng 37 ngàn ha mặt nước, Vĩnh Long cũng được xem là địa phương có nhiều tiềm năng để phát triển nghề nuôi trồng thủy sản nước ngọt. Nêu trong giai đoạn từ năm 1992-2000 phần lớn sản lượng thủy sản có được là nhờ khai thác, đánh bắt tự nhiên, hoặc nuôi nhử, thì từ những năm 2000, giá trị sản xuất thủy sản ở Vĩnh Long bắt đầu có sự tăng tưởng rất mạnh. Từ những kết quả nuôi thử nghiệm, ngành chức năng đã hướng dẫn bà con nông dân chuyển đất nông nghiệp kém hiệu quả ở dọc các sông lớn sang nuôi thủy sản theo hướng thâm canh, hoặc bán thâm canh. Đồng thời, nhân rộng nghề nuôi cá lồng bè  ở những diện tích mặt nước thích hợp.

Và nếu như giai đoạn trước năm 2000 tốc độ tăng trưởng chung của ngành thủy sản chỉ ở mức 2,1% năm, thì giai đoạn năm 2001-2011 con số này lên đến trên 19% năm. Riêng năm 2011 sản lượng nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh đạt mức trên 134 ngàn tấn, tăng hơn 20 lần so với năm 1992. Trong đó hoạt động nuôi cá tra thâm canh đã chiếm trên 90% sản lượng nuôi trồng thủy sản hàng năm trên địa bàn tỉnh. 

  Nhìn lại 20 năm qua có thể thấy rằng, Vĩnh Long đã có rất nhiều chương trình, dự án được triển khai để thực hiện chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất, cải thiện thu nhập gia đình của bà con nông dân. Kết quả, đến nay cơ cấu trồng trọt, chăn nuôi, dịch vụ của tỉnh đã có bước chuyển dịch tích cực, theo hướng giảm tỷ trọng ngành trồng trọt, tăng tỷ trong chăn nuôi và dịch vụ. Cụ thể là ngành trồng trọt giảm 9,4%, chăn nuôi tăng 9%. Nuôi thủy sản, nhất là nuôi cá tra thâm canh, đã phát triển khá nhanh và trở thành ngành kinh tế quan trọng, trong định hướng chuyển dịch cơ cấu của ngành nông nghiệp.

 Tuy nhiên cũng cần nhìn nhận rằng, thời gian qua mục tiêu chính của ngành nông nghiệp cũng mới chỉ dừng lại với việc phát triển về diện tích, năng suất, và sản lượng cây trồng, vật nuôi. Những năm gần đây diễn biến của tình hình thời tiết, thủy văn, dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi đã cho thấy tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe doạ đến sự ổn định trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, nhu cầu về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm cũng đang được đặt lên hàng đầu đối với nông sản trong quá trình hội nhập. Đây sẽ là những thách thức cần phải được giải quyết, nếu muốn duy trì sự phát triển ổn định và bền vững cho ngành nông nghiệp.  

Từ những thành quả trên, tin rằng đây sẽ là tiền đề quan trọng để ngành nông nghiệp Vĩnh Long khắc phục khó khăn, vươn lên xây dựng một ngành nông nghiệp với năng suất, chất lượng không ngừng được nâng lên, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của thị trường ./.  

Thúy Hằng – Trung Hiếu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *