Bên bờ hạnh phúc

Phát huy thế mạnh về điều kiện và tiềm năng hiện có, trong những năm qua, bà con nông dân đã khai thác diện tích mặt nước trên ruộng vào mùa nước nổi để nuôi cá nhằm tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên, giảm bớt chi phí đầu tư, nâng cao thu nhập trên đất trồng lúa. Đây là mô hình vừa góp phần tăng thu nhập cho nông hộ vừa bảo vệ môi trường sinh thái trên đồng ruộng. Việc nuôi cá trên ruộng lúa trong mùa nước nổi thay cho vụ lúa Thu Đông kém hiệu quả là một tín hiệu đáng mừng, vì ý thức của nông dân đã dần được thay đổi từ sản xuất độc canh 3 vụ lúa/năm, chuyển sang hình thức luân canh lúa – cá mang lại lợi ích kinh tế cao.

Xác định nuôi cá ruộng trong mùa nước nổi là một trong những mục tiêu phát triển đa dạng ngành nuôi thủy sản nước ngọt, ngành Nông nghiệp phối hợp cùng các địa phương đã tích cực đầu tư cho bà con nông dân về bờ bao thủy lợi, chuyển giao kỹ thuật, con giống. Hàng năm, ngành Nông nghiệp còn hỗ trợ nguồn cá giống để thực hiện nhiều mô hình, điểm trình diễn… Qua đó, giúp nông dân tham quan học tập, rút kinh nghiệm, nâng cao kiến thức để áp dụng nuôi cá ruộng đạt năng suất cao.

Ảnh minh họa

Tại huyện Long Hồ, mùa nước nổi năm nay, ngoài những hộ dân tự nuôi cá ruộng, ngành Nông nghiệp còn đầu tư cá giống cho 7 hộ nông dân và 1 tập thể, để thực hiện nuôi trên ruộng với tổng diện tích gần 12 ha ở 4 xã Long An, Long Phước, Phú Quới và Thạnh Quới. Số cá giống được chuyển giao cho nông dân trên 22.400 con gồm cá chép, rô phi, mè trắng và cá trôi. Qua gần 4 tháng nuôi, kiểm tra cá đạt trọng lượng khoảng 300g/con.

Theo bà con nông dân, hình thức nuôi cá này sẽ không tốn chi phí đầu tư nhiều, bởi cá khi sống trên ruộng sẽ tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên như cua, ốc bươu vàng, sâu rầy… nhưng khi thu nhập lại cho hiệu quả cao. Thêm một lợi ích khác là bảo vệ được môi trường, tạo điều kiện cho cá trong tự nhiên phát triển. Nếu nuôi đúng kỹ thuật, tỷ lệ hao hụt thấp, bình quân sau khi thu hoạch trừ chi phí còn lời cả triệu đồng/công.

Mô hình nuôi cá trên ruộng mùa nước nổi được ngành Nông nghiệp và bà con nông dân đánh giá đạt kết quả khá cao, phù hợp vói điều kiện phát triển kinh tế vùng nông thôn và cần nhân rộng, góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo ở địa phương. Mô hình này sẽ mở ra triển vọng khai thác tiềm năng, một là khai thác lợi thế về mặt nước trong mùa lũ, hai là có ý nghĩa về mặt dân sinh, giải quyết được lao động nhàn rỗi, ba là bảo vệ nguồn thủy sản tự nhiên và tạo được môi trường sản xuất bền vững. Tuy nhiên, nhà nước và ngành chức năng cần phải quan tâm hỗ trợ hơn nữa về kỷ thuật nuôi, chuyển giao cá giống có chất lượng, xây dựng qui trình nuôi hợp lý cho từng vùng, địa phương…có như thế thì công việc nuôi cá trên ruộng trong mùa nước nổi của bà con nông dân mới thật sự phát triển ổn định và cho hiệu quả cao.

Quốc Chiến
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *