Bên bờ hạnh phúc

Từ lâu, trụ đá được xem là một loại vật liệu xây dựng khá thông dụng đối với người dân miệt vườn sông nước Nam bộ. Người ta dùng trụ đá để neo cột nhà dành cho những căn nhà xây dựng ven các bờ kênh; dùng làm hàng rào; hay là có những nơi người ta làm cột nhà… Chính vì những thông dụng đó, mà nhiều nơi đã hình thành hẳn nghề chẻ đá…

 

Đến Hòn Sóc thuộc huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang, chúng ta sẽ cảm nhận rõ hơn về cuộc sống của những con người đã gắn liền với nghề chẻ đá- một nghề được xem là vừa nặng nhọc, lại vừa tiềm ẩn nhiều nguy hiểm này.

Từ thị trấn Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang, theo con đường nhựa vào Khu di tích Hòn Đất và mộ chị Sứ, chừng hơn 6 km là đến với Hòn Sóc.

Hòn Sóc nằm giữa vùng đồng trũng của xã Thổ Sơn, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang. 

Dọc con đường chẻ đá, dài khoảng 2 cây số, hai bên toàn đá: Đá tảng bằng cỡ con trâu, con voi, có trụ đá dài từ 1 tới 3- 4 mét, đá viên đủ các kích cỡ… 

Các bãi chẻ đá thường giống nhau: Một bên là đá tảng, đá khối, một bên là các trụ đá, đá viên thành phẩm, chính giữa là 2 – 3 người với búa, đụt thoăn thoắt trên tay. 

Họ che nắng tạm bợ bằng tấm nhựa, tấm đệm, một số người phơi mình dưới nắng, đầu đội nón hoặc quấn khăn. Họ như không quan tâm tới chung quanh, đôi mắt, đôi tay tập trung vào những vân đá li ti nào đó mà chỉ có họ mới nhìn thấy.

Các cán bộ địa phương cho biết, có đến 1/3 trong tổng số 1.200 hộ dân 2 ấp Hòn Sóc và Bến Đá sống bằng nghề đá. Công việc của họ là nhận khoán đá khối, đá tảng từ các doanh nghiệp khai thác đá, về sân bãi chẻ ra thành đá trụ, đá miếng. Một số khác thì nhận đập đá tảng ra thành đá xây dựng. Doanh nghiệp thu lại sản phẩm và cung cấp cho xây dựng khắp vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Ông Hoàng Dũng, phu đá lớn tuổi nhất tại mỏ đá Hòn Sóc ngồi dưới tấm bạt rách nát không đủ che mát tấm lưng. Thuở nhỏ, nhà nghèo không có tiền, không đủ cơm ăn nên cha mẹ ông ở quê nhà An Giang đã tập cho con cái đến bãi đá Núi Sập, huyện Thoại Sơn làm ít việc lặt vặt kiếm tí tiền. Cũng từ đó, cuộc đời ông như gắn chặt với các bãi đá, đến nay đã ngót 35 năm.

 

 

 

Vợ chồng anh Bùi Hoàng Tuấn và chị Phạm Thị Thu, quê ở Núi Sập- An Giang qua đây lập nghiệp đã hơn 9 năm nhưng đến nay gia đình anh vẫn là dân tạm cư. Nơi vợ và 2 đứa con của anh gọi là “nhà” là một căn lều lợp bằng lá dừa nước nhỏ xíu, cất tạm dưới chân Hòn Sóc. Với anh, chẻ đá là nghề truyền thống, nếu tính cả đứa con trai lớn 19 tuổi, hiện đang là thợ chính, thì gia đình anh đã có 3 đời làm nghề chẻ đá.

Nhiều người thấy thợ chẻ đá cuối ngày làm việc lãnh tiền công 100.000 đồng- 200.000 đồng/ngày/người thì cho rằng nghề đá mau giàu. Nhưng họ đâu biết để chẻ được một thanh đá người thợ phải “đổ mồ hôi, sôi nước mắt”, nhiều khi búa đập vào tay bật máu tươi, tiền công chỉ có 5.500 đồng/mét trong khi chủ bãi bán ra thị trường giá 50.000 đồng- 70.000 đồng/mét.

Riêng với nghề chuyển tải đá, nghề này, không kể ngày mưa hay nắng. Hễ có chủ ghe hoặc đại lý nào thuê thì người lao động- nhất là nữ, phải nhận làm ngay, nếu không sẽ không có việc mà làm. Không chỉ chuyển tải đá, có những lúc, đại lý còn mua đá lớn tập kết tại bến, rồi mướn lực lượng lao động này đập nhỏ ra. Công việc đập đá thường nguy hiểm hơn, do trong quá trình đập có thể văng đá vào mắt hoặc hít bụi vào phổi.

Những cây đá khi mà được cắt gọt xong, thì sẽ chuyển đi khắp nơi bằng đường bộ cũng như đường thủy. Riêng đối với đường thủy, từ trên bờ mà gánh xuống ghe, thì đa phần đều do chị em phụ nữ đảm nhận.

Nhiều người tâm sự, họ cũng tự hào rằng, các sản phẩm do họ làm ra hầu như có mặt trong các công trình xây dựng lớn, nhỏ khắp mọi miền đất nước… Và họ mong muốn được là một công nhân thực thụ, được hưởng các quyền lợi chính đáng của người lao động…

Những người thợ đá mà chúng tôi được gặp ở Hòn Sóc, đều có gắn bó với nghề nhiều năm. Họ lam lũ, vất vả ngoài mục đích mưu sinh, còn với mong muốn có được một công ăn, việc làm ổn định. Thật sự, nghề đá đã mang lại cho họ cơm ăn, áo mặc và cả chuyện học hành cho con cái họ nữa.

Hy vọng rằng trong khoảng thời gian tới, vấn đề an toàn lao động cho nghề đá, sẽ được chính quyền địa phương cũng như là các doanh nghiệp quan tâm hơn nữa, để những người thợ này yên tâm gắn bó với nghề.

Trọng Dũng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *