Bên bờ hạnh phúc

Với diện tích đất gieo sạ lúa mỗi vụ lên đến hơn 1,6 triệu ha, ngoài ra còn cả triệu ha đất trồng rau màu, vườn cây ăn trái, chính môi trường rộng lớn này đã hình thành nên nghề nuôi gia cầm thả rông, nhất là nghề nuôi vịt chạy đồng ở ĐBSCL.  

Người dân thả vịt ra đồng để tận dụng lúa rơi vãi và nguồn thức ăn có sẵn trong tự nhiên như cua, ốc, cá, tép… Cách nuôi này có ưu điểm là vịt mau lớn, giá thành rẻ nhưng cũng nảy sinh nhiều bất cập về nguy cơ lây lan dịch bệnh và làm ô nhiễm môi trường do phân vịt thải trực tiếp ra ngay trên đồng ruộng, kênh rạch.

 

Lang thang bầy vịt

Ở ĐBSCL, có lẽ không ai rành mùa vụ từng vùng bằng người nuôi vịt. Bởi họ cứ lang thang theo bầy vịt đi hết cánh đồng này lại tìm sang cánh đồng mới để chăn thả. Dưới cái nắng chang chang ở giữa cánh đồng lúa đã thu hoạch rộng mênh mông của huyện Gò Quao (Kiên Giang), anh Bùi Văn Thành cùng một người làm công đang chậm rãi lùa bầy vịt khoảng 2.000 con đi ăn. Thấy tôi tay cầm máy chụp hình, vai đeo cặp bì bõm lội ruộng đi về phía đàn vịt, anh Thành tiến lại hỏi “có gì không, nhà báo đi viết về nghề chăn vịt phải không?”. Tôi niềm nở, gật đầu. Anh Thành chỉ tay về phía bụi cây cách đó hơn trăm mét bảo, đến đó ngồi nói chuyện cho mát, ở đây nắng nóng lắm.

 

Nói rồi anh thoăn thoắt bước đi, tôi lại bì bõm lội theo sau. Đến nơi, anh lấy mảnh áo mưa trải ra cho tôi ngồi, còn mình thì ngồi bệt ngay xuống bờ đất. Vừa phì phèo điếu thuốc, anh Thành vừa kể cho tôi nghe về cái cơ cực của nghề chăn vịt: “Tôi làm nghề chăn vịt chạy đồng đã chục năm nay rồi, mỗi năm xuất bán 2-3 bầy vịt. Nhà ở xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy (Hậu Giang) nhưng tôi đi chăn vịt xa lắm, hết đồng ở Sóc Trăng thì sang Bạc Liêu, Kiên Giang, rồi lại về tỉnh nhà. Chỉ năm nào có dịch thì mới chịu chôn chân tại chỗ. Làm nghề này cực lắm, suốt ngày ngoài ruộng, da đen cháy, chân tay thì lúc nào cũng lở loét do bị nước ăn. Thậm chí ăn ngủ cũng cùng với vịt, đi đến chỗ nào cũng phải lo chỗ ở cho vịt trước, còn mình thì dựng lều đại một góc, miễn là nằm đừng ướt thôi”. Sao anh không nuôi nhốt ở nhà cho nó khỏe, tôi hỏi? Khỏe mình nhưng lại cực cái túi tiền. Hơn 2.000 con vịt một ngày phải đổ 4-5 giạ lúa, với giá lúa như hiện nay thì một tháng mất đứt hơn chục triệu đồng, thử hỏi làm sao có lời. Trong khi nuôi chạy đồng, mình chỉ tốn mấy triệu (tiền mua đồng) là chúng ăn được 1-2 tháng.

Huyện Giồng Riềng là địa phương có đàn gia cầm lớn nhất tỉnh Kiên Giang với 1,3 triệu con, chiếm 1/3 số gia cầm toàn tỉnh. Ông Vũ Văn Bầu, Trưởng trạm Thú y Giồng Riềng cho biết, trong số 1,3 triệu con gia cầm của huyện thì đàn vịt chiếm hơn 1,1 triệu con. Tập quán của người dân xưa nay là nuôi thả, vịt thì chạy đồng còn gà thì thả vườn. Chính điều này đã gây khó khăn cho công tác tiêm phòng cũng như quản lý dịch bệnh. Thú y chỉ có thể làm công tác chuyên môn như tiêm phòng, cấp sổ theo dõi, còn việc di chuyển chạy đồng thì xã, ấp, tổ nhân dân tự quản mới có thể theo dõi hết được. Thậm chí có hộ nuôi chạy đồng đi tỉnh khác, khi vịt đủ trọng lượng họ cân bán luôn tại chỗ mình cũng chẳng biết. Về địa phương họ chẳng thèm nộp sổ lại, mãi tới khi họ xin tái đàn lại thì thú y mới biết.

Hết đồng là bán

Hầu hết những người nuôi vịt chạy đồng đều có mối quen biết ở nhiều địa phương, lúa gần chín là họ đến đặt cọc tiền mua đồng trước. Khi đã chắc chắn có đồng đủ để đàn vịt phát triển tới lớn thì họ mới tính tới chuyện đầu tư nuôi. Ông Tư Nửa (Trần Văn Nửa), ở thị trấn Ba Chúc (Tri Tôn, An Giang) cho biết, hiện nay những người chuyên nuôi vịt đẻ chạy đồng thường ít gây bầy từ nhỏ mà mua lại của người khác khi vịt đã chuẩn bị rớt hột. Giá vịt siêu trứng (vịt cò) loại này hiện nay khoảng 80.000 – 90.000 đồng một con. Chỉ cần bỏ ra khoảng một hai trăm triệu là có ngay bầy vịt đẻ lên đến cả ngàn con. Quan trọng là phải mua được đồng trước, nếu không là lỗ vốn ngay.

 

Theo thống kê, toàn khu vực ĐBSCL hiện có trên 31 triệu con vịt, chiếm gần 2/3 tổng đàn của cả nước, trong đó chủ yếu là chăn thả tự nhiên. Vì vậy, mỗi năm đàn vịt này thải trực tiếp ra môi trường lượng phân khổng lồ lên đến cả triệu tấn. Không chỉ làm ô nhiễm nguồn nước kênh, rạch mà virus còn theo đó phát tán trên diện rộng, dẫn đến nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm rất cao.

Vịt đẻ muốn nuôi nhốt thì ngoài cho ăn lúa còn phải đổ mồi, tốn tiền lắm mà lại đẻ ít, trứng nhỏ. Vịt chạy đồng chúng ăn cua, ốc nhiều nên đẻ rất sai. Chỉ tay về lũ vịt đẻ hơn gần 3.000 con đang ăn ngoài ruộng, ông Nửa cho biết: “Nhìn vậy chứ là hai bầy đấy. Một bầy 1.000 con là vịt cũ đã đẻ hết đợt, tôi dưỡng lại. Còn bầy tơ tôi mới mua được mấy tháng. Nhưng ăn hết đồng này (ở Hòn Đất, Kiên Giang) là tôi phải bán hết, vì năm nay lúa có giá, nông dân tranh thủ gieo sạ không còn nơi để chạy nữa”. Nuôi cùng cánh đồng với ông Nửa, ông Nguyễn Bảy Tèo cũng đang liên hệ tìm đồng để di chuyển vịt đi nhưng chưa được. “Vịt đang thời kỳ đẻ rất khỏe, bán thì hơi tiếc. Nhưng ở đây chỉ khoảng 20 ngày nữa là người ta sạ lúa hết, trong khi đồng mới phải tháng rưỡi nữa mới có. Chắc cũng phải kêu lái bán thôi” – ông Tèo nói vẻ hơi tiếc.

Bà Thái Thị Lộc, Chi cục phó Chi cục Thú y Kiên Giang cho biết, hiện nay toàn tỉnh chỉ có duy nhất một trạng trại nuôi vịt quy mô lớn, đảm bảo an toàn sinh học, còn lại là nuôi chạy đồng. Trong tổng số trên 3 triệu con vịt của tỉnh thì đã có 2,1 triệu con đang được cấp sổ theo dõi di chuyển. Theo quy định thì vịt nếu đã được tiêm phòng đầy đủ 2 mũi vacxin thì có thể di chuyển ra ngoài tỉnh. Chỉ khi nào có dịch bệnh xảy ra thì thú y mới có quyền giữ chân người nuôi vịt, không cho di chuyển đi nơi khác theo kiểu “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.

Theo Nông nghiệp Việt Nam 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *