Bên bờ hạnh phúc

Cuối tuần qua, người đứng đầu ngành nông nghiệp, Bộ trưởng Cao Đức Phát có hành động ăn thịt heo ngay tại hội nghị phòng chống dịch tai xanh nhằm chứng minh ăn thịt heo vẫn an toàn.

Bộ trưởng Cao Đức Phát ăn thịt heo hôm 13.8. Ảnh: Đặng Hoàng

Hành động trên nằm trong nỗ lực khuyến khích người dân ăn thịt heo bình thường. Bởi thiệt hại kinh tế sẽ rất lớn nếu người dân tẩy chay thịt heo, trong khi vẫn còn hàng chục triệu con heo trong các chuồng trại chưa tiêu thụ được.

Chống dịch: bất cập, trữ đông: bị động

Một đất nước có lợi thế về chăn nuôi như Việt Nam, nhưng nhiều năm qua, người chăn nuôi luôn phải đối mặt với rủi ro dịch bệnh triền miên, còn cơ quan thú y bất lực trong việc kiểm soát, chữa trị. Bằng chứng là dịch heo tai xanh đã hoành hành suốt bốn năm nay, đợt dịch đầu tiên bùng phát từ tháng 3.2007. Theo thừa nhận của ngành thú y, tốc độ dịch lây lan nhanh đến mức vuột khỏi tầm kiểm soát. Đàn heo đang đứng trước nguy cơ bị xoá sổ hoàn toàn bởi công tác chống dịch hiện nay chỉ bằng các biện pháp thủ công như tiêu độc, khử trùng, tiêu huỷ, cấm vận chuyển chứ chưa có vắcxin đặc trị.

Ông Nguyễn Xuân Bình, phó giám đốc trung tâm Thú y vùng VI, khẳng định dù dịch lan rộng nhưng số nhiễm bệnh chỉ chiếm khoảng 16% so với tổng đàn ở 21 tỉnh có dịch.

Thế nhưng, ngoài những con bị chết do virút tai xanh tấn công, thì lúc này, người chăn nuôi cũng không thể nào bán được số heo còn lành bệnh vì thị trường ế ẩm, giá giảm thê thảm, có lúc, có nơi chỉ còn 22 ngàn đồng/kg heo hơi, trong khi giá thành sản xuất khoảng 33 ngàn đồng/kg. Theo khảo sát của một số đơn vị có thị phần tiêu thụ lớn, thị trường tiêu thụ thịt heo ở TP.HCM, nhất là phân khúc chợ lẻ giảm 20 – 30% so với trước.

Trước thực trạng trên, giải pháp giết mổ, cấp đông dự trữ được đề xuất để có thể giải quyết hết số heo còn tồn đọng trong dân. Theo nhiều ý kiến, cách làm này vừa giảm áp lực lây lan dịch bệnh, vừa tiết kiệm được nguồn thực phẩm cho thị trường sau này.

Chiều 14.8, UBND TP.HCM cũng đã có văn bản yêu cầu doanh nghiệp tìm nguồn heo sạch bệnh mua lại để giết mổ, cấp đông.

Ông Văn Đức Mười, tổng giám đốc Vissan, cho biết đã nhận văn bản của thành phố, nhưng Vissan chỉ mới có kế hoạch dự trữ số lượng ít để tiêu thụ ngắn hạn chứ chưa tính đến chuyện giết mổ nhiều trữ đông. Theo ông Mười, kỹ thuật cấp đông rất khó, công nghệ phải hiện đại, giết mổ trên dây chuyền treo, khâu pha lóc thực hiện trong phòng lạnh 0 độ C, sau đó đưa thịt vào kho trữ lạnh ở nhiệt độ âm 18 độ C. “Nếu làm không khéo, miếng thịt dễ bị nhiễm khuẩn”, ông Mười nói.

Hiện nay, ngoài Vissan, nhà máy chế biến thực phẩm Đồng Nai (D&F) cũng có dây chuyền công nghệ, kho trữ lạnh đạt tiêu chuẩn giết mổ, cấp đông thịt heo. Tuy nhiên, điều khiến doanh nghiệp còn chưa hứng thú với cách làm này là bởi họ sợ mang tiếng trữ heo trong mùa dịch bệnh, ảnh hưởng đến thương hiệu.

Cầu cứu người tiêu dùng

Ước tính, đã có khoảng 2,7 triệu con heo nhiễm bệnh. Nếu bình quân mỗi con 70kg, giá thành sản xuất 33.000 đồng/kg, thì mức thiệt hại lên đến 6.230 tỉ đồng.

Hiện nay, nguồn heo ở vùng chưa có dịch khi đưa vào TP.HCM, nơi tiêu thụ chủ lực ở thị trường phía Nam phải có giấy xác nhận an toàn của thú y địa phương. Còn những trại nào trong vùng có dịch, muốn xuất đi thì phải lấy mẫu phân tích với chi phí 305.000 đồng/mẫu, đảm bảo 100% âm tính thì thú y mới cấp giấy chứng nhận an toàn.

“Do vậy, nguồn heo tiêu thụ ở TP.HCM hoàn toàn sạch bệnh”, ông Phan Xuân Thảo, trưởng chi cục Thú y TP.HCM khẳng định như vậy. Hơn nữa, theo ông Thảo, chưa nghiên cứu nào cho thấy virút tai xanh truyền bệnh sang người, nếu nấu chín thì không có gì phải lo ngại.

Trong nhiệm kỳ làm bộ trưởng, đến nay, ông Cao Đức Phát đã có ít nhất hai lần phải đứng ra ăn thịt ngay giữa thời điểm dịch bệnh nóng bỏng. Tuy hai hành động cách nhau đến năm năm (lần đầu vào tháng 12.2005, ông ăn thịt gà trong lúc dịch cúm gia cầm đang bùng phát), nhưng đều có chung thông điệp trấn an tâm lý người tiêu dùng không nên quay lưng lại với thịt heo, thịt gà.

Nếu nhìn ở góc độ thị trường, thì sự kiện bộ trưởng ăn thịt heo hay gà ngay trong mùa dịch là việc làm tích cực. Nhưng việc cần làm hơn, phải chứng minh hiệu quả trong việc kiểm soát dịch bệnh của ngành nông nghiệp, mà ông bộ trưởng phải chịu trách nhiệm của người đứng đầu.

Theo SGTT

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *