Bên bờ hạnh phúc

Nhiều ý kiến nhận định, diện mạo nông thôn có được đổi mới hay không, phần lớn nhờ phát triển hệ thống giao thông. Do vậy, khi triển khai thực hiện công cuộc xây dựng Nông thôn mới, tiêu chí Giao thông bao giờ cũng được xem là một trong những tiêu chí hàng đầu. Song, cho đến nay, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long chưa có xã nào đạt được tiêu chí này. Bởi, theo đề án quy hoạch của các xã thì việc thực hiện tiêu chí giao thông cần rất nhiều vốn. Trong đó việc xây dựng hệ thống “đường liên xóm” đang là trở ngại lớn đối với các địa phương trong việc phấn đấu hoàn thành tiêu chí này.

 

Không ít tuyến đường liên xóm theo đề án quy hoạch của xã Ngãi Tứ hầu hết đều nằm trên tuyến đê bao thủy lợi kết hợp với giao thông nông thôn mà trước đây xã đã thực hiện theo phương châm “nhà nước và nhân dân cùng làm”. Nhiều năm trôi qua, chân đê đã xuống cấp, mặt đal cũng sụp lún, đi lại khá khó khăn. Vì vậy, việc gia cố lại đê, lót lại đal để đi lại thuận tiện cả hai mùa mưa nắng đang là nhu cầu rất bức xúc đối với bà con trong xã. Tuy nhiên, đã mấy năm rồi, nước lũ ngày càng cao, mà con đê thì vẫn chưa được gia cố, chỉ có một vài đoạn được nâng nền như thế này. Bà con cho biết, đoạn này Nhà nước hỗ trợ phần nâng cấp chân đê, còn nhân dân góp công lót lại đal cũ. Xem ra công việc khá đơn giản, nhưng tiến độ vẫn rất chậm do thiếu kinh phí.

Trong khi đó, hầu hết các tuyến đường đal như thế này trên địa bàn 9 ấp của xã, với tổng chiều dài trên 13 km, đều đã được quy hoạch vào đường liên xóm theo chuẩn Nông thôn mới. Vì vậy, việc thực hiện sẽ phức tạp hơn, tốn nhiều kinh phí hơn. Bởi, theo quy chuẩn trong bộ tiêu chí, đường liên xóm như hiện trạng là chưa đạt, mà cần phải nâng nền và mở rộng mặt đường thêm 4 đến 6 tấc nữa. Theo dự toán của địa phương, nếu các tuyến đường này phải thực hiện đúng quy chuẩn Nông thôn mới phải tốn trên 6 tỷ đồng. Một con số khá lớn đối với bà con nông dân Ngãi Tứ hiện nay. Nâng cấp cái sẵn có đã khó, nên việc vận động làmmới hẳn là còn khó hơn.

Trong khi đó, khi quy hoạch tiêu chí giao thông, các tuyến liên ấp cũng được quy hoạch song song. Vì vậy, có nhiều nơi, nhà dân mặt trước mặt sau đều có lộ. Mà theo chương trình mới, lộ nào cũng phải làm cho lớn ra, phải kiên cố hơn. Vậy nên Nhà nước và nhân dân ai cũng quá tốn kém. Hơn nữa hiện nay, các tuyến giao thông kết hợp với đê bao thủy lợi cặp các tuyến sông, đang báo hiệu sự mất an toàn và người dân hạn chế đầu tư nhiều vào đó.

Ngãi Tứ nằm trong 22 xã điểm Nông thôn mới của tỉnh đến năm 2015. Hiện nay, xã vừa đạt 9/19 tiêu chí. Trong đó tiêu chí giao thông chủ yếu bị vướn lại ở nội dung “đường liên xóm”. Nếu tiếp tục vận động thực hiện thì tốm kém quá nhiều, nếu không làm thì đến năm 2015 không đạt. Giải pháp của địa phương là xin điều chỉnh lại quy hoạch để cắt bớt đường liên xóm.

Tại xã Tích Thiện huyện Trà Ôn, tình trạng tương tự như trên cũng đã xảy ra. Tiêu chí giao thông là một trong các tiêu chí tốn nhiều kinh phí nhất đối với xã điểm này. Trong khi vừa vận động thực hiện 4 tuyến đường liên ấp với tổng chiều dài trên 23 km, người dân đã tốn kém rất nhiều đất đai, hoa màu, vật kiến trúc. Nay, nếu tiếp tục thực hiện các tuyến liên xóm theo quy hoạch lên đến 17 km thì dân sẽ tốn gần 7 tỷ đồng nữa, chưa kể giá trị đất đai, huê lợi. Điều này đã gây nhiều khó khăn cho việc thực hiện tiêu chí giao thông của Tích Thiện đến năm 2015.

 

Mấy năm qua, việc làm đường đal không cần sắt, đá chỉ cần có cát, trấu và xi măng, tốn ít kinh phí được xem là một sáng kiến khá độc đáo của địa phương này, nhưng so với chuẩn trong Bộ tiêu chí thì không đạt quy cách. Trong khi đó, theo bà con cho biết đường liên xóm cũng không cần tốn quá nhiều kinh phí, miễn đảm bảo thông thoáng, sạch sẽ, an toàn đi lại là bà con hài lòng rồi. Nếu chỉ vì làm đường theo chuẩn Quốc gia mà tốn nhiều tiền của của nhân dân, khiến dân khó khăn hơn, thì nên xem xét lại. Và BCĐ xã cũng đang có kế hoạch đề xuất điều chỉnh lại tiêu chí này, cụ thể là xin cắt bớt 7km đường liên xóm.

Con đường liên xóm theo đề án quy hoạch của ấp Thanh Bình, xã Thanh Bình, huyện Vũng Liêm có chiều dài khoảng 800m, có khoảng 15 hộ dân sinh sống. Nếu phải làm con đường liên xóm theo chuẩn quốc gia, mặt đường đal 2 m, nền đường 3m thì bà con phải đầu tư 800 triệu đồng. Nếu thực hiện phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm với tỷ lệ 50 – 50, thì mỗi hộ phải đóng góp đến vài chục triệu đồng. Đó là chưa kể đất đai, huê lợi đã hiến. Do đó, bà con đề xuất nên có cách tính toán sao cho ít tốn kém cho dân, mà vẫn đảm bảo có đường xá sạch sẽ đi lại là được. Bởi sau này, giao thông chủ yếu sẽ dựa vào các tuyến đường liên ấp, chứ không phải đường liên xóm.

Còn về góc độ địa phương, BCĐ Nông thôn mới xã Thanh Bình cũng đang đề xuất điều chỉnh lại quy hoạch các tuyến đường liên xóm, liên ấp để thuận lợi cho việc vận động nhân dân đầu tư, nhằm tiết kiệm vốn của nhà nước.

Cũng cần nói thêm rằng: theo Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng Nông thôn mới, tiêu chí giao thông là tiêu chí số 2, gồm 4 nội dung: đường liên xã, đường liên ấp, đường liên xóm và đường trục chính nội đồng. Với đường trục chính nội đồng, tùy đặc điểm của từng địa phương có hoặc không có, không bắt buộc.

Theo đó, quy chuẩn về đường liên xã và liên ấp đều tương tự như nhau. Mặt đường đều rộng trên 3,5m để lưu thông xe 4 bánh. Đường do Nhà nước đầu tư, vận động nhân dân hiến đất. Còn đối với đường liên xóm được khái niệm như sau: là đường nối giữa các hộ gia đình trong cùng điểm dân cư nối với mạng lưới giao thông chung:  đường ấp, đường xã, đường huyện, tỉnh lộ, quốc lộ. Về quy chuẩn, đường liên xóm có đường cấp B và cấp C. Yêu cầu phải đạt tiêu chuẩn sau:

Đường loại I (cấp B): đường liên xóm có mặt đường rộng 3m, nền đường rộng 4m, trong điều kiện khó khăn hoặc trong bước đầu phân kỳ xây dựng thì mặt đường rộng 2,5, nền đường rộng 3,5m, đường được trải bằng một trong những loại vật liệu như đá dăm, lát gạch, bê tông xi măng,…

Đường loại II (cấp C): đường liên xóm có mặt đường rộng 2m, nền đường rộng 3m đường được trải bằng một trong những loại vật liệu như đá dăm, lát gạch, cát sỏi đảm bảo xe hai bánh lưu thông được cả 2 mùa mưa nắng.

Việc quy hoạch đường đi lại vừa rộng, vừa kiên cố, như bộ tiêu chí quốc gia đưa ra là hết sức cần thiết để đảm bảo giao thông an toàn cho người dân. Vấn đề khó khăn ở đây, không phải là quy chuẩn con đường rộng hay hẹp mà là vấn đề về kinh phí thực hiện. Nếu tất cả đều có kinh phí thực hiện thì mọi việc không phải bàn cãi. Điều đáng nói ở đây là phải thực hiện theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm. Trong khi hiện nay Nhà nước và Nhân dân ai cũng đang gặp khó khăn, ai cũng đang thiếu vốn. Vậy nên, một công trình khi đưa ra thực hiện bắt đầu có sự cân nhắc và tính toán kỹ hơn. Ở đây, muốn nói đến vấn đề quy hoạch. Đã đi đến hơn nửa thời gian, khi đã đến giai đoạn làm đường liên xóm thì nhiều địa phương mới nhận ra khâu quy hoạch đã có vấn đề. Bằng chứng là hiện nay, hầu hết các địa phương đều xin điều chỉnh lại quay hoạch, đặc biệt là đường liên xóm.

Có thể nói, việc đề xuất điều chỉnh lại hệ thống đường liên xóm của các địa phương là việc làm cần thiết và kịp thời trong thời điểm hiện tại. Nếu được chấp thuận điều chỉnh, một mặt sẽ rút bớt được các tuyến liên xóm không cần thiết, không bền vững, mặt khác còn tiết kiệm được nhiều vốn của Nhà nước và nhân dân. Từ đó có thể tập trung được nguồn lực lớn cho đường liên ấp, và phát huy tốt hiệu quả các tuyến này. Hay nói cách khác, điều chỉnh lại đường liên xóm sẽ là một trong những giải pháp tốt, góp phần giảm bớt áp lực về tiến độ đối với việc thực hiện tiêu chí giao thông tại các xã điểm đến năm 2015 ./.

Thúy Hằng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *