Bên bờ hạnh phúc

Thời gian gần đây cây thanh long đã được trồng ngày càng nhiều trong khu vực ĐBSCL. Để đảm bảo cho cây thanh long phát triển tốt, cho năng suất cao, đòi hỏi người trồng phải có kỹ thuật chăm sóc tốt, đặc biệt là trong thời kỳ cây cho trái.

 

Hiện nay thanh long là 1 trong 5 loại trái cây tươi có sản lượng xuất khẩu cao nhất. Vì vậy chúng đã được bà con nông dân ĐBSCL trồng ngày càng nhiều, khiến cho diện tích không ngừng tăng lên.  Nếu như trước đây cây thanh long thường chỉ được trồng rải rác, xen trong các vườn cây ăn trái, thì nay nó đã được bà con nông dân nhiều địa phương trồng thành những vùng chuyên canh rộng lớn, với năng suất và hiệu quả cao.

Cây thanh long có sức chịu hạn cao, và thích nghi với những nơi có nhiều ánh sáng, với nhiệt độ từ 15-30 độ. Ngoài ra chúng cũng không kén đất. Có thể trồng được trên nhiều loại đất khác nhau, như đất phù sa, đất đỏ, đất cát và đất phèn

Theo tài liệu,  thanh long là loại cây trồng cho năng suất khá cao, nếu cây bắt đầu cho trái thì năm đầu tiên mỗi cây cho khoảng 15kg trái, năm thứ  2 tăng lên 30 kg/ cây và năm thứ 3 là 60 kg/ cây. Thanh long càng lớn thì cho trái càng nhiều.         

Thanh long thuộc họ xương rồng, thân leo, có rễ bám vào cây to, hoặc bờ tường. Vì vậy khi trồng chúng cần phải có trụ đỡ bằng gỗ, hoặc bằng xi-măng có kích thước dài 1,5-2 m, cạnh vuông từ 15-20 cm. Mật độ trồng khoảng 1200 -1300  trụ/ ha. Trước khi trồng nên bón mỗi hố một lượng phân lót gồm phân chuồng từ 5-10 kg hoặc 1 kg phân vi sinh và 0,5 kg phân lân . Mỗi trụ trồng từ 3-4 hom giống,  nên trồng cạn phần gốc ở dưới đất từ 2-3 cm, để tránh hiện tượng bị thối gốc. Dùng dây cột áp phần mặt phẳng của  hom vào trụ để tránh gió lung lay và tạo điều  kiện thuận lợi cho cành ra rễ bám sát vào trụ. Sau khi trồng có thể dùng rơm rạ, lục bình, rác mục ủ xung quanh gốc để giữ  ẩm, giúp cây mau ra rễ.         

Cây thanh long cũng cần phải được tỉa cành, tạo tán. Khi cành phát triển đến đỉnh trụ nên tỉa nhẹ để tạo cho cây có tán hình cây dù. Đến khi cây cho trái thì  tiến hành tỉa cành sau những đợt thu hoạch, để loại bỏ những cành vô hiệu, những cành già đã cho trái , cành tai chuột, cành bị sâu bệnh và khuyết tật, cành nằm khuất bên trong tán cây … Khi thực hiện tỉa cành phải theo nguyên tắc một cành mẹ chỉ để  lại 1 đến 2 cành con phát triển mạnh, và có khả năng cho trái tốt. Lượng cành tỉa nhiều hay ít tùy thuộc vào lượng dây leo từng trụ. Nhưng số cành để lại trên cây tốt nhất là từ 300 đến 350 cành/trụ. Việc tỉa cành tạo tán thường xuyên, nhằm tạo cho cây có bộ khung cơ bản, thông thoáng, giúp cây sinh trưởng mạnh, cho năng suất cao và ổn định. Ngoài ra, khi tỉa cành còn tạo cho cây có bộ tán đẹp, hạn chế sâu bệnh, và sự cạnh tranh dinh dưỡng với nhau.   

 

 

Để cây thanh long phát triển tốt và đạt năng suất cao còn phu thuộc vào nhiều yếu tố. Trong đó phần lớn là nhờ vào các chất dinh dưỡng có sẵn trong đất hoặc thông qua việc cung cấp thêm phân bón cho cây. Khi bón phân bổ sung các chất dinh dưỡng cho cây thanh long cũng phải thận trọng đối với từng loại dưỡng chất và giai đoạn phát triển khác nhau của cây, để đạt được hiệu quả cao nhất.

Cây thanh long cần rất nhiều chất dinh dưỡng, nhưng tựu trung cũng chỉ có 3 dưỡng chất chính, cần thiết phải cung cấp cho cây trồng với  số lượng lớn. Đó là đạm, lân và ka li. Tùy từng giai đoạn sinh trưởng mà bón phân bón hợp lý  để cây sinh trưởng tốt, tránh lãng phí. Dùng phân vô cơ NPK để bón cho cây khi phát triển bộ rễ và chồi. Ngoài lượng phân NPK cũng cần cung cấp thêm một số loại phân vi lượng, phân bón lá để giúp cho bộ rễ phát triển, tăng khả năng hấp thu dinh dưỡng của cây. Tùy theo từng giai đoạn phát triển của cây mà chia ra nhiều lần bón phân khác nhau, và sau khi bón phân nên tưới nước cho phân thấm vào đất để cây dễ hấp thu.

Tuy cây thanh long có khả năng chịu hạn tốt, nhưng để nắng nóng, khô hạn kéo dài sẽ làm giảm khả năng sinh trưởng của cây và giảm năng suất. Do vậy, để cây phát triển cho nhiều trái và trái to cần phải cung cấp đủ nước, nhất là trong thời kỳ cây phân hóa mầm hoa, ra hoa và kết trái . Tuy nhiên, không nên tưới quá nhiều nước mà chỉ cần tưới vừa đủ ẩm, nhất là không để vườn bị ngập úng, sẽ tạo điều kiện cho các nấm bệnh trong đất phát sinh, gây hại cho bộ rễ. Theo khuyến cáo nên tưới nước thường xuyên cho cây, tùy theo độ ẩm của đất mà chu kỳ tưới  có thể từ 1 đến 7 ngày/ lần, sao cho ẩm độ đất ở gốc cây trồng từ 60-80%

 Có rất nhiều đối tượng dịch hại xuất hiện trên cây thanh long, như bọ trĩ, ruồi vàng, bệnh thối trái,  thối cành, đốm nâu, bệnh thán thư và vành bẹ-rám cành …. Do vậy cần phải thăm vườn thường xuyên để phát hiện kịp thời và có biện pháp phòng trừ hữu hiệu.

Đối với bệnh thán thư thường gây hại trên cành,  hoa và trái . Trên hoa nấm tạo thành những đốm đen nhỏ làm hoa vị khô đen và rụng.  Còn trên trái có những đốm đen hơi tròm lõm vào vỏ . Vì thế phải tỉa bỏ những cành, hoa, trái bị bệnh  đem tiêu hủy, và phun thuốc phòng trừ ngay khi bệnh mới xuất hiện.  Nếu để bệnh xuất hiện nặng rồi mới trị thì sẽ gặp nhiều khó khăn và đạt hiệu quả không  cao. 

Bệnh thối trái trên thanh long cũng khá quan trọng , làm tổn thất năng suất nặng nề. Bệnh gây hại quanh năm, và thường xuất hiện nhiều ở giai đoạn cây ra nụ , sau khi hoa nở 2-3 ngày và giai đoạn trái non . Triệu chứng ban đầu là nụ hoa và trái có những vết bị thối, bên  trên vết bệnh có xuất hiện lớp tơ nấm màu đen  và nhanh chóng lan rộng làm thối cả trái . Khắc phục bằng cách vệ sinh vườn,  hái và tiêu hủy cành, nụ bông và trái bị  bệnh . Có thể phun thuốc trừ nấm gốc đồng  hoặc thuốc sinh học gốc Chitosanđể phòng ngừa

Bệnh vàng bẹ-rám cành thường phát triển mạnh vào mùa nắng , nhiệt độ và độ ẩm cao . Bệnh do nấm gây ra, ban đầu xuất hiện nhiều vết chấm li ti trên cành có hình dạng không nhất định, màu nâu đỏ , xung quanh vết  bệnh có viền  vàng .  Sau đó vết bệnh lan dần và liên kết  lại  với nhau  làm vàng cả bẹ. Ngoài ra liên quan đến bệnh vành bẹ  còn có triệu chứng khác là phía mặt trên bẹ  xuất hiện những vết màu xanh , xung quanh có màu vàng, sau đó vết bệnh gồ lên có màu nâu xám . Nếu nhiều vết bệnh lan rộng ra và liên kết tạọ thành những mảng lớn,  gây thối bẹ thanh long. Do vậy phải phun ngừa ngay bằng thuốc gốc đồng hoặc thuốc gốc  Mancozeb  kết hợp với  Metalaxyl.

Khi phun thuốc phải tuân thủ nghiêm túc nguyên tắc 4 đúng, và luân phiên các loại thuốc với nhau để tránh sự khán thuốc của dịch hại. Trong quá trình bón phân, có thể dùng phân hữu cơ kết hợp nấm đối kháng Tricoderma  bón cho vườn thanh long, nhằm tăng cường hoạt động các vi sinh vật trong đất để  hạn chế bệnh hiệu quả hơn .

Quốc Chiến

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *