Bên bờ hạnh phúc

Sylvio Lamarche thức dậy rất sớm trong mảnh đất anh mua dưới chân núi Hòn Hèo (Ninh Hòa, Khánh Hòa), đợi khi trời rạng sáng để bắt ống nhòm quan sát đàn Voọc đang chơi đùa trên đỉnh núi cao 500 m trước mặt.

Người đàn ông Canada 54 tuổi, chẳng liên quan gì đến những con thú trên rừng kia của Việt Nam. Rồi một ngày, định mệnh và tình yêu động vật hoang dã đã đưa Sylvio Lamarche đến Việt Nam, trở thành một người giữ rừng và bảo vệ thú.

Từng kinh doanh và trồng cây cảnh ở Canada, du lịch nhiều nơi trên thế giới, nhưng cuộc du ngoạn vịnh Vân Phong, huyện Ninh Hòa, Khánh Hòa, năm 1995 đã thành một cơ duyên để Sylvio Lamarche quyết định gắn bó với vùng đất này.

Đến Việt Nam, Sylvio nhìn thấy dải đất nằm ở chân núi Hòn Hèo và có ý định lập nghiệp tại đây. Ý đã quyết, năm 2000 anh bán nông trại được thừa hưởng ở Canada, quay lại Việt Nam mua lô đất sát biển rộng trên 10.000 m2, đặt tên Jungle Beach – bãi biển rừng nhiệt đới.

Sylvio Lamaeche chân trần leo núi Hòn Hèo khảo sát động thực vật hoang dã. Ảnh: Khuê Việt Trường

Quản lý của Sylvio là Lưu Vinh Quang, sinh năm 1967, cũng là một cái duyên kỳ ngộ khi anh đến Việt Nam. Cười nói hào sảng, anh kể, khi ấy Quang chạy xe thồ, chở Sylvio đi mọi nơi ở Nha Trang, kể cả khi mua đất. Quang dạy Sylvio tiếng Việt và Sylvio dạy Quang tiếng Anh. Giờ đây họ trở thành một cặp đôi làm việc khắng khít.

Sylvio kết duyên với một cô gái Việt, đã có một con trai xinh xắn. Sylvio bảo, từ năm 2000 đến nay anh chưa rời khỏi Việt Nam và nói vui: “Tôi đã delete Canada rồi.” Anh hóm hỉnh: “Ở dưới chân núi Hòn Hèo này có một người thiểu số Việt Nam đít trắng (ý chỉ anh)”.

Rất nhiều người nước ngoài chọn Việt Nam làm quê hương thứ hai, nhưng cách yêu Việt Nam của Sylvio thật hiếm. Anh yêu từng cái cây ngọn cỏ trên ngọn núi Hòn Hèo, tìm cách bảo vệ từng con thú ở đó. Anh nói: “Tôi đâu có quyền hành gì, nhưng tôi có tình yêu động vật và cây cỏ”.

Anh Quang kể, có lần người trong xóm bẫy một con Culy bị thương, Sylvio đến tận nơi điều đình mua lại. Họ đòi giá cao nên anh không mua và giải thích: “Mình mua giá cao tập cho họ cứ đi bẫy thú.” Và anh đã gọi kiểm lâm tới thu hồi lại con Culy. Sylvio ôm con Culy chạy một mạch lên tận lưng chừng núi với đôi chân trần thả con vật về lại rừng.

Những bước chân trần của Syvio đã in hằn sâu nhiều nơi trên ngọn núi Hòn Hèo nhiều đá, nhiều gai. Thế nhưng anh chỉ đi bằng đôi chân trần. Đôi chân đã nứt nẻ theo cái nóng của đá vào giữa trưa anh dẫm lên. Đôi chân trần bị xướt bởi gai rừng và dày lên từng ngày, nhưng Sylvio đi rất nhanh. Anh mang theo ống dòm quan sát nơi khu vực thú rừng đang sống, đếm chúng hàng ngày và ghi chép đời sống của chúng.

Bằng giọng rất vui và ấm áp, Sylvio kể, khi khám phá thế giới thiên nhiên ở Hòn Hèo, anh lưu ý đến một loài Voọc đen rất lạ nên tập hợp hình ảnh, gởi tài liệu cho ông Tilo Nadler, chuyên gia người Đức, Giám đốc Trung tâm cứu hộ thú linh trưởng (Hội động vật Frankfurt), Vườn Quốc gia Cúc Phương. Sau đó, những chuyên gia đã đến cùng anh, ở nhiều ngày, khảo sát và kết luận: “Loại thú này chính là Voọc chà vá chân đen (Pygathrix nigripes), nằm trong danh mục 1 – động vật rừng nguy cấp, quý hiếm”. Đó là những ngày của năm 2007.

Từ đó hàng ngày Sylvio Lamarche thức dậy rất sớm trong Jungle Beach của mình. Đợi khi trời bắt đầu rạng sáng, anh bắt ống dòm ra, quan sát những con vật yêu quý của mình ở trên đỉnh núi cao 500 mét trước mặt. Xem thử chúng đã thức dậy chưa, chúng đã ra khỏi gềnh đá, đi tìm thức ăn hoặc nước uống chưa. Anh thuộc nằm lòng quy luật hoạt động của bầy chà vá hoang dã tại đây.

Một chú Voọc chà vá chân đen leo trên cây trên đỉnh Hòn Hèo. Ảnh: Khuê Việt Trường

Ông Nguyễn Huy Dũng, Phó giám đốc Trung tâm Tài nguyên và môi trường lâm nghiệp tỉnh Khánh Hòa cho biết, Voọc chà vá chân đen ở Việt Nam hiện còn rất ít, mỗi nhóm tập hợp khoảng 60 con. Vì thế việc bảo vệ chúng cần phải nghiêm ngặt. Còn với Sylvio, anh đã bảo vệ 110 con Vọoc chà vá chân đen tại Hòn Hèo được yên tĩnh.Vào cuối tháng 12/2009, qua theo dõi anh phát hiện đàn Voọc đã sinh thêm khoảng 30-40 con nhỏ.

Sylvio có cả một tập ghi chép dày về các loài thú ở Hòn Hèo: có bốn loại chim đại bàng, bốn loại nai trong sách đỏ, Culy nhỏ và trên 150 con Voọc chà vá chân đen. Anh bảo: “Chúng chỉ ăn cây cỏ, không hại đến con người, phải bảo vệ chúng cho con cháu chúng ta. Nhưng một mình tôi chưa đủ mà cần có mọi người giúp sức”.

Sylvio Lamarche nuôi khoảng 5 con chó. Chúng trở thành “tai nghe mắt thấy” của anh khi có một ai đó rình rập lên dãy núi phá rừng, hoặc âm mưu săn những con thú quý hiếm kia. Khi đó, với đôi chân trần và cây đèn pin, anh đi ra khỏi nhà đi tìm họ, ngăn chặn lại.

UBND huyện Ninh Hòa đã tặng Sylvio Lamarche một bằng khen về công trạng bảo vệ động vật hoang dã, đó là phần thưởng anh rất thích thú. Mỗi khi có khách đến chơi là anh đem ra khoe. Ngay cả những người khách nước ngoài tới khu nghỉ mát "bãi biển nhiệt đới" của anh, cũng được mời nhìn xuyên qua ống nhòm ngắm nhìn đàn thú anh đang bảo vệ chúng trên núi cao.

Con đường đất nhỏ xa hun hút đi qua những làng quê, cứ đi mãi là tới Junlge Beach của Sylvio. Cánh cổng nhỏ bằng tre tạo sự bất ngờ cho du khách vì sự dân dã ở nơi này.

Theo VnExpress

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *