Bên bờ hạnh phúc

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, chiều 8/11, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường, thảo luận dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55/2010/QH12 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp. 

 

Nhiều ý kiến đại biểu thể hiện sự nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết bổ sung đối tượng miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp nhằm thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về chính sách nông nghiệp, nông thôn, nông dân; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn theo hướng hiện đại hóa; giảm bớt khó khăn cho người nông dân, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển. 

Theo đánh giá của đại biểu Hoàng Thanh Tùng (Sóc Trăng) việc Chính phủ đề xuất mở rộng đối tượng và phạm vi đất nông nghiệp được miễn thuế sử dụng đất như được nêu trong Tờ trình và dự thảo Nghị quyết không chỉ là hành động thiết thực tiếp tục thực hiện di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bản Di chúc của Người mà còn thể hiện nhất quán quan điểm, chủ trương của Đảng, tạo động lực mạnh mẽ để thực hiện chính sách “tam nông” trong giai đoạn hiện nay. 

Việc miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân theo dự thảo Nghị quyết không gây tác động lớn đến thu ngân sách nhà nước (theo tính toán của Chính phủ khoảng 53,5 tỷ đồng/năm), nhưng sẽ tạo tâm lý đồng thuận trong nhân dân; thể hiện nhất quán quan điểm, chủ trương của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; góp phần khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn thông qua tích tụ ruộng đất, xây dựng cánh đồng lớn, đẩy nhanh ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ trong sản xuất nông nghiệp; góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp và thúc đẩy quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo định hướng của Đảng. 

Theo các đại biểu, sau 5 năm triển khai Nghị quyết 55, tổng diện tích đất nông nghiệp được miễn giảm khoảng 7 triệu héc ta, chiếm 68% tổng diện tích chịu thuế sử dụng đất nông nghiệp. Tổng số thuế được miễn giảm là gần 7 tỷ đồng. Do vậy, việc miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với toàn bộ hộ gia đình, cá nhân là cần thiết vì qua đó sẽ khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn thông qua tích tụ ruộng đất, xây dựng cánh đồng lớn, đẩy nhanh ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ trong sản xuất nông nghiệp; góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp và thúc đẩy quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp. 

Đối với đất sử dụng sai mục đích, để hoang hóa, đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) đề nghị: cần có lộ trình xử lý đứt điểm tình trạng sử dụng sai mục đích, hoang hóa đất nông nghiệp, đồng thời rà soát, nếu cần thiết thì thu hồi đất nông nghiệp đã giao cho các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội nghề nghiệp quản lý nhưng không trực tiếp sử dụng mà giao cho tổ chức cá nhân khác. Có ý kiến cho rằng, việc miễn giảm cũng cần tính toán để tạo động lực, khuyến khích cá nhân, gia đình tổ chức trong phát triển sản xuất nông nghiệp. 

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng cần phải tính đến việc quản lý, sử dụng đất sao cho hiệu quả, tránh tình trạng lãng phí nguồn lực, đất đai không được huy động trong sản xuất nông nghiệp 

Về mặt kỹ thuật văn bản, đại biểu Hoàng Thanh Tùng nêu Nghị quyết số 55/2010/QH12 có 5 điều, trong khi dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sungtrình Quốc hội dự kiến sửa phần lớn nội dung Điều 1 và bãi bỏ các điều 2, 3 và 4 của Nghị quyết số 55; đối với Điều 5 của Nghị quyết số số 55 là điều khoản thi hành thì một số nội dung đã trùng với Điều 3 của dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung.

Như vậy, thực chất dự thảo Nghị quyết không phải sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55/2010/QH12 mà là thay thế Nghị quyết này. Hơn nữa, với việc dự kiến bỏ Điều 2 của Nghị quyết số 55 thì phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết số 55 đã thay đổi, vì không còn trường hợp nào được giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp mà chỉ có các trường hợp được miễn thuế. 

Do đó, về hình thức văn bản, đại biểu đề nghị Cơ quan soạn thảo nghiên cứu để cân nhắc ban hành Nghị quyết mới về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp thay thế Nghị quyết số 55 chứ không ban hành Nghị quyết sửa đổi. Việc ban hành Nghị quyết mới cũng sẽ giúp cho việc thực thi hành thuận lợi hơn, bởi thay vì cùng lúc phải so sánh, đối chiếu, áp dụng 2 nghị quyết thì các cơ quan, tổ chức, người sử dụng đất chỉ phải căn cứ vào 1 nghị quyết.

Về thời hạn miễn thuế, nhiều ý kiến đồng tình với đề nghị của Chính phủ về thời hạn miễn thuế cho các đối tượng được bổ sung đến hết ngày 31/12/2020. Theo đó việc bổ sung đối tượng được miễn thuế đất nông nghiệp trong 4 năm tới sẽ tạo căn cứ pháp lý ổn định, thể hiện chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước về nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ cần tổng kết, đánh giá việc thực hiện chính sách về thuế sử dụng đất nông nghiệp sau khi kết thúc thời hạn miễn, giảm thuế để nghiên cứu, sửa đổi phù hợp và ban hành chính sách chung về thuế đối với đất đai (đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp), đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật./. 

Nguồn: QUỲNH HOA (TTXVN/VIETNAM+) 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *