Bên bờ hạnh phúc

Giống lúa quyếtđịnh năng xuất, hiệu quả trồng lúa

Nói đến những địa chỉ sản xuất lúa giống đáng tin cậy ở Vũng Liêm, nhiều bà con nông dân sẽ nghĩ ngay đến Tổ sản xuất lúa giống ấp Mướp Sát ở xã Trung Hiệp. Đây là nơi chuyên cung cấp những giống lúa mới, chất lượng cao, phục vụ nhu cầu sản xuất lúa hàng hóa cho bà con tại địa phương và những khu vực lân cận. Tổ sản xuất lúa giống này được xây dựng từ những bà con tổ viên ham thích tìm tòi, học hỏi và mạnh dạn đổi mới, trong đó phải kể đến hộ của ông Nguyễn Văn Bé, ở ấp Mướp Sát, xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Ông là một trong những nông dân đầu tiên chuyển sang nghề trồng lúa giống ở địa phương này. Với 2 ha đất sản xuất lúa giống, hàng năm, gia đình ông đã cung cấp cho bà con nông dân trong vùng từ 20 – 30 tấn lúa giống. Nhiều năm liền, ông đạt danh hiệu Nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh.

Vốn xuất thân trong gia đình nông dân, sau khi lập gia đình, năm 1989, vợ chồng ông được chia 4,5 công đất ruộng. Với vốn đất đai này, vợ chồng ông làm ruộng, chăn nuôi heo và tiết kiệm trong mọi chi tiêu, nhưng cũng chỉ đủ xoay sở trong gia đình. Lúc bấy giờ, đất trồng lúa kém hiệu quả, nên một số người bán đất, chuyển đi nơi khác sinh sống. Vốn đam mê trồng lúa, nên khi tích lũy được chút ít là vợ chồng ông vay mượn thêm để mua đất. Ông cho biết, có lúc gia đình chẳng dư giả, nhưng do vợ chồng chí thú làm ăn nên mọi người tin tưởng bán đất, trả dần. Nhờ vậy, hơn 15 năm sau, số đất canh tác của gia đình ông tăng vọt lên khoảng 5 ha. Từ đây, cuộc sống gia đình ông khấm khá hơn trước.

Năm 2004, ông Bé bắt tay vào sản xuất lúa giống với diện tích ban đầu 5.000 mét vuông. Tuy nhiên, khi vào thực tiễn thì không dễ như ông nghĩ. Do chưa có kinh nghiệm, nên khi thu hoạch, năng suất và chất lượng lúa không đạt như mong muốn, lúa làm ra bán không ai mua… Dù thất bại, nhưng ông không nản lòng. Với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, ông bắt đầu tìm hiểu về kỹ năng lai tạo giống thông qua các buổi hội thảo do Trường Đại học Cần Thơ và Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức. Đồng thời, Viện Nghiên cứu lúa ĐBSCL cũng đã chuyển giao kỹ thuật và hỗ trợ cho ông một số công cụ sản xuất lúa giống. Từ đó, việc sản xuất lúa giống của gia đình ông đã dần đi vào ổn định. Không chỉ góp phần tăng thu nhập cho gia đình, hiện nay, ông còn là một cá nhân nòng cốt của Tổ sản xuất lúa giống tại địa phương.

Đến nay, sau khi chia cho các con, vợ chồng ông còn canh tác 3 ha đất. Trong số này, có 2 ha dùng để sản xuất lúa giống. Kể từ khi sản xuất lúa giống, thu nhập hàng năm tăng lên đáng kể, gia đình ông có cuộc sống sung túc hơn và mua được một số thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp. Có thể nói, chính sự đam mê gắn bó ruộng vườn và sự nhạy bén áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất đã giúp gia đình ông Bé vươn lên khá giàu.

Mỹ Hạnh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *