Bên bờ hạnh phúc

Sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng nên từ nhỏ, chị Nguyễn Thị Phượng (xã Phú Thịnh, huyện Tam Bình) đã nung nấu ý chí lớn lên sẽ đi theo con đường của cha và mẹ. 18 tuổi, chị đã vào bộ đội. Sau hơn 10 năm quân ngũ, chị Phượng trở về địa phương, mang cả chất lính đi làm công tác dân số – kế hoạch hóa gia đình (DS – KHHGĐ).

Những năm ấy, cuộc sống nghèo khó, phụ cấp cho cán bộ chuyên trách và cộng tác viên hầu như chưa có, lại thêm người chồng bị bệnh ung thư không ai chăm sóc, nhiều lúc, chị định nghỉ việc ở nhà lo cho gia đình nhưng chồng chị – trước khi qua đời – có động viên chị : “Đừng nghỉ vì làm dân số là một công tác quan trọng”. Từ đó, chị tiếp tục đi làm dân số và với mong muốn giúp những gia đình đông con thoát cảnh khó khăn, nghèo túng như gia đình chị ngày trước.

Phú Thịnh là một xã vùng sâu của huyện Tam Bình, đa số người dân sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp, trong đó có nhiều gia đình đông con. Dù bươn chải nhưng đa số người dân vẫn thiếu trước hụt sau, ít có điều kiện chăm lo sức khỏe. Vào những năm 1994 – 1995, địa phương tuyên truyền vận động cộng đồng cùng tham gia công tác DS – KHHGĐ theo chủ trương của Nhà nước. Và để làm tốt công tác này cần phải có người tham gia để tuyên truyền vận động. Hơn ai hết, chị Phượng nhận thức sâu sắc vai trò của công tác DS – KHHGĐ đối với người dân nông thôn và tình nguyện tham gia làm cộng tác viên kể từ tháng 6/1994. Sau đó một năm, chị được Ban chỉ đạo xã giao trọng trách làm cán bộ chuyên trách dân số.

Cán bộ dân số tuyên truyền chăm sóc sức khỏe sinh sản cho người dân

Với chị, công tác DS – KHHGĐ luôn phải đi sớm, về khuya, làm dân số ở nông thôn lại càng khó khăn hơn gấp bội. Chị đến nhà vận động, có khi bà con nông dân đi làm ruộng cả ngày, đành phải ở lại chờ đến chạng vạng mọi người mới về. Đến khi tuyên truyền xong thì trời đã tối hẳn nên việc phải về khuya là chuyện bình thường. Vất vả là vậy nhưng chị cũng như các cộng tác viên ở cơ sở luôn nhiệt tình, chẳng bao giờ bỏ nhiệm vụ. Lúc phong trào mới khởi phát, hệ thống giao thông trong xã đi lại rất khó khăn. Ngày mưa, đường trơn trợt, các chị cứ bảo nhau : “Càng mưa thì càng phải đi nhiều vì những lúc ấy, bà con không đi làm ruộng được, các chị đến nhà mới gặp đối tượng cần vận động, như thế mới hoàn thành tốt nhiệm vụ… ”.

Khó khăn của công việc “làm dâu trăm họ là vậy”, nhưng nhờ sự nhiệt tình của người cán bộ chuyên trách và cộng tác viên cộng với sự quan tâm của các cấp chính quyền, công tác dân số xã Phú Thịnh trở thành một điểm sáng của huyện và tỉnh. Đến nay, từ việc nghe tuyên truyền thụ động, bà con đã biết phản hồi, thắc mắc và đặc biệt là đã có kiến thức để tự tuyên truyền cho nhau. Tuy tuổi đã cao, gia cảnh khó khăn, nhưng với đôi bàn chân dẻo dai và tấm lòng nhiệt tình hiếm có, hơn 16 năm nay, chị Phượng đã vượt qua biết bao cây cầu khỉ, bao con đường đất sình lầy để đến với bà con xóm ấp. Đến đâu, người ta cũng ưu ái gọi chị là “chị Phượng dân số”. Chị cảm thấy vui và không thể bỏ làm chuyên trách được.

Hầu hết chị em tham gia công tác này đa phần là những người làm nghề nông. Những ngày đi tuyên truyền, chị em phải bỏ bê công việc nhà, lội sông, lội ruộng mất cả buổi trời mới gặp đối tượng. Việc thì nhiều mà phụ cấp thì không đáng là bao. Chính vì vậy, chị đã đưa ra ý kiến phối hợp với Trạm Y tế và Hội Phụ nữ của xã thực hiện các chương trình tuyên truyền vận động KHHGĐ kết hợp với các chương trình khác để chị em có thêm chút ít thu nhập, phần nào giảm bớt khó khăn cho việc đi lại. Năm 2010, với Chiến dịch tăng cường chăm sóc Sức khỏe sinh sản – Kế hoạch hóa gia đình (CSSKSS – KHHGĐ), xã Phú Thịnh đã thực hiện đạt chỉ tiêu đình sản và vòng tránh thai là 100%, nâng tỷ lệ các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại trong tòan xã là 85%.

Với kinh nghiệm, chị Phượng còn cho biết : Để người dân nghe theo thì người cán bộ dân số phải gương mẫu và hiểu được tính cách của người được vận động. Trong tuyên truyền, chị còn thường nêu gương những gia đình sinh ít con, có điều kiện chăm sóc con cái thành đạt, đồng thời kể chuyện những gia đình đông con khiến kinh tế khó khăn, con cái học hành không đến nơi đến chốn. Thêm nữa, chị thường xuyên đến những gia đình trong độ tuổi sinh đẻ, nhất là gia đình sinh con một bề để tìm hiểu tâm tư nguyện vọng, kịp thời đưa ra những lời khuyên bổ ích. Với cách vận động này, xã Phú Thịnh do chị phụ trách nhiều năm liền không có người sinh con thứ 3.

Thấm thoát mà đã 16 năm gắn bó với phong trào, chị Phượng đã trải qua nhiều chuyện vui buồn, nhưng câu chuyện đáng nhớ nhất là vào năm 1995. Lúc chị vừa nhận nhiệm vụ chuyên trách DS – KHHGĐ mới hơn 2 tháng thì có chiến dịch truyền thông CSSKSS – KHHGĐ. Do không có phương tiện, chị Phượng phải mượn xuồng đưa các chị đi đình sản ở bệnh viện Tam Bình về. Còn lại một chị ở ấp Phú Hữu Tây, nhà tận trong đồng trống nên khi đưa chị này về tới nhà đã gần 12 giờ đêm, còn chị bơi xuồng về đến nhà thì đã 2 – 3 giờ sáng. Đi sớm về khuya, nhưng nghĩ lại, hy sinh công lao một chút để đổi lại niềm vui và hạnh phúc cho bao gia đình khác là điều nên làm nên dù vất vả mấy chị cũng không ngại.

Chính vì không ngại khó, ngại khổ nên chị Phượng đã kết hợp với Chi bộ, Ban Nhân dân ấp và các ban, ngành, đoàn thể trong ấp tổ chức các câu lạc bộ như Câu lạc bộ dân số và phát triển, Câu lạc bộ không sinh con thứ 3 trở lên… đề xuất địa phương hỗ trợ phương tiện, xăng dầu đưa rước chị em phụ nữ đến Trạm Y tế hưởng ứng Chiến dịch tuyên truyền vận động lồng ghép dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ, hỗ trợ tiền, quà… cho người đình sản. Nhờ cách làm năng động đó, từ năm 1995 đến nay, Phú Thịnh vận động được trên 1.800 cặp vợ chồng thực hiện KHHGĐ (trong đó có 255 ca đình sản), nâng tỉ lệ cặp vợ chồng sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại trong toàn xã đạt gần 90%. Đến nay, toàn xã có 180 cặp vợ chồng đăng ký nhiều năm liền không sinh con thứ 3. Cuộc sống nhờ vậy mà khá lên thấy rõ. Riêng chị Phượng được tặng 12 bằng khen, giấy khen và Huy chương Vì sự nghiệp dân số.

16 năm gắn bó với ngành là ngần ấy thời gian chị Phượng vượt qua biết bao khó khăn thử thách, nhất là thời điểm ngành dân số sáp nhập với các ngành khác. Bí quyết của chị Phương là duy trì sinh hoạt đều đặn với đội ngũ cộng tác viên để nắm bắt kịp thời những biến động về dân số trên địa bàn, từ đó đề ra biện pháp thích hợp. Công tác thông tin, cập nhật dữ liệu được chị tiến hành chặt chẽ, có hệ thống. Dù trải qua nhiều thăng trầm, biến động về tổ chức, ít ỏi về thù lao, nhưng chị Phượng chưa bao giờ có ý định “bỏ việc”. Mỗi tuần, mỗi tháng, chị đều có kế hoạch phối hợp tuyên truyền với các ngành, đoàn thể địa phương, tập trung vào những công việc trọng tâm. Vừa tư vấn trực tiếp, vừa phát tờ rơi vừa hướng dẫn các hội viên, đoàn viên tham gia các hoạt động xây dựng mô hình dân số và phát triển. Chị Phượng đúc kết được kinh nghiệm quý báu : “Càng gần bà con càng hiểu bà con, càng có nhiều phương pháp phối hợp hiệu quả”. Câu đúc kết kinh nghiệm ngắn gọn, đơn giản nhưng lại đầy tâm huyết và trải nghiệm của chị qua 16 năm gắn bó với phong trào.

Trọng Dũng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *