Bên bờ hạnh phúc

 Là một trong những xã điểm của huyện Vũng Liêm, xã cù lao Thanh Bình đã có nhiều cố gắng để hoàn thành các tiêu chí Nông thôn mới. Đến cuối năm 2012, xã đã đạt được 8/19 tiêu chí, năm 2013 đăng ký hoàn thành thêm 3 tiêu chí, nhưng xem ra tình trạng thiếu vốn đã khiến cho xã Thanh Bình gặp không ít khó khăn trong việc tiếp tục thực hiện các tiêu chí còn lại.

 

 

Là quê hương Nam Kỳ khởi nghĩa, xã Cù lao Thanh Bình, được chọn là một trong 4 xã điểm của huyện Vũng Liêm, và là một trong 22 xã điểm Xây dựng NTM của tỉnh. Nhưng có điều bất lợi là xuất phát điểm của địa phương này khá thấp. Có lẽ do đặc thù của địa phương là xã Cù lao, lắm sông nhiều rạch, giao thông cách trở, nhưng trong một thời gian khá dài Thanh Bình lại không nhận được sự đầu tư đúng mức. Do đó, khi bắt tay xây dựng Nông thôn mới vào năm 2010, so với quy chuẩn quốc gia, Thanh Bình không đạt tiêu chí nào. Mãi đến cuối năm 2011, xã mới đạt được 02 tiêu chí. Đó là tiêu chí số 01 – quy hoạch và tiêu chí số 13 – Hình thức tổ chức sản xuất.

Tuy nhiên, với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và bà con nhân dân trong xã, năm 2012 đã có bước tiến xa hơn, đạt thêm 6 tiêu chí như Hộ nghèo, y tế, giáo dục, văn hóa, chợ và bưu điện. Năm 2013, căn cứ tình hình thực tế của địa phương, Thanh Bình đăng ký hoàn thành thêm 3 tiêu chí nữa là Điện (4), Hệ thống chính trị vững mạnh (18), an ninh trật tự (19) và 1 tiêu chí thuộc diện phấn đấu, đó là cơ cấu lao động (12). Trong các tiêu chí mà địa phương đăng ký trong năm 2013 hầu hết vẫn là những tiêu chí tự lực thực hiện, cần ít vốn. Còn các tiêu chí khác, như giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất, văn hóa, trường học,… đều còn bỏ ngõ. Điều đáng nói ở đây là, đến nay đã hơn một nửa thời gian trôi qua, đích đến năm 2015 ngày càng gần, nhưng bộ mặt nông thôn của Thanh Bình vẫn chưa có chuyển biến đáng kể. Trong khi với sự nỗ lực trong công tác vận động, tuyên truyền của hệ thống chính trị địa phương, người dân Thanh Bình đã đồng thuận và sẵn sàng cho công cuộc xây dựng NTM lần này. Tiến độ chậm ở đây được xác định là do thiếu vốn từ trên đưa xuống. 

Đơn cử như tiêu chí về giao thông. Trước đây, cũng như nhiều địa phương khác, Thanh Bình cũng thực hiện chủ trương Nhà nước và nhân dân cùng làm trong xây dựng giao thông nông thôn, và cũng đã đạt được kết quả đáng khích lệ. Nhiều tuyến đường liên ấp, liên xóm được hoàn thành, có thể đi lại thuận tiện cả 2 mùa mưa nắng. Nhưng so với chuẩn nông thôn mới thì mặt đường chưa đạt và cần nâng cấp toàn bộ. Cần nói thêm rằng, những tuyến đường trong xã đã qua nhiều năm sử dụng, nay đã xuống cấp nhiều, và việc mở rộng, làm mới những con đường cũng đang là nhu cầu cấp thiết của người dân hiện nay. Hầu như, ai ai cũng muốn có đường lớn để đi, nên họ luôn sẵn sàng đóng góp khi địa phương cần.

Gia đình bà Châu Thị Ngọc, khi nhà nước thực hiện con đường liên xóm đi ngang đất nhà, bà mất trên 800 m2, trị giá vài trăm triệu đồng, nhưng gia đình sẵn lòng hiến đất và còn hy sinh cả huê lợi có trên đất để tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương làm đường.

Cũng như bà Ngọc, người dân các ấp khác cũng đã thấy được những lợi ích thiết thực của việc mở rộng đường theo quy chuẩn nông thôn mới, nên ai cũng mong muốn công việc này được thực hiện nhanh chóng.

Nhưng vấn đề thiếu vốn đang gây nhiều khó khăn cho tiến độ thực hiện tiêu chí này. Toàn xã Thanh Bình chỉ có duy nhất 01 tuyến đường liên xã, với tổng chiều dài hơn 4km, 16 tuyến đường liên ấp, tổng chiều dài 56,2km, và hơn 10 tuyến đường liên xóm, chiều dài trên 13km. Đến nay, tuyến liên xã về cơ bản đã đạt chuẩn. Năm 2012, xã đầu tư 3 công trình, với tổng vốn gần 10,5 tỷ đồng gồm 2 tuyến liên ấp và một cây cầu, nhưng mới chiếm tỷ lệ 8,5% số lượng công trình. Để đạt chuẩn NTM năm 2015, thì Thanh Bình còn cần đến hàng trăm tỷ đồng nữa cho việc thực hiện tiêu chí số 2 này.

 

Tương tự như tiêu chí về giao thông, tiêu chí thủy lợi đối với xã Thanh Bình cũng là một vấn đề lớn. Do địa bàn xã là đất cù lao, có nhiều sông rạch ngang dọc, để bảo vệ cho bà con an tâm sản xuất, đặc biệt là kinh tế vườn, hệ thống đê bao khép kín đòi hỏi phải có các công trình kiên cố cống đập kèm theo. Bởi đê bao và cống đập không đồng bộ sẽ gây khó khăn cho nhà vườn. Mỗi năm khi mùa nước lên, mảnh vườn của họ luôn bị tình trạng ngập úng đe doạ. 

  Theo thống kê, trên địa bàn xã Thanh Bình hiệrn có trên 400 cống đập lớn nhỏ. Trong đó có vài chục cống lớn cần được kiên cố hóa. Kinh phí cho mỗi cống lên đến vài tỷ đồng, nên số vốn cần để đầu tư thực hiện tiêu chí này không phải nhỏ.

Nỗi băn khoăn kế tiếp là tiêu chí về cơ sở vật chất văn hóa. Xã Thanh Bình có 12 ấp, có thể nói là một trong những địa phương có nhiều đơn vị ấp, nên việc xây dựng trụ sở nhà văn hóa ấp, khu vui chơi giải trí, khu thể thao,… đều cần rất nhiều đất và vốn. Nếu muốn đến 2015 có khoảng 50% số ấp trong xã đạt chuẩn này, thì số vốn cần thiết có thể lên đến trên 10 tỷ đồng, con số mà bản thân địa phương khó có thể tực vận động được.

Theo quy hoạch, Thanh Bình có một trường THPT phải xây mới. Đồng thời, nâng cấp trường học các cấp hiện có lên, sao cho đạt chuẩn quốc gia trong năm 2015. Để làm được điều đó ước tính phải có đến 50 tỷ đồng, nhưng cho đến nay vẫn chưa được đầu tư, dù cho quỹ đất công đã có.

Không chỉ thiếu vốn để thực hiện các tiêu chí lớn, và có tính trọng điểm này, mà ngay cả những nội dung bức xúc phải thực hiện ngay, như điện, nước sạch nông thôn… xã cũng đang gặp khó khăn tương tự. 

Nói tóm lại, hiên nay, toàn hệ thống chính trị và nhân dân xã Thanh Bình đều sẵn sàng cho công cuộc Xây dựng Nông thôn mới tại quê hương mình. Chỉ có điều nguồn vốn cần thiết để đầu tư  thực hiện thì không đủ sức. Theo ước tính của BCĐ Nông thôn mới huyện Vũng Liêm, để thực hiện các công trình giúp Thanh Bình đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2015, thì cần phải có gần 300 tỷ đồng. Rõ ràng, đây quả là con số quá lớn đối với xã. 

Nhưng với quyết tâm hoàn thành Nghị quyết đã đề ra, các cấp các ngành trong tỉnh, đặc biệt phía BCĐ huyện cũng đã hoạch định tiến độ cụ thể cho các công trình trọng điểm cần đầu tư ngay từ nay đến năm 2015. Đồng thời cũng đề xuất về trên đối với những công trình thuộc vốn của trên theo quy định. 

Tóm lại, do địa hình và vị trí khá đặc thù, nên công cuộc Xây dựng Nông thôn mới ở Thanh Bình cần rất nhiều vốn. Vì vậy, trong quá tình thực hiện, địa phương rất cần có sự thấu hiểu và chia sẻ nhiều hơn nữa của mọi người, để không ai còn thắc mắc “vì sao bà con xã mình phải tốn nhiều tiền của cho công cuộc xây dựng  Nông thôn mới đến vậy !” ./.

Thúy Hằng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *