Bên bờ hạnh phúc

Festival Trái cây Việt Nam lần thứ nhất tổ chức tại tỉnh Tiền Giang từ ngày 19 – 24/4/2010 được xem là một sự kiện đặc biệt nhằm quảng bá thương hiệu trái cây Việt Nam và tôn vinh hình ảnh người nông dân, nhà khoa học và doanh nghiệp. Qua đó, mở rộng hợp tác tìm kiếm cơ hội làm ăn, góp phần đưa trái cây đi xa, đẩy mạnh xúc tiến thương mại trong lĩnh vực nông nghiệp, hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn nữa trong việc sản xuất, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu trái cây.

Việt Nam là đất nước được thiên nhiên ưu đãi ,“cây lành trái ngọt”, phong phú suốt bốn mùa. Đặc biệt, ĐBSCL đất đai màu mỡ, có nhiều khu vực chuyên canh cây ăn trái nổi tiếng. Tên gọi “miệt vườn” dành cho vùng ĐBSCL được gắn liền với nhiều chủng loại cây ăn trái, như Tiền Giang có xoài cát Hòa Lộc, vú sữa lò rèn Vĩnh Kim, sầu riêng Ngũ Hiệp. Tỉnh Vĩnh Long có bưởi Năm roi Bình Minh, cam sành Tam Bình. Tỉnh Đồng Tháp với quýt hồng Lai Vung…

Hiện cả nước có trên 776.000 ha cây ăn trái, vùng đất Nam bộ chiếm trên 450.000 ha, khu vực ĐBSCL có gần 285.000 ha. Hàng năm, vùng đất Nam bộ cung cấp cho thị trường gần 4 triệu tấn trái cây các loại, chiếm 56% sản lượng so với cả nước. Trái cây ở Nam bộ rất phong phú về chủng loại và có khá nhiều giống đặc sản thơm ngon, không chỉ chinh phục được người tiêu dùng trong nước mà còn xuất khẩu, trong đó có những sản phẩm có lợi thế cạnh tranh như bưởi Năm roi, bưởi da xanh, sầu riêng Ri 6, chôm chôm, măng cụt, thanh long… Tuy nhiên, trái cây Nam bộ chưa tạo dựng được nhiều thương hiệu, sản xuất còn manh mún, công nghệ sau thu hoạch còn lạc hậu, những chính sách lớn chưa đủ “lực” để giúp trái cây Việt Nam có thể vươn ra biển lớn. Những nỗ lực tự thân của nhà vườn, những chính sách, sự quan tâm mang tính cục bộ của từng địa phương chỉ có thể giúp cho trái cây Việt Nam phát triển bề rộng, chưa thật bền vững.

Kỷ lục bản đồ Việt Nam bằng trái cây lớn nhất trong Festival Trái cây Việt Nam 2010

Festival trái cây tổ chức tại tỉnh Tiền Giang là dịp để tôn vinh những đóng góp của nông dân, nhà khoa học, doanh nhân… bằng sức lao động lao động và trí tuệ của mình đã tạo ra cây lành trái ngọt, góp phần vào quá trình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Festival cũng là cầu nối cho những suy nghĩ, những sáng kiến, những đóng góp quí báu về cây trái để nâng cao chất lượng và thương hiệu trái cây Việt. Lễ hội này còn là thông điệp gởi đến bạn bè thế giới hình ảnh một đất nước Việt Nam thanh bình. Ngoài mục tiêu quảng bá thương hiệu trái cây Việt Nam chất lượng cao, Festival Trái cây Việt Nam – Tiền giang còn tổ chức gồm nhiều hoạt động nhằm giới thiệu với du khách trong và ngoài nước những loại trái cây ngon, điểm du lịch nhà vườn ấn tượng, tạo cơ hội cho nông dân gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm và giao thương mua bán, tìm kiếm đối tác làm ăn lâu bền, mở rộng hợp tác để đưa trái cây xuất khẩu sang thị trường các nước.

Festival lần này có trên 500 gian hàng tham gia trưng bày, triển lãm, giới thiệu nhiều loại trái cây đặc sản của cả nước và những thành tựu về nông nghiệp; tổ chức xúc tiến giao thương hàng hóa sản phẩm trái cây. Ngoài ra, lễ hội lần này còn thiết lập nhiều kỷ lục như : bản đồ Việt Nam được kết bằng trái cây lớn nhất, tứ linh 1.000 năm thương nhớ đất Thăng Long, kỷ lục Rồng vẽ bằng nghệ thuật Graffiti dài nhất Việt Nam… Các lễ hội văn hóa mang đậm dấu ấn cây trái Việt Nam cũng được tổ chức long trọng như : hội thi trái ngon an toàn, nghệ thuật tạo hình bằng trái cây, nhiếp ảnh nghệ thuật trái cây, lễ hội ẩm thực, lễ hội chợ nổi… đã diễn ra khá hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách.

Điểm khác của Festival Trái cây ở tỉnh Tiền Giang là ngoài trung tâm chính tại thành phố Mỹ tho, lễ hội còn được tổ chức ở nhiều nơi khác như Trung tâm trái cây Hòa Khánh, chợ nổi Cái bè… Mỗi địa diểm còn đều có chương trình hoạt động phù hợp với địa phương nhằm tôn vinh công lao và đóng góp tích cực của nhà vườn, nhà khoa học, nhà quản lý và doanh nghiệp. Qua đó đã tạo nên sắc màu đa dạng và làm phong phú cho ngày hội lớn của trái cây Việt Nam.

Trong khuôn khổ hoạt động của Festival Trái cây, các hội thảo sản xuất và tiêu thụ trái cây cũng được tổ chức như : cơ hội và thách thức của trái cây trong thời kỳ hội nhập, nâng cao giá trị trái cây và liên kết 4 nhà, du lịch sinh thái kết hợp với vườn cây ăn trái… với sự tham gia của nhiều chuyên gia nông nghiệp, doanh nghiệp, nhà nhập khẩu quốc tế, nhà vườn. Các hội thảo nhằm đánh giá đúng thực trạng tiềm năng sản xuất và xuất khẩu trái cây, gắn sản xuất với tiêu thụ để hình thành chuỗi kết nối 4 nhà nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu.

Festival trái cây lần thứ I đã ghi nhận, đánh giá tiềm năng to lớn của cây trái vùng Nam bộ, khắc họa được vị thế của trái cây Việt Nam trong bối cảnh hiện nay, góp phần đẩy mạnh chuyển giao khoa học công nghệ trong sản xuất, phát triển giao thương buôn bán và xuất khẩu trái cây. Festival lần này cũng đã thể hiện lòng tự hào của người Việt đối với nền văn minh nông nghiệp, trong đó có sản xuất trái cây. Festival đã tạo điều kiện tốt cho trái cây Nam bộ nói chung và vùng châu thổ sông Cửu Long nói riêng phát triển bền vững, nhằm đạt mục tiêu 1 triệu ha cây ăn trái và 500 triệu USD kim ngạch xuất khẩu trong 2010.

Quốc Chiến

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *