Bên bờ hạnh phúc

Ngày 25 /11, tại Thành phố Vĩnh Long, Hội nghị Xúc tiến đầu tư vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) năm 2013 đã được tổ chức. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, chủ trì hội nghị.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh: "Các địa phương cần sát cánh cùng doanh nghiệp, tạo môi trường đầu tư thông thoáng vào ĐBSCL". Ảnh: VGP/Thành Chung

 

Hội nghị còn có sự tham gia của lãnh đạo các bộ, ngành, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, các địa phương trong vùng, các đoàn ngoại giao và đông đảo nhà đầu tư trong nước, quốc tế.

Đây là sự kiện quan trọng nằm trong khuôn khổ Diễn đàn hợp tác kinh tế ĐBSCL MDEC-Vĩnh Long 2013, do Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp tổ chức.

Lấy đầu tư hạ tầng giao thông làm nền tảng kết nối

Thời gian qua, các địa phương trong vùng đã nắm bắt được các nguồn lực, sáng tạo trong thu hút và kêu gọi các nhà đầu tư. Hiện toàn vùng có 802 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký khoảng 11 tỷ USD (tính đến tháng 9/2013), vốn ODA đạt khoảng 4 tỷ USD.

Bên cạnh đó, Chính phủ đã dành quan tâm đặc biệt nhằm thúc đẩy sự phát triển của vùng thông qua việc xây dựng quy hoạch, đầu tư phát triển hạ tầng, cảng biển, cảng hàng không, năng lượng… Nhiều công trình hạ tầng giao thông và sản xuất đã được triển khai và đưa vào sử dụng. Nhờ đó, ĐBSCL đã có bước phát triển đột phá với mức tăng trưởng gần 12%/năm, quy mô GDP gấp 3,5 lần, thu nhập bình quân đầu người tăng 2,5 lần trong hơn 10 năm qua.

Tại Hội nghị, đại diện các bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp đã đóng góp nhiều ý kiến nhằm góp phần khắc phục những hạn chế trong sản xuất nông-ngư nghiệp, thu hút vốn đầu tư để thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội, hạ tầng của vùng.

Một số đại biểu cho rằng Chính phủ và các địa phương trong vùng cần tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, lấy đó làm nền tảng cho sự kết nối vùng; xây dựng quy hoạch sản xuất nông nghiệp, công nghiệp chế biến của vùng trong dài hạn để doanh nghiệp, người dân tập trung nguồn lực đầu tư. Bên cạnh đó, cần tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đầu tư cho các cơ sở nghiên cứu của vùng để khai thác hiệu quả lợi thế tự nhiên của vùng vào phát triển nông nghiệp.

Về việc tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước làm ăn lâu dài, ông Nguyễn Văn Diệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cho biết, chủ trương của tỉnh là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tập trung vào tính minh bạch của hoạt động chính quyền để củng cố niềm tin của doanh nghiệp. Đồng thời, xây dựng đội ngũ cán bộ có trình độ, nắm bắt nhanh các chính sách, điều hành của Chính phủ để áp dụng phù hợp tại địa phương.

Tại Hội nghị, các bên liên quan đã ký thỏa thuận phối hợp giữa Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam; ký kết các hợp đồng tín dụng trị giá 121,671 tỷ đồng giữa các ngân hàng thương mại với các nhà đầu tư.

Trong tổng số 138 dự án trọng điểm kêu gọi đầu tư với tổng số vốn 416.000 tỷ đồng, UBND các tỉnh ĐBSCL đã trao chứng nhận đầu tư cho 26 dự án có tổng số vốn 6.985 tỷ đồng và 93,17 triệu USD, đồng ý về chủ trương cho 5 dự án với 2.168 tỷ đồng.

Chính quyền địa phương tiếp tục sát cánh với DN

Đánh giá về hoạt động xúc tiến đầu tư của vùng, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh ghi nhận nỗ lực của các địa phương trong những năm qua. Việc các nhà đầu tư vào ĐBSCL để sản xuất kinh doanh với số tiền gần 7.000 tỷ đồng có ý nghĩa quan trọng trong phát triển và thu hút các nhà đầu tư khác vào khu vực này.

Phó Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư nhanh chóng bắt tay ngay vào thực hiện dự án. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương tiếp tục sát cánh cùng doanh nghiệp, coi khó khăn của doanh nghiệp như khó khăn của mình để giải quyết, coi thành công của doanh nghiệp như thành công của mình để tiếp tục duy trì, phát triển. Về phía Chính phủ, Phó Thủ tướng khẳng định luôn đồng hành và đảm bảo quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị ngành Ngân hàng chỉ đạo xử lý nợ xấu hiệu quả đối với từng doanh nghiệp cụ thể trên địa bàn để tạo điều kiện cho vay đối với những dự án đầu tư có triển vọng; tiếp tục thực hiện ưu đãi tín dụng cho nông nghiệp, nông dân, để nông dân đầu tư trang thiết bị máy móc, ứng dụng khoa học công nghệ, tiến hành sản xuất lớn hiệu quả.

Đối với chính quyền các địa phương trong vùng, cần tiếp tục đầu tư hạ tầng từng bước đồng bộ và hiện đại như sân bay, đường-cầu, bến cảng, kho bãi, đảm bảo năng lượng cho sản xuất và tiếp tục tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho doanh nghiệp.

Cụ thể, các địa phương vận dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách để kêu gọi đầu tư trên các lĩnh vực phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, đặc biệt là thu hút đầu tư vào phát triển kết cấu hạ tầng, công nghiệp phụ trợ, công nghệ sinh học, công nghiệp chế biến, sản xuất nông sản nhằm tăng chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp phục vụ xuất khẩu, song song với thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch, dịch vụ, đào tạo nguồn nhân lực nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao…

Theo Thành Chung ( Chinhphu.vn )

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *