Bên bờ hạnh phúc

Hiện nay các tỉnh phía Nam đang vào mùa khô thời tiết nắng nóng kéo dài và đây sẽ là điều kiện thuận lợi để các bệnh viêm nhiễm như bệnh tay chân miệng và bệnh thủy đậu (hay còn gọi là bệnh trái rạ) phát triển. Mặc dù là một trong những bệnh lành tính nhưng có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm, ảnh hướng đến sức khỏe. Vì thế, hiện nay ngành y tế và người dân đang tích cực thực hiện các biện pháp phòng ngừa và hạn chế sự phát triển của bệnh này trong cộng đồng.

 

Bệnh trái rạ được xem là bệnh có tính chất phổ biến và phát triển theo mùa, thường thì bệnh có chiều hướng phát sinh vào mùa Đông Xuân và phát triển nhanh từ tháng 3 đến tháng 5. Vì giai đoạn này thời tiết nắng nóng, đặc biệt độ ẩm không khí cao nên tạo điều kiện để virút thủy đậu hoang dại có điều kiện phát triển mạnh.

Tại Vĩnh Long, theo thống kê của Trung tâm y tế dự phòng tỉnh thì trong năm 2012 toàn tỉnh có 245 ca nhiễm bệnh trái rạ. Riêng 2 tháng đầu năm 2013, số người nhiễm bệnh trái rạ tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm trước.

Bệnh trái rạ rất dễ lây lan, khoảng 90% khả năng người tiếp xúc trực tiếp với người bệnh sẽ có nguy cơ bị nhiễm bệnh do lây qua đường hô hấp ….và đặc biệt, bệnh này không chỉ xuất hiện ở trẻ nhỏ mà còn xuất hiện ở mọi độ tuổi, và tốc độ lây lan của bệnh rất nhanh chóng nếu như những người trong gia đình không biết cách phòng tránh, cũng như chăm sóc trẻ.

Trong thực tế, không phải phụ huynh nào cũng thực hiện tốt những công việc này này. Đôi khi chỉ vì chủ quan, sơ suất nhỏ của phụ huynh cũng có thể làm bệnh dễ lây lan và phát triển mạnh.

Bệnh trái rạ chỉ là một loại bệnh lành tính, do nhiểm trùng ngoài da, vì vậy trong thực tế, do thói quen trong sinh hoạt nên một số người còn có những kiêng cữ không cần thiết mỗi khi chăm sóc người bệnh trái rạ, và còn sử dụng phổ biến các phương pháp dân gian để chữa bệnh.

Xác định được bệnh trái rạ là căn bệnh dễ lây lan, nhất là tại các trường nuôi dạy trẻ là nơi có nguy cơ lây lan cao. Thời gian gần đây đã xảy ra dịch trái rạ tại một trường mầm non trên địa bàn thành phố Vĩnh Long. Vì vậy, không riêng gì nhà trường, mà tất cả phụ huynh cũng nâng cao ý thức phòng tránh căn bệnh này.

Theo khuyến cáo của ngành y tế, bệnh trái rạ hoàn toàn có thể phòng tránh được bằng cách tiêm ngừa vacxin. Vacxin trái rạ được khuyên dùng cho trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên, và những ai chưa từng bị trái rạ. Nếu được tiêm ngừa trước khi dịch bệnh bùng phát thì hiệu quả phòng bệnh càng cao.

Cùng với bệnh trái rạ, thì hiện nay bệnh tay -chân -miệng cũng là vấn đề nóng đối với nhiều người, đặc biệt là với bậc cha mẹ đang nuôi con nhỏ. Bệnh tay chân miệng bùng phát tại nhiều địa phương trong cả nước và vài năm trở lại đây bệnh tay chân miệng cũng xuất hiện thường xuyên và trở thành dịch bệnh quen thuộc, khiến hàng chục nghìn người nhiễm bệnh mỗi năm trong đó số người nhiễm bệnh tập trung nhiều nhất là ở trẻ em.

Theo thống kê của Khoa nhi Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Long, trong 3 tháng đầu năm 2013 Khoa nhi Bệnh viện đã tiếp nhận khoảng 900 trường hợp trẻ bị nhiễm tay chân miệng đến khám và điều trị, trong số này có trên 300 trẻ bị tay chân miệng ở độ 2 và độ 3 phải nhập viện để theo dõi.

 

Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính, do virút đường ruột gây ra, thường gặp ở trẻ dưới 3 tuổi. Bệnh lây chủ yếu qua đường tiêu hóa và dễ phát triển thành dịch. Bệnh tay chân miệng thường đi kèm một số biểu hiện như sốt nhẹ, biếng ăn, mệt mỏi, sau đó xuất hiện các chấm đỏ ở lòng bàn tay, bàn chân và ở miệng…..Tuy nhiên, không phải ở bệnh nhân nào cũng có biểu hiện giống nhau,  trong thực tế có nhiều trường hợp bệnh nhân có những biểu hiện làm mọi người nhầm lẫn với một số bệnh phát ban khác nên đôi lúc không theo dõi chặt chẽ để kịp thời phát hiện bệnh.

Đa số phụ huynh có con nhỏ đều rất lo sợ căn bệnh này, và ra sức phòng tránh , nhưng xem ra hiệu quả vẫn chưa cao, nhiều trẻ vẫn bị nhiễm tay chân miệng.

Đây là một bệnh nhi 14 tháng tuổi, bị bệnh tay chân miệng, mẹ bé cho biết thời gian qua ngành y tế địa phương có tuyên truyền về bệnh tay chân miệng nên chị chủ động giữ gìn vệ sinh cho con, tránh không cho bé tiếp xúc với nguồn bệnh, nhưng cách đây vài ngày bé vẫn có biểu hiện của bệnh tay chân miệng và phải nhập viện để điều trị.

  Khác với bệnh thủy đậu, bệnh tay chân miệng hiện chưa có vacxin  phòng ngừa, sự lây truyền của 2 bệnh này  rất khó kiểm soát. Vì vậy, để đảm bảo cho trẻ em được bảo vệ an toàn trước nguy cơ bệnh tay chân miệng, mọi gia đình có con nhỏ cần chủ động và tích cực phòng tránh bằng các biện pháp sau:

–   Người lớn và trẻ em nên chủ động tiêm ngừa bệnh thủy đậu.

–  Thường xuyên rửa tay cho mình và cho trẻ bằng xà phòng và nước sạch

– Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi

– Hàng ngày làm sạch sàn nhà và đồ chơi của trẻ bằng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường.

– Cho trẻ ăn chín, uống chín, không dùng chung thìa, bát.

– Khi thấy trẻ sốt và có bọt nước ở bàn tay, bàn chân và trong miệng cần cho trẻ nghỉ học, đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị.

– Khi chăm sóc trẻ bệnh tại gia đình, nếu thấy trẻ có các dấu hiệu như: sốt cao kéo dài, bỏ ăn cần đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được cứu chữa kịp thời.

Hiện nay, đang vào cao điểm của bệnh trái rạ và bệnh tay chân miệng. Vì vậy, ngoài sự cố gắng của ngành y tế trong vấn đề phòng chống dịch bệnh , thì người dân cũng cần chú ý tiêm ngừa, giữ gìn vệ sinh cho trẻ, cho trẻ ăn uống đầy đủ chất và khi thấy trẻ có những biểu hiện bất thường như trên thì đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời.

Mỹ Hạnh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *