Bên bờ hạnh phúc

 Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa, những năm qua các địa phương trong tỉnh Vĩnh long đã tích cực vận động bà con nông dân đưa cây màu xuống ruộng thay thế cho vụ lúa hè thu – một vụ lúa sản xuất trong điều kiện thời tiết bất lợi, khô hạn, nắng nóng kéo dài, nhằm nhằm nâng cao giá trị thu hoạch trên một đơn vị diện tích.

 

 Theo thông lệ, vụ xuân hè hoặc vụ hè thu bắt đầu từ tháng 2 kéo dài cho đến hết tháng 6 âm lịch . Đây là những tháng thời tiết không được thuận lợi cho việc sản xuất lúa, do tình trạng khô hạn, nắng nóng kéo dài, khiến cho đồng ruộng luôn bị thiếu nước. Ngoài ra, lúc này trên cây lúa các đối tượng dịch hại cũng xuất hiện nhiều so với những vụ khác. Những yếu tố đó làm cho cây lúa kém phát triển, năng suất thường không cao. Ngược lại, chi phí đầu tư cho sản xuất thì lớn, nên người sản xuất ít có lời. Để khắc phục những khó khăn trong sản xuất lúa hè thu, ngành nông nghiệp đã khuyến cáo bà con nông dân chuyển dổi cây trồng, đưa cây màu xuống ruộng trong mùa khô, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất. 

Có thể nói sau khi thu hoạch lúa đông xuân là thời điểm thích hợp nhất để thực hiện việc đưa cây màu xuống ruộng. Bởi lẽ, nếu tiếp tục trồng lúa, bà con sẽ xuống giống quá cập rập, công việc làm đất , vệ sinh đồng ruộng không được kỹ, kèm theo nắng nóng, khô hạn, thiếu nước và dịch hại xuất hiện nhiều… sẽ làm cho cây lúa phát triển kém, và chi phí sản xuất sẽ tăng cao.  Còn nếu  như thực hiện công việc cày ải  phơi đất một thời gian, rồi mới  tiến hành dọn đất gieo sạ lúa, thì sẽ làm trễ lịch sản xuất  vụ thu đông sau đó. Do đó để khắc phục những khó khăn bất lợi này, ở những vùng đất sản xuất vụ hè thu kém hiệu quả, bà con nông dân đã chuyển sang trồng rau màu trên đất  ruộng. 

Thực tế cho thấy, việc trồng màu trên đất ruộng thay cho một vụ lúa sản xuất trong mùa khô hạn bà con nông dân có thể đạt lợi nhuận gấp đôi – ba lần  so với canh tác lúa trên cùng diện tích. Cụ thể, trồng lúa vụ xuân hè hoặc hè thu, nếu năng suất đạt 20 giạ/công thì sau khi trừ chi phí  đầu tư, còn lời khoảng 1 triệu đồng/ công. Nhưng chuyển sang trồng rau màu ở vụ này thì khả năng sẽ cho lợi nhuận từ 1,5-2 triệu đồng/công, nếu có kỹ thuật chăm sóc tốt, trúng mùa, trúng giá.

 Nhờ có hiệu quả kinh tế khá cao , mà hình thức luân canh cây màu trên đất ruộng đã được các địa phương áp dụng ngày càng phổ biến. Nếu như trước đây hầu hết diện tích đất ruộng của tỉnh đều sản xuất 3 vụ lúa/ năm, thì nay đã có không ít đất trồng lúa được bà con nông dân chuyển sang trồng màu ở vụ  xuân hè hoặc hè thu, rồi sau đó mới trở lại sản xuất lúa thu đồng và đông xuân. Qua thống kê của ngành nông nghiệp Vĩnh Long, từ đầu năm đến nay toàn tỉnh đã gieo sạ trên 20000 ha rau màu các loại. Trong đó trồng trên đất lúa khoảng 11000 ha. Các loại rau màu chủ lực trong vụ này là các loại cây lấy củ, cây công nghiệp ngắn ngày như đậu nành, mè đen, và một số rau màu khác, như bắp nếp , dưa hấu, cây họ bầu bí dưa ….

Liên tiếp mấy năm qua tất cả các huyện của Vĩnh Long đều có có kế hoạch đưa cây màu xuống ruộng để thay thế vụ lúa xuân hè hoặc hè thu . Trong đó, huyện Bình Tân vẫn là địa phương dẫn đầu cả tỉnh về biện pháp luân canh này, với bình quân mỗi  năm khoảng gần 7000 ha. Trong đó diện tích rau màu luân canh với lúa trên đất ruộng vào mùa khô chiếm hơn 60%. Trong đó, chủ yếu là khoai lang, mè đen và dưa hấu. Nhờ vậy mà tình trạng độc canh 3 vụ lúa/ năm trong huyện đã được xóa dần.  

Còn ở huyện Long Hồ năm nay diện tích trồng rau màu trong mùa khô thay cho vụ lúa hè thu cũng đã được nhiều nơi thực hiện, với tổng diện tích khoảng 1.000 ha. Riêng xã Tân Hạnh  gieo sạ trên 225 ha chiếm gần 50% diện tích ruộng trồng lúa toàn xã. Hai đối  tượng cây rau màu chủ lực, được bà con chọn sản xuất nhiều trong mùa khô này là đậu nành và mè đen, với gần 200 ha.

 Anh Võ Minh Huy ở ấp Long Hòa 2, xã Long Mỹ, huyện Mang Thít cho biết , gia đình có 5 công ruộng, trước đây trồng lúa hè thu  kém hiệu quả, do chi phí đầu tư cao, mà năng suất thì thấp, nên lợi nhuận rất ít. Được sự khuyến cáo của ngành nông nghiệp, mấy năm gần đây anh đã chuyển sang trồng rau màu trong vụ này. Anh cho biết, khi thì trồng củ cải, lúc thì trồng khoai mỡ …. nhưng so với cây lúa thì mức thu nhập của các loại rau màu đều khá hơn nhiều so với lúa.

Ngoài sự vượt trội về lợi nhuận, việc đưa cây màu trồng luân canh trên ruộng lúa trong mùa khô bà con nông dân còn có nhiều lợi ích khác. Trước tiên là giúp giải quyết những khó khăn trong mùa khô hạn  nhất  là nước tưới , thay đổi được cơ cấu màu vụ , cây trồng. Ngoài ra, nếu thay thế một vụ lúa bằng vụ rau màu sẽ có tác dụng ngăn chặn các đối tượng dịch hại  lây lan từ vụ lúa này sang vụ lúa khác. Mặt khác nó còn cải tạo được đất đai, tăng độ màu mỡ và tăng lượng đạm trong đất … giúp tiết giảm chi phí phân bón cho các vụ lúa tiếp theo.

 

Mặc dù vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm, nhưng có thể khẳng định, chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa mang lại nhiều lợi ích cho bà con nông dân. Do nó có tác dụng cải tạo đất đai , cắt dứt cầu nối dịch hại , và cuối cùng là giúp cải thiện thu nhập cho nông hộ. Đây là mô hình canh tác khoa học và bền vững , cần được phát huy, nhân rộng.

Hiện nay việc chuyển đổi cơ cấu trong nội bộ ngành nông nghiệp của tỉnh được đánh giá là đang tiến triển đúng hướng. Trong đó, việc trồng rau màu trên đất ruộng đã được nhiều địa phương và bà con nông dân tích cực hưởng ứng , do hiệu quả đã được khẳng định.

Tuy nhiên để phát triển bền vững và lâu dài biện pháp canh tác này, các địa phương và ngành chức năng cần có khuyến cáo cụ thể để bà con nông dân chọn lựa sản xuất những đối tượng rau màu phù hợp với điều kiện đất đai từng vùng, nhất là phải hết sức chú ý  đến nhu cầu của thị trường; để tránh hiện tượng sản xuất tràn lan, cung vượt cầu, khiến cho việc tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn, không đạt được hiệu quả kinh tế cao như mong muốn.

Quốc Chiến

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *