Bên bờ hạnh phúc

 

Tốt nghiệp Trường Đại học Kinh tế, T. được nhận vào làm việc tại một chi nhánh ngân hàng với nhiệm vụ giao dịch viên. Là con nhà nghèo, T. sớm ý thức trách nhiệm của người con lớn nhất trong gia đình. Tiền lương hằng tháng, T. giữ lại một ít để chi tiêu, còn lại đưa hết cho cha mẹ.
 
Nhưng sống ở TP đắt đỏ, trăm thứ đều cần đến tiền, thu nhập của T. không phải lúc nào cũng trang trải đủ. Đã có lúc T. phải vay tạm bạn bè khi cần gấp một khoản tiền đóng học phí cho em.
 
Gần đây, nghe cha mẹ nói chuyện người cô ruột yêu cầu đưa 10 lượng vàng mới đồng ý cho cha mẹ T. làm thủ tục hóa giá căn nhà của ông nội mà gia đình T. đang ở, T. lo lắng không yên. Đồng lương chỉ gói ghém đủ trong việc chi tiêu chung của gia đình, lấy đâu ra 10 lượng vàng?
 
Quay cuồng mãi với ý nghĩ phải kiếm được thật nhiều tiền, T. quyết định liều một phen. Phát hiện sơ hở của ngân hàng, sau khi làm xong thủ tục thu tiền khách hàng (vay tiền ngân hàng mua nhà hoặc xe trả góp), giao cho kiểm soát viên kiểm tra, giao 1 liên cho khách hàng, T. xóa các giao dịch trên hệ thống, không nộp lại cho trưởng quỹ theo quy định, chiếm đoạt trót lọt 81 triệu đồng chỉ trong một tuần.
 
Để tránh bị phát hiện, T. căn cứ vào các giấy gửi tiền của khách hàng mà T. lưu giữ, tự lập lại các giấy gửi tiền và ký giả tên khách hàng là chủ tài khoản, giao cho kiểm soát viên ký xác nhận rồi nhập giả vào tài khoản khách hàng.
 
Lần cuối cùng nhận số tiền 7,1 tỉ đồng của khách hàng, T. đánh bạo lấy 1,5 tỉ đồng, viết ba lá thư tuyệt mệnh gửi người thân, bỏ tất cả vào túi ni lông quấn băng keo đem đến nhà một người bạn thân nhờ giữ giùm với lời dặn dò ngày hôm sau mới mở ra. Sau đó, T. thuê phòng khách sạn dùng dao lam cắt tay tự tử…

 

 
Mất tương lai

 

 

Phân tích những nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội của bị cáo, luật sư bào chữa cho T. nhấn mạnh do sinh trưởng trong một gia đình nghèo, T. luôn tự đặt cho mình một trọng trách quá lớn trong khi tuổi đời còn trẻ, suy nghĩ thiếu chín chắn. Thêm vào đó, dù T. là người có học thức nhưng hiểu biết pháp luật mơ hồ cộng thêm sự quản lý của ngân hàng còn sơ hở đã tạo điều kiện cho T. phạm tội.
 
Tư tưởng sai lầm dẫn đến hành động cũng sai. Nhưng nhìn nhận ở một khía cạnh khác, T. là người sống có hiếu, có tình, biết hy sinh…
 
Về phần mình, T. thừa nhận tất cả hành vi phạm tội, không biện minh, không bào chữa gì thêm, chỉ nói ngắn gọn: “Thấy cha mẹ quá vất vả nuôi anh em bị cáo ăn học, nay lại lo lắng nhiều đến việc làm sao để có một khoản tiền làm thủ tục hóa giá nhà, bị cáo không đành…
 
Bị cáo quyết định đánh đổi sinh mạng, tương lai của mình để đền ơn cha mẹ… Tự tử không thành, tỉnh dậy, bị cáo mới biết là đã sai lầm. Bị cáo chấp nhận mọi sự trừng phạt của pháp luật, chỉ xin tòa khoan hồng giảm nhẹ phần nào để bị cáo có cơ hội trở về chăm sóc cho cha mẹ…”. Nghe con nói, cha mẹ T. rơi nước mắt.
 
Có người cha, người mẹ nào lại có thể thảnh thơi, vui vẻ nhận đồng tiền do con phạm pháp đem về? Càng không bao giờ chấp nhận đánh đổi sinh mạng đứa con mình rứt ruột sinh ra để lấy tiền hay bất cứ điều kiện vật chất gì khác. Thế nên, dù T. thật sự rất yêu thương gia đình, sợ cha mẹ phải khổ nhưng chính việc làm thiếu suy nghĩ ấy cuối cùng lại chỉ đem đến nỗi lo lắng, sự đau xót, vất vả hơn cho chính những người T. yêu thương và sẵn sàng hy sinh vì họ.

 

 

Có lẽ thấm thía điều ấy, sau khi nghe HĐXX tuyên phạt 16 năm tù về tội tham ô tài sản (mức thấp nhất của khung hình phạt vì toàn bộ số tiền chiếm đoạt đã được khắc phục ngay sau đó, hậu quả chưa xảy ra, bị cáo phạm tội lần đầu…), T. lầm lũi bước nhanh ra khỏi phòng xử.
 
Dường như T. không muốn người thân nhìn thấy những giọt nước mắt vừa chực trào ra ở khóe mắt, tránh cho họ thêm một lần nữa phải thắt lòng vì mình.
 
Ngoài kia, cha mẹ và bạn gái T. vừa lặng lẽ lau nước mắt vừa nhớn nhác tìm bóng dáng T. khuất sau những chiếc áo xanh cảnh sát trong phòng tạm giữ…
Theo Người lao động

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *