Bên bờ hạnh phúc

          Tháng 4, về lại xã Hòa Hiệp huyện Tam Bình – một thời gian khó hào hùng trong kháng chiến… 38 năm sau giải phóng, thời gian đủ dài để vùng đất cách mạng năm xưa đổi mới. Xã anh hùng phát huy phẩm chất anh hùng, bền bỉ vượt qua khó khăn, vươn mình phát triển.

          Ngay từ những ngày mới giải phóng, thực hiện nhiệm vụ khôi phục kinh tế, xã Hòa Hiệp đã xác định hướng đi lên của mình phải bắt đầu từ cây lúa. Nghị quyết đúng đắn, hợp lòng dân, nhưng bắt tay vào thực hiện muôn vàn khó khăn. Hầu hết diện tích đồng ruộng khi ấy trầm thủy quanh năm, nhiều năm hoang hóa. Năm 1978, nạn sâu rầy tàn phá, cùng với lũ lụt hoành hành, nghèo khó lại thêm thiếu đói. Khó khăn chồng chất…

 

          Cũng năm 1978, xã được tuyên dương anh hùng lực lượng vũ trang bởi những thành tích trong kháng chiến chống ngoại xâm. Vinh dự này tiếp thêm sức mạnh, nhắc nhỡ người dân Hòa Hiệp phát huy bản chất anh hùng khi thực hiện nhiệm vụ mới.

          Tinh thần cách mạng của nhân dân Hòa Hiệp vốn đã được tôi luyện qua mấy mươi năm kháng chiến, cùng với vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng vững mạnh từ những năm tháng đấu tranh,  đã giúp xã Hòa Hiệp tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội trong thời kỳ mới. 

          Khởi đầu từ chi bộ với 16 đảng viên, năm 1980 phát triển thành Đảng bộ xã Hòa Hiệp, đã lãnh đạo nhân dân vượt qua khó khăn, không ngừng phấn đấu vươn lên.

          Toàn xã quyết tâm thực hiện cải tạo đồng ruộng bằng cách đắp đập giữ khô, làm thủy lợi để thâm canh chuyển vụ… Chủ trương này không thể hoàn thành trong ngày một ngày hai , mà là cả quá trình phấn đấu gian khổ, vừa thực hiện vừa sáng tạo. Nhân dân đào đắp, xây dựng hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi toàn xã, đảm bảo giữ khô và tưới tiêu quanh năm… Người dân Hòa Hiệp tự lực khôi phục và phát triển sản xuất nông nghiệp với sự  tập trung chỉ đạo quyết liệt của tổ chức Đảng nơi đây.

          Người lãnh đạo xã cũng xuất thân từ một gia đình nông dân Hòa Hiệp, đã cùng địa phương nếm trải khó khăn từ những ngày bắt tay xây dựng quê hương. Công tác ở UBND xã Hòa Hiệp từ những năm 80 – thời kỳ đầu sau giải phóng, anh Nguyễn Bá Tòng chứng kiến sự đoàn kết, quyết tâm của Đảng bộ và nhân dân địa phương trong phát triển đời sống. Chỉ đạo , điều hành thế nào để tiếp tục nâng cao đời sống bà con… những kinh nghiệm được anh tích lũy qua nhiều thời kỳ, từ những người đi trước.

          Hòa Hiệp là địa phương đầu tiên trong ba xã của huyện Tam Bình thực hiện mô hình bí thư Đảng ủy cùng là Chủ tịch ủy ban nhân dân xã. Việc kết hợp cùng lúc hai vai trò đã góp phần giúp người đứng đầu xã Hòa Hiệp nhanh chóng triển khai và tổ chức thực hiện hiệu quả các chủ trương, nghị quyết của Đảng bộ xã về phát triển kinh tế xã hội địa phương. 

          Vẫn là những con người lam lũ, tay lấm chân bùn ngày xưa. Nhưng hôm nay, ý chí “tự lực, tự cường, kiên cường bám trụ, đoàn kết đánh giặc” đã trở thành “tự lực, tự cường dân chủ, đoàn kết sáng tạo trong học tập, lao động sản xuất, đoàn kết nhất trí trong hành động để đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội”.

          Xã Hòa Hiệp hiện có 28 tổ hợp tác sản xuất. Các thành viên cùng nhau nghiên cứu, chia sẻ kinh nghiệm trong chăm sóc ruộng lúa sao cho đạt năng suất ,chất lượng, hiệu quả cao. Người đi trước hướng dẫn người đi sau… ,với mong muốn cùng phát triển từ cây lúa vốn gắn liền với người dân Hòa Hiệp từ bao đời.

          Việc phát triển các tổ hợp tác sản xuất là một trong những chỉ tiêu nghị quyết của Đảng bộ xã hàng năm. Qua đó, nhằm tập hợp và phát huy  kinh nghiệm của nhà nông trong xã. Các chủ trương chung về xuống giống, thu hoạch, hay kiến thức khoa học kỹ thuật cũng được phổ biến qua các buổi sinh hoạt này. Nhiều chương trình, hoạt động giúp bà con nông dân không ngừng cập nhật kiến thức mới.

          Bất kể già hay trẻ, bất kể sự vất vả sau những buổi sáng ra đồng mệt nhọc…, vào 12 giờ trưa một số ngày trong tuần, các nông dân tụ họp cùng nhau học tập kiến thức mới nhằm áp dụng vào sản xuất. Nhìn những nông dân miệt mài tiếp thu kiến thức, mới thấy được sự cần cù, chịu khó, ý chí cầu tiến vươn lên… –  đã giúp nông dân Hòa Hiệp vượt qua khó khăn và làm giàu từ chính những mảnh đất hoang hóa ngày nào. 

          Đến nay,  95% hộ gia đình ở Hòa Hiệp có nhà kiên cố và bán kiên cố. Thu nhập bình quân đầu người  đạt hơn 18 triệu đồng/năm, số hộ nông dân khá giàu ngày càng nhiều.

          Ngôi nhà khang trang, cùng 3 hecta ruộng lúa , với nhiều máy móc mới phục vụ sản xuất…, khó ai nghĩ chúng thuộc sở hữu của một gia đình trẻ như anh Mai Hoàng Nam. Sớm ôm giấc mộng lập nghiệp từ nghề nông, anh Nam không ngừng tìm tòi, học hỏi để nâng cao năng suất, chất lượng ruộng lúa gia đình.

          Xem thành tích được biểu dương khen tặng của anh Nam, mới thấy cơ ngơi có được của anh hôm nay là xứng đáng. Phát triển lúa lương thực thành công, anh Nam  tham gia tập huấn, được tạo điều kiện phát triển lúa giống và được công nhận là địa chỉ xanh cung cấp lúa giống nhiều năm, đang là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh, thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

          Từ mô hình sản xuất lúa giống thành công, xã nhân rộng diện tích lúa giống trên địa bàn. Kết quả luôn vượt chỉ tiêu nghị quyết của Đảng bộ xã hàng năm. 





 

          Nhiều hộ dân không có đất sản xuất cũng dần thoát nghèo nhờ nỗ lực của xã. Các chương trình nhà ở, vốn vay phát triển kinh tế, dạy nghề giải quyết việc làm cho người nghèo… được tập trung thực hiện .

          Mỗi hộ gia đình thoát nghèo ở Hòa Hiệp là thoát nghèo bền vững, bởi những biện pháp giúp đỡ  căn cơ và những đánh giá chất lượng cuộc sống chuẩn xác, phù hợp. Đây cũng là đánh giá chung của cấp trên khi xét công nhận xã Hòa Hiệp đạt chuẩn văn hóa năm 2012 và đạt chất lượng cao nhất trong 3 xã được công nhận văn hóa của huyện Tam Bình trong năm qua. Trong đó, ấp văn hóa kiểu mẫu cũng được đánh giá cao, nhất là các giải pháp huy động nội lực giúp thoát nghèo, phát triển đời sống người dân. 

          Xã Hòa Hiệp có hệ thống kênh rạch chằng chịt, nhưng đến nay ấp nối ấp, đường liền đường, giúp việc thu hoạch, vận chuyển nông sản được thuận tiện, công tác chăm sóc sức khỏe và nâng cao dân trí được đảm bảo. Các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế luôn đạt tốt. Hiệu quả giáo dục, đào tạo cũng luôn đạt vượt chỉ tiêu nghị quyết của Đảng bộ xã hàng năm. 

          Qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, xã Hòa Hiệp có hơn 500 cán bộ cách mạng hi sinh, hơn 90 thương bệnh binh và hàng ngàn người dân ngã xuống cho nền độc lập dân tộc. Những gia đình cách mạng nhiều mất mát đau thương, nay đã ổn định và phát triển tốt đời sống, nhờ những chính sách chăm sóc và tri ân được quan tâm thực hiện, những chủ trương nghị quyết đúng đắn hiệu quả của Đảng bộ địa phương. 

          Nằm bên tả ngạn sông Mang Thít, những vùng cây dại và lau sậy bên sông ngày xưa, nay đã là màu xanh trên đất Hòa Hiệp anh hùng . Nghị quyết của Đảng bộ luôn hợp lòng dân và được dân tin, dân ủng hộ – vốn là truyền thống của Đảng bộ và nhân dân nơi đây. Điều đó đã giúp Đảng bộ và nhân dân Hòa Hiệp anh hùng trong chiến đấu, thành công trong xây dựng cuộc sống hôm nay.

          Đó là thắng lợi từ sự gặp nhau giữa ý Đảng – lòng dân .

          Hoàng Thy

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *