Bên bờ hạnh phúc

Tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho chị em là một trong những mục tiêu của Hội Phụ nữ các cấp

Điều đáng ghi nhận là qua phát động phong trào thi đua cũng đã khơi dậy được truyền thống “tương thân tương ái” trong các tầng lớp phụ nữ, đồng thời giáo dục ý thức trách nhiệm của mỗi người đối với cộng đồng xã hội. Các cấp hội đã sáng tạo thực hiện nhiều mô hình giúp nhau có hiệu quả như: lá lành đùm lá rách, phụ nữ làm kinh tế giỏi, tiết kiệm vì phụ nữ nghèo, giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ, tổ phụ nữ tiết kiệm tín dụng,…v..v.. Từ năm 2006 đến nay, các hoạt động này đã giúp đỡ được cho gần 45.000 lượt phụ nữ nghèo có điều kiện phát triển kinh tế, chăm lo tốt hơn cho cuộc sống gia đình.

Phong trào thi đua yêu nước được gắn chặt với các mục tiêu nhiệm vụ của hội, đồng thời tổ chức phát động đăng ký thi đua giữa các tập thể, cá nhân trong hệ thống hội. Từ đó, đã xuất hiện nhiều mô hình mang sắc thái riêng của hội và nhiều tập thể cá nhân có đóng góp xuất sắc, đưa phong trào của hội ngày càng phát triển.

Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Trung Nghĩa, huyện Vũng Liêm được xem là một trong những tập thể tiêu biểu của tỉnh trong việc triển khai thực hiện phong trào thi đua ở cơ sở. Qua phát động, các chi – tổ hội đã vận động được hơn 1.700 hội viên phụ nữ đăng ký thực hiện phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” và hưởng ứng cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” theo từng nội dung và việc làm cụ thể.

Các cấp hội cũng đã quan tâm vận động hỗ trợ kịp thời cho những hoàn cảnh khó khăn, vận động các mạnh thường quân và chị em trong hội hỗ trợ nhà ở cho những cán bộ phụ nữ nghèo để chị em có cuộc sống ổn định, từ đó hết lòng gắn bó với công tác hội. Các nhiệm vụ trong tâm của hội và phong trào thi đua được triển khai thực hiện nghiêm túc, vận động được ngày càng nhiều phụ nữ tham gia vào hội. Trong lãnh vực đào tạo nghề và giới thiệu việc làm, hội không chỉ duy trì được những mô hình nghề thủ công có hiệu quả, mà còn phối hợp với các công ty ở TPHCM đưa máy móc về địa phương và đào tạo công nhân để tham gia lao động. Mô hình này đã phát huy tốt hiệu quả, tạo điều kiện cho những người phụ nữ có con nhỏ không thể đi làm xa tham gia lao động, có được nguồn thu nhập ổn định. Trong thời gian qua, với những hoạt động đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, hội đã giúp cho hơn 600 lao động có việc làm và hỗ trợ cho 172 hộ có điều kiện lao động sản xuất.

Thực hiện phong trào thi đua, kết hợp với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác, các cấp hội cũng đã vận động chị em có ý thức tiết kiệm. Ngoài việc đóng góp tương trợ nhau hàng tháng và nuôi heo đất của các chi tổ hội, phong trào nuôi heo đất trong chị em phụ nữ phát triển mạnh đến từng hộ gia đình. Hiện nay, nhà nhà hội viên đều có heo đất, những đồng bạc lẻ góp nhặt của các chị em đã hỗ trợ nhiều phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. Để nâng cao kiến thức cho chị em phụ nữ, ngoài việc tuyền truyền thông qua những kỳ sinh hoạt tổ, nhóm, Hội Phụ nữ xã Trung Nghĩa còn duy trì và phát huy tốt phong trào đọc sách báo trong chị em phụ nữ. Để tạo nguồn sách báo phong phú, Hội Phụ nữ đã phát động đóng góp sách báo trong chị em hội viên. Khi bố trí các kệ sách cũng chú ý chọn địa điểm thích hợp. Là một gương mặt nữ điển hình trong phong trào thi đua của hội 5 năm qua, chị Nguyễn Thị Thình, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ ấp Quang Thịnh, xã Hiếu Phụng, huyện Vũng Liêm, được chị em phụ nữ tin tưởng và biết đến vì lòng nhiệt tình với công tác hội và sự quan tâm chăm lo quyền lợi của chị em. Không chỉ hưởng ứng và thực hiện tốt phong trào thi đua mà chị còn là một tuyên truyền viên tích cực giúp chị em phụ nữ nhận thức được ý nghĩa của phong trào và cùng nhau thực hiện. Chị Thình đã cũng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ – hội, thu hút được ngày càng nhiều phụ nữ tham gia vào tổ chức hội, luôn quan tâm giúp đỡ tận tình đối với những hoàn cảnh khó khăn. Chị Nguyễn Thị Lan, trước đây, do làm ăn thua lỗ phải bỏ quê đi làm ăn xa. Thấy được hoàn cảnh của chị Lan, chị Thình đã quan tâm động viên chị trở về địa phương và tìm nhiều cách hỗ trợ. Nhờ vậy mà gia đình chị Lan hôm nay đã có cuộc sống ổn định.
Với chị Thình, mỗi lần giúp đỡ được chị em phụ nữ, đem đến cho họ niềm vui thì đó cũng chính là niềm vui, là động lực để chị phấn đấu và gắn bó với công việc. Qua thực tiễn hơn 30 tham gia công tác hội, thấy được chỉ có ổn định về kinh tế, phụ nữ mới có điều kiện tham gia công tác xã hội nên chị luôn đặt mục tiêu là làm thế nào để nâng cao đời sống hội viên. Chị đã tranh thủ các nguồn vốn để cho chị em vay, vận động tự hùn vốn trong chị em để hỗ trợ nhau cùng phát triển. Tùy theo tình hình thực tế của từng hộ gia đình mà chị phân nhóm theo khả năng và nhu cầu, từ đó nguồn vốn huy động được sử dụng mang lại hiệu quả tốt và
thiết thực đối với từng chị em.

Chúng tôi dự một buổi sinh hoạt câu lạc bộ “6 không, 3 sạch” của chi hội phụ nữ khóm 4, phường 2, thành phố Vĩnh Long. Với chị em phụ nữ nơi đây, việc sinh hoạt như thế này đã trở thành thông lệ, cứ đến ngày giờ qui định thì chị em tập trung đông đủ. Có được kết quả đó là nhờ vào uy tín, sự nhiệt tình của Chi hội trưởng chi hội phụ nữ của khóm, chị Lê Thị Lý. Trong các buổi sinh hoạt, ngoài việc cung cấp những kiến thức theo chủ đề, chị còn sưu tầm những thông tin có liên quan đến đời sống gia đình, cách chăm sóc sức khỏe… cung cấp cho chị em tìm hiểu và áp dụng trong việc bảo vệ sức khỏe cũng như xây dựng gia đình. Đặc biệt, trong các buổi sinh hoạt đều có kể một câu chuyện về tấm gương đạo đức của Bác, đồng thời phân tích để chị em nắm bắt và học tập làm theo. Hưởng ứng cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, chị Lý đã tích cực tìm tòi học tập nhiều mẫu chuyện về bác để ứng dụng trong cuộc sống và trong công việc. Đồng thời, chị còn vận động cán bộ hội cùng sưu tầm để có nguồn tài liệu phong phú, phổ biến cho chị em, giúp chị em nhận thức sâu sắc hơn về đạo đức của Bác. Trước đây, gia đình chị cũng rất khó khăn nên chị rất thương cảm và thấu hiểu được những vất vã của người nghèo. Chị đã phối hợp địa phương đẫy mạnh các hoạt động vận động tương trợ, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là những phụ nữ nghèo. Chị Lý đã vận động xây dựng được hủ gạo tình thương để hỗ trợ thường xuyên hàng tháng cho những hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, chị còn vận động các mạnh thường quân và chị em hội viên đóng góp để tặng quà cho các hộ gia đình và học sinh nghèo trong dịp tết… Chính việc làm nầy đã khơi dậy được sự đoàn kết tương thân tương ái của hội viên phụ nữ và nhân dân trong khóm, đưa phong trào từ thiện xã hội ở địa phương phát triển mạnh.

Phong trào thi đua yêu nước đã thực sự đi vào đời sống của chị em phụ nữ, trở thành động lực thúc đẩy chị em vượt qua thử thách, khó khăn, phát huy tài năng sáng tạo, góp phần quan trọng vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế văn hóa, xã hội của tỉnh. Có thể nói, chính phong trào này đã có tác động rất lớn trong việc nâng cao nhận thức, khơi dậy tính tự giác, trách nhiệm của phụ nữ đối với sự tiến bộ, phát triển của bản thân, gia đình và cộng đồng.

Cẩm Âu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *