Bên bờ hạnh phúc

ĐBSCL với cảnh quan sông nước xanh mát quanh năm là một địa chỉ du lịch hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước. Nơi đây còn mang dấu ấn của một vùng văn hóa với tính cách người Nam bộ hào sảng, hiếu khách. Tuy nhiên, sản phẩm du lịch của các tỉnh còn nhiều sự tương đồng. Do vậy, cần tạo sự liên kết để đưa du lịch ĐBSCL phát triển tương xứng với tiềm năng.

 

ĐBSCL gồm 13 tỉnh, thành phố nằm ở hạ nguồn sông Mekong là một vùng rộng lớn, trù phú và đông dân. Khí hậu ổn định và cảnh quan xanh tươi gần gũi thiên nhiên là lợi thế để phát triển du lịch quanh năm. Điều đáng mừng là trong những năm gần đây lượng khách đến ĐBSCL có sự gia tăng đáng kể. Năm 2012 vừa qua, ĐBSCL đón gần 19 triệu rưỡi lượt khách du lịch, tăng hơn 11% so với năm trước. Riêng khách quốc tế cũng có sự tăng trưởng ấn tượng. Nếu như năm 2008 toàn vùng chỉ tiếp 1,2 triệu lượt khách quốc tế, chiếm gần 9,5% tổng số khách đến VN thì năm 2012 tăng lên 1,6 triệu khách, chiếm 23,5%. Trong đó dẫn đầu là Tiền Giang với 600 ngàn lượt khách, Bến Tre 300 ngàn lượt và Vĩnh Long 200 ngàn lượt. 

Tuy nhiên, lợi thế du lịch sinh thái dã ngoại gắn với cảnh quan thiên nhiên vùng sông nước miệt vườn hiện có quá nhiều tỉnh khai thác. Do vậy, những tỉnh có cự ly vận chuyển ngắn tính từ TP.HCM sẽ có ưu thế hơn. Trong khi đó, sản phẩm du lịch lại có nhiều điểm tương đồng. Các tỉnh như Tiền Giang, Vĩnh Long và Cần Thơ đều có chương trình tham quan chợ nổi, làng nghề, thưởng thức trái cây, tát mương bắt cá, đờn ca tài tử, v.v… khiến cho sản phẩm du lịch của mỗi địa phương không có sự đặc thù. Do vậy, chỉ cần đến 1 tỉnh là có thể hình dung ra nhiều tỉnh trong vùng.

 Vĩnh Long là một trong những địa phương có tiềm năng lớn về du lịch sinh thái của ĐBSCL với trọng điểm là 4 xã cù lao nằm giữa sông Tiền. Thế nhưng, trong năm 2012, Vĩnh Long đón chỉ đón khoảng 900 ngàn lượt khách du lịch, xếp thứ 7 trong số 3 tỉnh, thành trong vùng và chỉ tăng trưởng hơn 8% so với năm trước. Còn trong quí 1 năm 2013 này, lượng khách quốc tế giảm 20% trong khi khách nội địa cũng chỉ tăng 4%. Tuy nhiên, ngành du lịch địa phương dự báo lượng khách du lịch đến Vĩnh Long sẽ tăng cao vào cuối năm khi Diễn đàn hơp tác kinh tế ĐBSCL sẽ diễn ra tại đây. Điều này đặt ra yêu cầu ngành du lịch tự đổi mới để nâng cao sản phẩm hiện có, xây dựng sản phẩm mới. Ngoài ra, cần giải quyết những vướng mắc nội tại để thu hút khách đến tham quan và lưu trú.

Toàn tỉnh Vĩnh Long hiện có gần 30 điểm du lịch, 80% trong số này qui mô hộ gia đình nên khả năng phục vụ còn bị giới hạn, tính chuyên nghiệp chưa cao. Đó là chưa kể 14 doanh nghiệp được cấp phép lữ hành nhưng chủ yếu thực hiện các dịch vụ nối tuyến cho các Công ty du lịch ở thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Tìm giải pháp liên kết khai thác, phát huy du lịch sinh thái văn hóa, sông nước miệt vườn là chủ đề hội thảo vừa được Hiệp hội du lịch Vĩnh Long tổ chức vào cuối tháng 3 vừa qua. Trong đó bao gồm định hướng phối hợp du lịch giữa Vĩnh Long với TP. HCM và Cần Thơ; ký kết chương trình hợp tác phát triển du lịch 4 tỉnh Vĩnh Long – Tiền Giang – Bến Tre và Trà Vinh.

 

 

Liên kết, hợp tác, phát triển bền vững du lịch ĐBSCL cũng là nhiệm vụ trọng tâm của Hiệp hội du lịch ĐBSCL. Từ năm 2009, Hiệp hội này đã chủ trì tổ chức chương trình hợp tác phát triển du lịch giữa 4 tỉnh, thành vùng trọng điểm kinh tế ĐBSCL gồm: Cần Thơ – An Giang – Kiên Giang và Cà Mau. Qua đó khai thác có hiệu quả thế mạnh du lịch đặc trưng của từng địa phương. Nếu như Cần Thơ có lợi thế về hạ tầng thì An Giang thu hút khách với du lịch tâm linh viếng miếu bà Chúa Xứ; Kiên Giang với sản phẩm du lịch biển đảo Phú Quốc, Hà Tiên.

Ngoài du lịch sinh thái miệt vườn, lợi thế cảnh quan thiên nhiên nguyên sinh gần đây cũng được nhiều tỉnh ĐBSCL khai thác. ĐBSCL hiện còn có hai khu Ramsa, tức vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế, là vườn quốc gia Tràm Chim, Đồng Tháp và khu dự trữ sinh quyển mũi Cà Mau. Trong đó khu Ramsar mũi Cà Mau vừa được công nhận mới đây rất đa dang sinh học. Ngoài việc bảo vệ tốt nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, khu Ramsar này nếu được chung tay phối hợp khai thác tốt của cả cộng đồng sẽ là một điểm thu hút khách du lịch đến với vùng đất ngập mặn cực Nam của Tổ quốc.

Đánh giá đúng tiềm năng và phân tích rõ thực trạng để tìm ra giải pháp phát triển du lịch cho vùng ĐBSCL có tầm quan trọng của các cấp, các ngành, các địa phương. Như Bạc Liêu, từ năm 2012 tỉnh này tham gia vào chương trình liên kết du lịch “ĐBSCL – một điểm đến 4 địa phương +”. Cùng với 4 tỉnh thành là Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau, vùng đất ven biển với thế mạnh văn hóa là cái nôi đờn ca tài tử là Bạc Liêu ngày càng khai thác du lịch tốt hơn. Trong năm qua, Bạc Liêu là tỉnh có doanh thu từ du lịch đứng thứ 3, tỷ lệ tăng trưởng khách du lịch đứng thứ 2 trong số các tỉnh trong khu vực ĐBSCL.

Tuy có sự tăng trưởng nhưng nhìn chung doanh thu từ du lịch của ĐBSCL hiện chiếm tỷ lệ khiêm tốn so với cả nước, chỉ khoảng 3% trong năm 2012. Do vậy, ĐBSCL cần xây dựng một hình ảnh mới hơn để thu hút du khách đến với một vùng đất năng động đang phát triển từng ngày. Như tại Bạc Liêu, Nhà máy điện gió tổng mức đầu tư trên 5 ngàn tỷ đồng đã lắp đặt xong giai đoạn 1 với 10 trụ turbin gió phát điện vào dịp 30/ 4 năm nay là một biểu tượng mới cho du lịch Bạc Liêu nói riêng và ĐBSCL nói chung.

 Việc khai thác tốt về văn hóa, lịch sử, con người vùng đất Tây Nam Bộ có sẵn trong bối cảnh mới là điểm nhấn cho du lịch vùng ĐBSCL, một không gian thống nhất nhưng cũng rất đặc thù. Vấn đề còn lại là để ĐBSCL thu hút ngày càng nhiều du khách, cần thêm nhiều giải pháp đồng bộ từ chính sách và sự liên kết nội tại để vực dậy ngành công nghiệp không khói này.

Quốc Dũng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *