Bên bờ hạnh phúc

Tình hình thời tiết ngày càng diễn biến phức tạp, giá cả vật tư nông nghiệp đầu vào tăng cao. Trong khi chờ các chính sách điều tiết giá ở tầm vĩ mô của Nhà nước thì một số người trồng lúa ở huyện Châu Thành A áp dụng mô hình trồng lúa “1 phải –  5 giảm” để hạ giá thành sản xuất, tăng lợi nhuận. 

“1phải” đó là phải sử dụng giống tốt, giống xác nhận và “5 giảm” là giảm giống, giảm lượng phân đạm, giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật, giảm lượng nước tưới và số lần bơm tưới, giảm thất thoát trong và sau thu hoạch. Ông Tư Hô (Nguyễn Văn Tươi, ở ấp 4B, xã Tân Hòa) đã áp dụng mô hình này nhiều vụ qua rất hiệu quả cho biết: “1 phải – 5 giảm” được áp dụng là sau khi chọn giống xác nhận, giống tốt tạo tiền đề cho cây lúa khỏe thì khi gieo sạ phải giảm giống bằng cách sạ thưa, sạ hàng, khối lượng khoảng 16-18 kg/công (giảm 4-6 kg/công so hộ xung quanh). Thực hiện như vậy, ngoài giảm tiền lúa giống, thì sạ thưa, sạ hàng còn giúp quản lý sâu bệnh, cỏ dại được dễ dàng. 

 Qua từng vụ lúa, các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đều tăng giá, để giảm chi phí, ông Tư  bón phân cân đối theo bảng so màu lá lúa và giữa từng vụ mùa trong năm đều áp dụng các loại phân khác nhau. Chẳng hạn như vụ lúa Hè thu phân bón dễ bốc hơi nên ông sử dụng các loại phân bón chậm tan, có thể tiết kiệm được 20-25% so với bón phân đạm thông thường. Ngoài ra, để giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật phun cho lúa, ông hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo quy trình quản lý dịch hại tổng hợp IPM. Ông Tư Hô cho biết thêm: “Bà con không áp dụng “1 phải – 5 giảm” thấy lúa có sâu, rầy là cuống cuồng lên mua thuốc về xịt ngay. Còn tôi, lúa trong vòng 40 ngày tuổi là không xịt sâu cuốn lá, sâu phao… vì ở giai đoạn này cây lúa có thể tự phục hồi được. Đối với rầy nâu, nếu mật số thiên địch nhiều hơn rầy thì tôi cũng không xịt”.

Sản xuất lúa theo “1 phải – 5 giảm” giúp lúa cứng cây dễ dàng thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp, giảm chi phí, tăng lợi nhuận.

 

 Trước tình hình giá xăng dầu leo thang và theo các nhà khoa học, hạn hán có thể xảy ra (do biến đổi khí hậu) thì giảm lượng nước tưới và số lần bơm tưới theo “1 phải – 5 giảm” là cách ứng phó tốt nhất. Ông Tư Hô cho biết cách làm của mình qua các vụ lúa đã được thực hiện: “Khoảng 10 ngày sau khi sạ thì bón phân đợt đầu tiên, đợi 3-4 ngày cho lúa ngấm phân thì rút nước ra cho khô ruộng. Đến khi nào mặt đất nứt chân chim thì đưa nước trở vô ruộng ngâm 1 ngày 1 đêm rồi tiếp tục rút nước ra, chứ không phải lúc nào cũng giữ nước trong ruộng, để sau này tập dần cho cây lúa chống chịu hạn hán”. Thực hiện như vậy, không những giảm chi phí nhiên liệu mà còn hạn chế cây lúa đổ ngã, giúp nhà nông giảm thất thoát trong và sau thu hoạch. Vì theo  ông Tư Hô, khi rút nước trong ruộng cạn và để mặt đất khô thì rễ cây lúa sẽ ăn xuống để tìm nước, rễ lúa càng ăn sâu thì gốc lúa càng giữ chắc. Nhờ vậy, lúa của ông vụ nào cũng không hoặc ít bị đổ ngã, nên thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp dễ dàng, giảm phân nửa chi phí so với thu hoạch bằng thủ công. 

Áp dụng chăm sóc lúa theo “1 phải – 5 giảm” đã giúp ông Tư Hô giảm ít nhất 20% chi phí so với hộ trồng lúa trong vùng không áp dụng mô hình này, nhưng năng suất thì không giảm. Riêng vụ lúa Đông xuân 2010-2011, ông đạt năng suất lúa 8,78 tấn/ha, lãi trên 30 triệu đồng/ha. Đó là ông bán lúa vào thời điểm giá thấp xuống, nếu không lợi nhuận có thể đạt cao hơn. 

Còn  anh Nguyễn Văn Năm, ở ấp Trường Thắng, xã Trường Long A cho biết: “Vụ Đông xuân 2010-2011 vừa rồi, tôi gieo sạ 1ha lúa Jasmine áp dụng theo “1 phải – 5 giảm” cộng hết tiền phân bón, thuốc bảo vệ thực vật chỉ có 3,27 triệu đồng, trong khi người làm lúa gần ruộng tôi sạ có 0,4ha canh tác theo lối truyền thống thì tốn tiền phân, thuốc tới 4,7 triệu đồng, nhưng năng suất lúa của tôi đâu có tệ cũng đạt trên 1 tấn lúa/công”.      

Ở vụ lúa Hè thu này, theo anh Năm thì năng suất thường thấp và chỉ đạt khoảng 5-6 tấn/ha, nhưng giá phân thuốc thì tăng, để giảm giá thành hạt lúa và có lợi nhuận, cách tốt nhất là áp dụng “1 phải – 5 giảm”. Tuy nhiên, mô hình này chậm được triển khai nhân rộng trên địa bàn huyện, trong khi một số tỉnh khác, mô hình này được phát động thành một phong trào. Anh Năm cho biết thêm: “Tôi theo dõi trên đài thấy mô hình sản xuất lúa “1 phải – 5 giảm” có nhiều ưu điểm, nên khi cán bộ nông nghiệp xuống ấp, tôi hỏi về mô hình này và được mấy anh hướng dẫn, chứ ở ấp chưa có mở lớp tập huấn”. 

Kỹ sư Đỗ Văn Hải, cán bộ Trạm Khuyến nông – Khuyến ngư huyện Châu Thành A, cho biết: Năm 2011, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh Hậu Giang phân bổ cho Trạm Khuyến nông – Khuyến ngư huyện Châu Thành A quy mô 20ha để trình diễn sản xuất lúa tiêu chuẩn VietGAP theo quy trình “1 phải – 5 giảm”. Theo sự chỉ đạo của Sở NN&PTNT tỉnh, Trạm khuyến nông – khuyến ngư huyện sẽ tập trung vào 2 địa phương đang xây dựng xã nông thôn mới để xây dựng mô hình “1 phải – 5 giảm”. Mục tiêu của mô hình là tạo ra nguồn giống xác nhận tại địa phương, góp phần tăng diện tích lúa sử dụng giống xác nhận. Đây cũng là điểm trình diễn để nông dân trong vùng và các vùng lân cận học tập, rút kinh nghiệm và nhân rộng mô hình, giúp nông dân trên địa bàn tiếp cận được quy trình sản xuất lúa tiên tiến để nâng cao hiệu quả sản xuất.

Theo Kim Viếng ( Hậu Giang Online)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *