Bên bờ hạnh phúc

Rùa tai đỏ được thế giới cảnh báo và đã có một số nước cấm nhập khẩu do giống rùa này không chỉ là loài xâm hại nguy hiểm mà còn mang vi khuẩn salmonella có thể truyền bệnh cho người

Rùa tai đỏ được thế giới cảnh báo và đã có một số nước cấm nhập khẩu do giống rùa này không chỉ là loài xâm hại nguy hiểm, mà còn mang vi khuẩn Salmonella có thể truyền bệnh cho người. Theo Thông tư 53/2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về qui định quản lý các loài thủy sinh vật ngọai lai tại Việt Nam, rùa tai đỏ thuộc loài không được nhập khẩu thông thường vào Việt Nam. Đáng tiếc, Công ty Caseamex cho biết là do “không rõ” tác hại của nó nên đã “công khai” nhập vào Việt Nam để làm thực phẩm và dự định xuất sang Trung Quốc.

Tuy nhiên, nước này cũng đã cảnh giác không cho phép mua rùa tai đỏ nên Công ty Caseamex phải nuôi nhốt, gây không ít khó khăn cho các cơ quan chức năng và địa phương trong công tác theo dõi, quản lý, nhất là vấn đề làm thế nào không để rùa tai đỏ thoát ra ngoài môi trường tự nhiên. Theo đánh giá của các nhà khoa học, rùa tai đỏ có khả năng sống rất dai. Khi sống ngoài tự nhiên, chúng sẽ cạnh tranh thức ăn, giao phối với rùa bản địa, dẫn đến lấn áp, ức chế hoặc tiêu diệt các loài sinh vật bản địa, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cân bằng sinh thái .

Qua kiểm tra, rùa tai đỏ được Công ty Caseamex nuôi giữ tại 3 ao, với diện tích hơn 5.000 mét vuông, số lượng rùa đã bị “hao hụt” khá nhiều so với những tháng trước đây. Doanh nghiệp cũng cho hay, đến thời điểm này, đàn rùa đã chết gần 8.000 con, tương đương với khối lượng khoảng 10 tấn và số còn lại vẫn tiếp tục chết bình quân khoảng chục con/ ngày. Dẫu vậy, trên thực tế, số rùa tai đỏ đang nuôi hiện tại trong các ao còn lại là bao nhiêu thì chưa thể khẳng định chính xác bởi lẽ việc quản lý đàn rùa trong thời gian đầu mới nhập về còn lỏng lẻo, có khả năng một số con đã thoát ra bên ngoài. Một điều quan trọng hơn là số rùa tai đỏ đang nuôi nhốt tại đây đã đẻ trứng và sinh sôi. Đây là mối lo ngại nhất của địa phương và các ngành chức năng. Nếu như số rùa con này “vượt rào” ra ngoài, phát tán trong môi trường tự nhiên sẽ là một “tai họa” nghiêm trọng.

Theo cán bộ phụ trách Trung tâm giống và kỹ thuật thủy sản của Công ty Caseamex, đàn rùa tai đỏ đang nuôi giữ ở ấp Mái Dầm được “quản lý” nghiêm ngặt nên “khó thoát” ra bên ngoài. Song, qua tiếp xúc với địa phương thì chuyện rùa tai đỏ đã vượt qua sự kiểm soát của trung tâm này, thoát ra sông rạch, ruộng vườn ở xã Phú Thành là có thật. Bằng chứng là đã có một số người dân trong vùng bắt được loại rùa tai đỏ này. Tuy số lượng rùa mà người dân thông báo bắt được chỉ khoảng gần chục con, nhưng số khác thoát ra sông chưa “thu giữ ” lại được cụ thể là bao nhiêu thì không ai dám khẳng định.

Trước thực trạng nêu trên, các ngành chức năng đã đưa ra nhiều biện pháp khắc phục. Cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi Thủy sản đã yêu cầu doanh nghiệp phải đưa rùa tai đỏ ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, chậm nhất là đến quí 3 năm 2010. Tuy nhiên hiện thời, số rùa này vẫn còn “nằm im” và chưa có kế hoạch tái xuất như đã hứa. Cái khó hiện nay là công ty không thể “giải quyết ” được số rùa tai đỏ này ngoài việc nuôi giữ tại Trung tâm giống và kỹ thuật thủy sản.

Địa điểm nuôi nhốt rùa tai đỏ tuy được bao bọc bằng hàng rào lưới B40, nhưng do là ao đất và gần sông lớn nên chuyện rùa “suổng chuồng” ra bên ngoài là có thể xảy ra. Để phòng hiểm họa này, ngành Thủy sản đã yêu cầu doanh nghiệp phải đăng ký lưu giữ số rùa tai đỏ hiện có, không cho thoát ra ngoài sông rạch, khi rùa đẻ trứng phải thu gom hủy diệt ngay. Công ty Caseamex phải tìm cách tiêu thụ hết số tai đỏ đúng như mục đích đã đăng ký hoặc xuất khẩu qua nước thứ 3, hoặc trả về nơi đã nhập là Mỹ trong thời gian sớm nhất. Nếu hết thời hạn qui định mà số rùa này chưa “giải quyết “ xong như đã cam kết thì sẽ tiêu hủy toàn bộ.

Dư luận và các ngành chức năng, các nhà khoa học cho rằng, công ty Caseamex nên nhanh chóng tái xuất số rùa tai đỏ ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, không nên tiêu thụ ra thị trường dù là làm thực phẩm vì không loại trừ khả năng người mua lại sử dụng không đúng mục đích, có thể chuyển sang nuôi cảnh hoặc làm giống. Các cơ quan chức năng cần theo dõi và quản lý đàn rùa với biện pháp chặt chẽ hơn, không để rùa thoát ra ngoài tự nhiên. Bởi lẽ, “bài học ốc bươu vàng” có thể lặp lại. Riêng đơn vị nhập khẩu rùa phải nghiêm túc thực hiện các yêu cầu của cơ quan chức năng, chấp nhận thiệt hại về kinh tế hơn là tạo ra một mầm họa môi trường khôn lường đối với hệ sinh thái của toàn vùng ĐBSCL.

Quốc Chiến

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *