Bên bờ hạnh phúc

          Thực hiện nghị quyết 17 Hội nghị lần thứ 5 BCH TW Đảng khóa IX về “Đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn”, các cấp ủy Đảng đều nỗ lực xây dựng hệ thống chính trị, xây dựng cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh. Đặc biệt, các địa phương có đông đồng bào Khmer trong tỉnh đã nỗ lực củng cố, nâng cao hiệu lực lãnh đạo nhiệm vụ chính trị cơ sở, trong đó chú trọng công tác đào tạo cán bộ Khmer, chuẩn hóa về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, vững vàng về bản lĩnh chính trị, đảm trách tốt các nhiệm vụ được giao.

 

          Đồng bào Khmer Vĩnh Long sống tập trung ở 48 ấp, 10 xã và một thị trấn thuộc 4 huyện Trà Ôn, Tam Bình, Bình Minh, Vũng Liêm. Những năm qua, ngành giáo dục đã đầu tư xây dựng mới 40 trường học từ mầm non đến trung học phổ thông ở các địa phương này. 

          Riêng ở 3 xã có bà con Khmer tập trung sinh sống đông nhất là xã Trà Côn, xã Tân Mỹ huyện Trà Ôn và xã Loan Mỹ huyện Tam Bình, các hoạt động giáo dục đã có nhiều tiến bộ theo cùng nhịp phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Tất cả đều đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Có 3 trong 15 trường mầm non, trường phổ thông đạt chuẩn quốc gia. Công tác giáo dục đào tạo, nâng cao dân trí đồng bào Khmer những năm qua được Đảng và chính quyền các cấp chăm lo chu đáo. 

          Trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh được đầu tư xây dựng mới năm 2010 ở huyện Tam Bình, với cơ sở vật chất đảm bảo đầy đủ điều kiện học tập, sinh hoạt nội trú của học sinh. Trường có nhà đa năng, đầy đủ các phòng học chức năng với học cụ hiện đại và không gian sinh hoạt ngoại khóa, có ký túc xá, nhà ăn khang trang…

          Học sinh ở đây được học tập cả tiếng Việt và Khmer với 3 khối lớp THPT. Tập thể nhà trường nỗ lực thực hiện tốt công tác giảng dạy, tổ chức tốt sinh hoạt nội trú, chăm sóc sức khỏe học sinh nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Học sinh khá giỏi của trường đạt từ 70 đến 75% hàng năm. Tỉ lệ tốt nghiệp THPT những năm gần đây đạt hơn 90%.         

          Mỗi học sinh ở đây được sử dụng một liếp đất trong khuôn viên trường để trồng rau, màu hoặc hoa tùy thời điểm… Tiền có được sau thu hoạch, các em dùng để mua dụng cụ học tập, có em còn gửi về phụ giúp gia đình. Môi trường giáo dục nơi đây không chỉ cung cấp kiến thức, còn rèn luyện kỹ năng sống, giúp các em vững chắc vào đời. Và cũng từ đây, đã có nhiều lớp thanh niên Khmer được bổ sung vào đội ngũ cán bộ khắp các địa phương, đơn vị trong tỉnh.

          Chấp Thị Hà là một trong những cán bộ viên chức trưởng thành từ trường THPT dân tộc nội trú của tỉnh, và học Đại học chuyên ngành tài chính doanh nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh thuộc diện học sinh dân tộc thiểu số ở xã đặc biệt khó khăn được cử tuyển. Sau khi ra trường, năm 2008 , Hà được tuyển vào làm công chức phòng nội vụ ủy ban nhân dân huyện Trà Ôn cho đến nay.         

          Chấp Thị Hà được thụ hưởng các chế độ, chính sách ưu tiên trong học tập của Đảng và chính quyền địa phương thời gian qua, đã vận dụng hiệu quả những kiến thức đã tiếp thu vào công việc. Tháng 9 năm 2011, Hà được kết nạp vào Đảng cộng sản Việt Nam. Đồng chí cũng được giới thiệu quy hoạch chức danh lãnh đạo đơn vị và ban chấp hành huyện ủy nhiệm kỳ 2015 – 2020…

          Toàn tỉnh hiện có hơn 600 cán bộ người Khmer. Ở cơ quan cấp tỉnh có 151 đồng chí ; cấp huyện, thành phố có 208 đồng chí ; còn lại ở cấp xã, ấp. Trong đó có gần 280 đảng viên, và gần 110 cán bộ có trình độ Đại học, 7 cán bộ có trình độ cao cấp chính trị và 12 đồng chí trình độ trung cấp chính trị… Tỉnh ủy và cấp ủy huyện thành phố có 4 đồng chí, cấp ủy cơ sở có 25 đồng chí là người Khmer. Công tác chăm lo đào tạo cán bộ người Khmer được chú trọng, nhất là ở những địa phương đông đồng bào Khmer sinh sống.         

          Xã Loan Mỹ huyện Tam Bình là một trong các xã có đông đồng bào Khmer sinh sống với tỉ lệ 43%. Hiện nay, 70% cán bộ xã là người Khmer. Trong đó, 7/21 ủy viên ban chấp hành Đảng bộ xã là người Khmer,  có bí thư đảng ủy và chủ tịch ủy ban nhân dân xã.

          Thời gian qua, huyện và xã cũng tập trung đào tạo đội ngũ cán bộ người Khmer đông về số lượng và mạnh về chất lượng nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ có khả năng đảm trách tốt các nhiệm vụ công tác ở địa phương. Đã có 90% cán bộ xã được chuẩn hóa về trình độ, riêng cán bộ người Khmer đã được chuẩn hóa 100%. Cán bộ trẻ có trình độ chuyên môn Đại học được tăng cường, điều động về đây nhằm góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực, trong đó có cán bộ Khmer. Những cán bộ trẻ này đang nỗ lực trong công tác, thể hiện sức trẻ và tâm huyết đối với địa phương.

          Hiện nay, xã có 5 cán bộ Khmer đang được học Đại học hệ tại chức. Những cán bộ này đang dần khẳng định năng lực công tác .

          Cơ sở vật chất, điều kiện làm việc ở những địa phương đông đồng bào Khmer được quan tâm đầu tư. Các chế độ, chính sách đào tạo được ưu tiên thực hiện cho cán bộ Khmer với nhiều điều kiện thuận lợi.

          Sự quan tâm trên là động lực để những cán bộ Khmer nỗ lực vượt qua khó khăn, tham gia học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị để đảm trách tốt nhiệm vụ được giao. Đồng chí Thạch Thị Phỉ từ khi được bầu làm chủ tịch Hội phụ nữ xã Tân Mỹ đã nỗ lực hoàn tất các khóa trung cấp chính trị, trung cấp nghiệp vụ phụ vận và hiện đang theo học Đại học quản trị hệ tại chức tại Trà Vinh…  Nâng cao chất lượng công tác là mục tiêu giúp đồng chí luôn cố gắng tham gia tốt các khóa học thời gian qua.

 

          Nhiều cán bộ Khmer với trình độ chuyên môn nghiệp vụ được đào tạo vững chắc đang hoàn thành tốt nhiệm vụ tại các địa phương đơn vị. Bản thân các đồng chí nhận thức rõ vai trò trách nhiệm của mình trong việc góp phần nâng cao đời sống đồng bào Khmer ở địa phương.

          Với sự quan tâm, chăm lo của Đảng và chính quyền các cấp trong đào tạo, bố trí cán bộ, cán bộ Khmer trong tỉnh đang nỗ lực khẳng định trình độ năng lực, nhận thức của mình. Hơn ai hết, các đồng chí đang đóng vai trò nòng cốt vận động đồng bào Khmer cùng chung tay đóng góp hiệu quả vào sự phát triển của địa phương ./.

          Hoàng Thy

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *