Bên bờ hạnh phúc

Hiệp hội Ngân hàng trong cuộc họp đầu tháng 7 đã thống nhất hạ lãi suất huy động xuống quanh mức 11%/năm, bắt đầu áp dụng từ ngày 5/7

Riêng với các ngân hàng nhỏ gặp khó khăn về nguồn vốn huy động được phép huy động tối đa 11,2%/năm. Theo lộ trình, chậm nhất là tháng 10, các ngân hàng phải đưa lãi suất huy động xuống còn 10%/năm. Vừa qua, 12 ngân hàng lớn đồng thuận giảm lãi suất cho vay tối đa đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn, xuất khẩu thấp nhất là 12%/năm. Như vậy, so với tháng 04/2010, lãi suất cho vay của nhiều ngân hàng đã giảm 1% – 2,5%/năm. Tuy nhiên, các ngân hàng chỉ áp dụng lãi suất mới đối với các khoản vay vốn lưu động ngắn hạn. Trong khi đó, các ngân hàng có quy mô trung bình cho biết cần phải có thời gian mới hạ được lãi suất cho vay như các ngân hàng lớn. Nguyên nhân là nhiều tháng trước đã huy động vốn với lãi suất 12%/năm nên lãi suất cho vay vốn lưu động từ 14%/năm trở lên, còn lãi suất cho vay tiêu dùng, mua – sửa chữa nhà từ 15% – 17%/năm, lãi suất cho vay tín chấp qua thẻ tín dụng lên tới 20% – 21%/năm. Trong số 37 ngân hàng cổ phần, 5 ngân hàng thương mại nhà nước thì chưa có ngân hàng nào giảm lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 3 tháng về mức 11%/năm.

Một số tin vắn khác

* Từ ngày 03/7, thuế suất nhiều mặt hàng nông sản nhập khẩu từ Hàn Quốc giảm, chỉ còn 7 – 10% theo Hiệp định khu vực mậu dịch tự do ASEAN – Hàn Quốc (giai đoạn 2010 – 2011).

Cụ thể, thuế suất mặt hàng thịt cừu, trâu, bò, heo… nhập khẩu từ Hàn Quốc giảm chỉ còn 7 – 10%, các mặt hàng sữa có mức thuế phổ biến từ 10 – 15%. Một số mặt hàng khác như cá, hoa quả, thuế suất phổ biến từ 15 – 20%… Để được hưởng mức thuế suất ưu đãi, hàng hóa nhập khẩu phải được nhập trực tiếp vào Việt Nam từ 9 nước thành viên ASEAN là : Brunei, Campuchia, Lào, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Hàn Quốc.

* Thủ tướng Chính phủ vừa chỉ đạo Hiệp hội Lương thực Việt Nam mua tạm trữ tối đa 1 triệu tấn quy gạo vụ Hè Thu năm 2010.

Thời hạn mua tạm trữ trong 2 tháng, tính từ 15/7 đến 15/9/2010. Thủ tướng giao Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp – Phát triển Nông thôn hướng dẫn Hiệp hội Lương thực Việt Nam tổ chức việc phân giao cho các doanh nghiệp mua số lúa, gạo tạm trữ trên, có tính đến kết quả đã thực hiện mua lúa, gạo đối với vụ Đông Xuân năm 2009 – 2010. Các doanh nghiệp thực hiện mua lúa, gạo tạm trữ theo cơ chế thị trường, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả kinh doanh. Ngân sách Nhà nước sẽ hỗ trợ 100% lãi suất tiền vay mua lúa, gạo tạm trữ, thời gian tạm trữ được hỗ trợ tối đa là 4 tháng, tính từ 15/7/2010 đến 15/11/2010. Hiện thời, ĐBSCL chỉ mới thu hoạch vài trăm ngàn ha trong số 1,5 triệu ha gieo sạ. Song, lượng lúa còn tồn khoảng 2 triệu tấn nên lúa Hè Thu tiêu thụ chậm. Giá lúa hiện phổ biến ớ mức 3.500 – 3.700 đồng/ kg tuỳ từng địa phương.

* Sau 10 năm thực hiện chính sách tín dụng phát triển nông thôn, dư nợ tín dụng khu vực này tăng xấp xỉ 9 lần, tốc độ tăng trưởng tín dụng bình quân đạt gần 22%/năm và chiếm 16,7% tổng dư nợ cho vay.

Nếu như cuối năm 1998, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn mới chỉ đạt 34.000 tỷ đồng thì sau 10 năm thực hiện, hiện dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn đã tăng trên 315.000 tỷ đồng. Trong năm 2009, cho vay trung và dài hạn chiếm 40%, cho vay ngắn hạn chiếm 60%. Hàng chục triệu hộ nông dân đã được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng để phát triển sản xuất. Chất lượng tín dụng cho vay nông nghiệp được đảm bảo, tỉ lệ nợ xấu cuối năm 2009 là 2,75%. Tuy nhiên, để có 1% tăng tưởng kinh tế nông nghiệp thì cần 6% tăng trưởng tín dụng. Do vậy, với kế hoạch tăng trưởng giai đoạn 2012 – 2015 là 4%, cần sự hỗ trợ tín dụng ở mức tương ứng 24%.

* Sau 3 năm gia nhập tổ chức thương mại thế giới WTO, thị trường bán lẻ trong nước có những chuyển biến mạnh với sự tham gia của các nhà bán lẻ nước ngoài.

Để thích nghi tốt hơn với tình hình mới, hệ thống siêu thị Vinatexmart vừa chuyển đổi loại hình doanh nghiệp từ công ty 100% vốn nhà nước sang công ty TNHH một thành viên. Theo đó, Công ty kinh doanh hàng Thời trang Việt Nam, đơn vị sở hữu hệ thống siêu thị Vinatex, sẽ có tên mới là Công ty TNHH một thành viên Thương mại Thời trang Dệt may Việt Nam. Được biết, sau 9 năm thành lập, Vinatexmart đã thiết lập được một chuỗi 56 trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tại 24 tỉnh, thành phố trọng điểm trong nước. Nhờ chú trọng thị trường vùng sâu, vùng xa, vùng đặc thù, như trường giáo dục, bệnh viện… nên doanh thu của Vinatexmart tăng trưởng bình quân 40%/năm. Mục tiêu của Vinatexmart đến năm 2015 là nằm trong top 3 hệ thống bán lẻ Việt Nam.

Quốc Dũng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *