Bên bờ hạnh phúc

Chưa có nhiều kinh nghiệm trồng lúa, nhưng nhờ tích cực nghiên cứu và ý chí quyết tâm với nghề, vụ đầu tiên ông thu được 4 tấn/ha. Thời điểm đó, nông dân đạt năng suất như thế là có lời và được xem là khá thành công. Năm 1997, ông Đức mang cả gia đình đến định cư ở vùng đất Lương An Trà này. Vừa làm ruộng, ông vừa mở một cửa hàng vật tư nông nghiệp phục vụ nhu cầu của bà con nơi đây. Từ đó, số vốn của gia đình cứ tăng dần và ông mua tích lũy mua thêm ruộng đất.

Ông Sáu Đức kiểm tra lúa đang trổ đồng

Dù biết rằng, so với nghề buôn bán thì làm ruộng cực nhọc hơn nhiều, nhưng ông Nguyễn Lợi Đức nghiệm ra rằng, nếu có nhiều đất thì nghề làm ruộng sẽ phát triển theo một hướng mới hơn. Ông sẽ đưa thêm máy móc vào đồng ruộng, chỉnh sửa hệ thống, giao thông và thủy lợi nội đồng… để tiết giảm được nhiều công lao động, đặc biệt là lao động chân tay trên mảnh ruộng của mình. Bằng cách nghĩ như vậy, không bao lâu, trong tay ông nắm giữ 70 ha ruộng có diện tích liền kề nhau.

Vừa tăng diện tích đất canh tác, ông Sáu Đức còn nghiên cứu nhiều cách để tăng năng suất lúa. Ông không ngừng học hỏi kiến thức mới, thường xuyên tìm đến các nhà chuyên môn để tham khảo ý kiến, tìm đến những người có kinh nghiệm lâu năm để học tập… Vụ Đông Xuân năm 2000 – 2001 là một vụ đáng nhớ của ông. Nhờ áp dụng tốt những tiến bộ của khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng, đặc biệt là công tác giống, năng suất lúa tăng lên đáng kể, khoảng gần 7 tấn/ha, lợi nhuận trên 1 tỷ đồng. Vào thời điểm này, đồng ruộng ở Tri Tôn nói riêng và vùng tứ giác Long Xuyên nói chung có sự chuyển biến rất lớn về diện mạo. Ruộng lúa đều đặn hơn, không còn cảnh lúa 2 tầng, 3 tầng nữa… Kinh nghiệm sản xuất lúa hàng hóa bằng giống cấp xác nhận bắt đầu được nhiều bà con áp dụng. Năm 2005, ông Nguyễn Lợi Đức bắt đầu sản xuất lúa giống.

Với sự nghiêm túc lao động và tay nghề trồng lúa giỏi, ông Nguyễn Lợi Đức được chọn làm Tổ trưởng Phân hội Giống của huyện Tri Tôn, góp phần cùng chương trình xã hội hóa công tác giống của địa phương. Do những yêu cầu khách quan của nghề sản xuất lúa giống, để làm ăn chuyên nghiệp hơn, tháng 10/2009, ông Đức cho thành lập công ty do chính ông điều hành có tên : Công ty phát triển hạt giống cây trồng An Giang (gọi tắt là công ty SDC). Diện tích canh tác của công ty hiện nay lên đến 120 ha, sản lượng hàng năm gần 900 tấn lúa giống các loại, với 80 đại lý phân phối khắp các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Với tinh thần trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp, SDC hiện là địa chỉ cung cấp lúa giống đáng tin cậy cho bà con nông dân.

Cách đây không lâu, có nguồn thông tin khiến nhiều người hết sức chú ý, đó là việc một nông dân ở An Giang dùng máy xử lý mặt đất bằng tia lazer. Người nông dân đó chính là ông Sáu Đức. Thật ra, việc đẩy mạnh cơ giới hóa vào đồng ruộng được ông Đức nghĩ đến rất nhiều và sẵn sàng đầu tư khi có điều kiện. Vì vậy, khi tỉnh An Giang được nhận được sự chuyển giao công nghệ máy xử lý mặt đất bằng tia lazer từ Trường Đại học Nông Lâm TPHCM vào năm 2006 thì ông Nguyễn Lợi Đức là nông dân duy nhất được chọn để hợp đồng làm thực nghiệm máy này.

Ngoài ra, ông còn thực hiện nhiều chuyến tham quan, du lịch sang những nước có nền nông nghiệp tiến bộ hơn để học tập như : Nhật, Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia… Ứng dụng nhiều loại máy móc vào đồng ruộng và sau những chuyến đi từ nước ngoài về, ông Sáu Đức nảy sinh ra nhiều suy nghĩ khác hơn cho nghề trồng lúa của mình. Với những người trồng lúa, ít ai nghĩ rằng cây lúa giúp họ làm giàu và trở thành tỷ phú, nhưng với cách làm của ông Sáu Đức, cây lúa đã trở thành nguồn thu nhập mang lại sự giàu có cho gia đình ông. Ý tưởng về một sự hợp tác trong sản xuất nông nghiệp của ông Sáu Đức là hoàn toàn phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Làm được như vậy, rõ ràng, người nông dân không hề mất đất, mặc dù họ không phải trực tiếp canh tác một cách vất vả trên mảnh vườn thửa ruộng của mình, nhưng vẫn được hưởng lợi nhuận trên phần đất ấy. Để thực hiện được ý tưởng này, người nông dân phải có sự thay đổi nhất định trong nhận thức để có cùng suy nghĩ như ông Sáu Đức.

Sau những việc làm và kết quả đạt được, nhiều năm qua, ông Nguyễn Lợi Đức đã được Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, Ban chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam biểu dương với nhiều bằng khen, giấy khen. Điều đó nói lên rằng, ông đã và đang là một nông dân tiến bộ, một nông dân của thời kỳ hội nhập và phát triển.

Thúy Hằng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *