Bên bờ hạnh phúc

Tại Trung tâm văn hóa huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp vừa diễn ra phiên chợ Hàng Việt về nông thôn thứ 100, đánh dấu mốc quan trọng của hành trình 4 năm đưa hàng Việt về nông thôn hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động.

 

Phiên chợ hàng Việt về nông thôn lần thứ 100 diễn ra liên tục 3 ngày 2 đêm, nhưng ngay từ chiều trước giờ khai mạc đã có nhiều bà con đến tham quan mua sắm. Nếu như phiên chợ đầu tiên được tổ chức vào tháng 3-2009 tại huyện Châu Thành, An Giang chỉ diễn ra trong một ngày và vỏn vẹn 14 doanh nghiệp tham gia, thì những phiên chợ gần đây số doanh nghiệp tham gia tăng hơn 3 lần và thời gian cũng được kéo dài hơn. Tuy qui mô là phiên chợ, nhưng tất cả doanh nghiệp tham gia đều là doanh nghiệp có sản phẩm được người tiêu dùng bình chọn hàng Việt Nam chất lượng cao, nên có một sức hút đặc biệt với người tiêu dùng nông thôn. 

Các phiên chợ hàng Việt về nông thôn đều được các doanh nghiệp xem như là cơ hội để quảng bá thương hiệu và sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm mới đến thị trường nông thôn đầy tiềm năng. Cũng chính từ những phiên chợ này, các doanh nghiệp thiết lập thêm các kênh phân phối mới tại các chợ huyện. Đây cũng là kênh tiếp nhận thông tin phản hồi từ phía thị trường để nhà sản xuất cho ra những sản phẩm phù hợp nhu cầu của người tiêu dùng. Các sản phẩm mới như thế này được giới thiệu tại các phiên chợ khiến cho người tiêu dùng hết sức hào hứng. 

Bất kể cơn mưa đột ngột trong đêm khai mạc phiên chợ hàng Việt về nông thôn thứ 100 tại huyện Tháp Mười, Đồng Tháp, người tiêu dùng vẫn đội mưa mua sắm. Tuy đây không phải là phiên chợ đầu tiên về huyện này,  nhưng kết thúc phiên chợ thứ 100 này có đến hơn 16 ngàn lượt người tiêu dùng tham quan mua sắm, doanh số đạt 1 tỉ 600 triệu đồng.

Chương trình đưa Hàng Việt về nông thôn do Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp BSA khởi xướng cách đây 4 năm. Tiếp theo đó, chương trình được đưa vào nội dung của Chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước của Bộ Công thương vào đầu năm 2010. Từ đó đến nay, chương trình đã duy trì liên tục và đã có mặt tại 25 tỉnh, thành phố từ Lạng Sơn đến Cà Mau. Trong đó, Đồng Tháp là địa phương có nhiều phiên chợ nhất với 12 phiên. 

Các phiên chợ hàng Việt về nông thôn không chỉ dừng lại ở việc bán hàng mà qua đó còn có các hoạt động hỗ trợ như: thiết lập kỹ năng bán hàng, vẽ bản đồ phân phối hàng Việt, tư vấn tiêu dùng và các hoạt động xã hội khác phục vụ lợi ích cộng đồng.

 Tại phiên chợ hàng Việt về nông thôn lần thứ 100 còn diễn ra hoạt động giao lưu với các đại sứ hàng Việt; trao tặng công trình điện đường nông thôn dài 1 km mang tên Thắp sáng đường quê cho một xã thuộc huyện Tháp Mười. Đặc biệt là Hội doanh nghiệp hàng VN chất lượng cao đón nhận kỷ lục VN về việc tổ chức liên tục 100 phiên chợ của chương trình. Nhân dịp này, 20 doanh nghiệp gắn bó nhiều nhất với chương trình được Bộ Công thương tặng bằng khen. 

100 phiên chợ hàng Việt về nông thôn trải dài trên nhiều tỉnh, thành trong cả nước cho thấy sự nỗ lực không mệt mỏi của Ban tổ chức chương trình nhằm xác lập chỗ đứng cho hàng Việt tại thị trường nội địa, đặc biệt là thị trường nông thôn.

Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà phiên chợ đầu tiên và phiên chợ thứ 100 đều diễn ra tại hai tỉnh biên giới giáp nước bạn Campuchia. Trước đây, người tiêu dùng những địa phương nơi này quen dùng hàng hóa nhập khẩu, đặc biệt là từ Thái Lan hay hàng không rõ xuất xứ, hàng kém phẩm chất ,thì từ những phiên chợ như thế này xác lập chỗ đứng cho hàng Việt ngày càng vững chắc hơn trên thị trường. Sản phẩm của Công ty TNHH sản xuất cân Nhơn Hòa tuy quen thuộc với thị trường nội địa nhưng qua 52 phiên chợ trực tiếp bán hàng về nông thôn, doanh nghiệp cảm nhận rõ sức mua mạnh mẽ từ thị trường nông thôn. Những phiên chợ đầu, cân Nhơn Hòa chỉ bán vài trăm chiếc còn nay lượng hàng bán tại mỗi chuyến đã tăng lên hơn ngàn chiếc cân các loại.

 

Còn đối với những doanh nghiệp có kinh nghiệm thị trường ít hơn như công ty TNHH Minh Long Hưng, cũng được người tiêu dùng nông thôn đón nhận. Với tuổi đời mới 5 năm và chuyên sản xuất và kinh doanh trang phục quần áo trẻ em, trong năm qua, lần đầu tiên công ty được người tiêu dùng bình chọn danh hiệu Hàng VN chất lượng cao. Từ đó, công ty luôn duy trì việc tham gia các phiên chợ hàng Việt về nông thôn. Trong lúc sức mua suy giảm, nhiều doanh nghiệp đối diện với hàng tồn kho cao thì doanh thu năm qua của công ty tăng trưởng 3 lần. Trong đó có sự đóng góp lớn từ các phiên chợ như thế này. 

Doanh số của 100 phiên chợ hàng Việt về nông thôn đã qua ước đạt gần 97 tỉ đồng. Qua đó, có khoảng 1,5 triệu lượt người tham quan mua sắm. Hơn 200 doanh nghiệp tham gia vào chương trình. Đây là những thành công bước đầu trong chặng đường 4 năm của phiên chợ hàng Việt về nông thôn. Tính bình quân, mỗi doanh nghiệp có từ 3 đến 5 đại lý mới sau mỗi phiên chợ ,thì qua 100 phiên chợ các doanh nghiệp sản xuất đã thiết lập một kênh phân phối mới và rộng tại thị trường nông thôn. Doanh nghiệp bán được hàng, người tiêu dùng mua được sản phẩm chính hãng của những doanh nghiệp được bình chọn hàng VN chất lượng cao và là dịp xúc tiến thương mại có hiệu quả của địa phương. Từ đó mở ra nhiều triển vọng trong việc tăng độ bao phủ sản phẩm và triển khai các chương trình phát triển thương mại ở cấp huyện. 

Nước ta hiện có hơn 9.000 chợ và hơn 500.000 cửa hàng. Lượng hàng hóa tiêu thụ qua 2 kênh phân phối này chiếm đến 80% tổng lượng hàng hóa tiêu thụ. Tỷ lệ này còn cao hơn ở khu vực nông thôn, nơi có nhu cầu mua sắm cao gấp 3 lần so với thành thị. Do vậy, với việc triển khai giai đoạn 4 của dự án phát triển thị trường nông thôn sẽ là một hướng đi đúng để khai thác có hiệu quả một thị trường hiện chiếm đến 70% dân số của cả nước. Đây còn là giải pháp để đưa hàng Việt lấy lại thị phần nội địa, ổn định sản xuất kinh doanh trong giai đoạn kinh tế tăng trưởng chậm hiện nay. 

Từ phiên chợ hàng Việt về nông thôn lần thứ 100, cho thấy sự nỗ lực của doanh nghiệp quyết tâm gắn với thị trường nông thôn và sự quan tâm của người tiêu dùng với hàng hóa Việt.

Quốc Dũng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *