Mưa lũ kéo dài từ 03/7 đến nay tại các tỉnh miền núi phía Bắc khiến số người chết và mất tích tiếp tục tăng. Nhiều tuyến giao thông tại các địa phương của tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Giang tê liệt, thông tin liên lạc bị gián đoạn, nhiều xã/huyện đang bị cô lập hoàn toàn.

Người chết, mất tích tiếp tục tăng

Do ảnh hưởng của rãnh áp thấp qua Bắc Bộ kết hợp với hội tụ gió trên cao nên trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Lượng mưa tại một số trạm từ 1 giờ đến 7 giờ ngày 5/7 như sau: Ba Bể 157,4mm; Nam Cường 89,3mm; Phương Viên 108,7mm; Ngân Sơn 94,4mm; Phủ Thông 78,7mm; Thị xã Bắc Kạn 68,7mm. Trên các hệ thống sông suối đã xuất hiện lũ đạt mức xấp xỉ cấp I.

Mưa liên tục kéo dài trong suốt 2 ngày khiến cho các khu đồi cao ngấm nước, nên đến sáng 5/7, nhiều đồi đất bắt đầu sạt trượt khi gặp mưa lớn.

Ông Nguyễn Văn Phong, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Pác Nặm bàng hoàng cho biết: Có 5 hộ gia đình tại Khên Lền với khoảng 23 người đang ở trong nhà, bất ngờ nửa quả đồi đất sạt trượt vùi lấp hoàn toàn, lực lượng cứu hộ mãi đầu giờ chiều 5/7 mới tiếp cận được và tìm được xác 10 người nói trên.

Theo ông Phong, còn 13 người nữa đang bị chôn vùi trong đống sạt lở này nhưng hy vọng sống thực sự gần như không còn.

Ngoài ra, 3 người trong thôn này cũng đang mất tích vì bị nước cuốn trôi .Mưa lũ đã vùi lấp 5 nhà dân khác ở xã Công Bằng và gây ngập úng trên 50ha diện tích hoa màu của người dân ở xã Nhạn Môn, Công Bằng và Giáo Hiệu.

Tại huyện Ba Bể có 12 nhà dân đang ở vào nguy cơ sạt trượt đất, hơn 60ha diện tích lúa, hoa màu của người dân xã Bành Trạch, Khang Ninh bị ngập úng hoàn toàn.

Hiện tại lực lượng cứu hộ vẫn đang tiếp tục khẩn trương tìm kiếm người bị vùi lấp trong đống đất đá.

Đến sáng ngày 5/7, huyện Pác Nặm đã không còn bị cô lập khi những đoạn đường sạt lở đã được thông xe cơ bản. Chi cục Thuỷ lợi và PCLB đã có công văn số 69 cảnh báo mưa lũ sạt lở đất; Văn phòng Ban chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh đã có công điện số 02/SNN-VP PCLB triển khai đến BCH PCLB-TKCN các ngành, các huyện, thị xã đề nghị thông báo cho nhân dân chủ động phòng tránh lũ quét có thể xảy ra.

Tuy nhiên do mưa lũ, sạt lở bất ngờ tại những thôn bản vùng cao như Khên Lền, Nà Bẻ, cách trung tâm huyện tới gần 10km đi bộ nên nhiều người dân đã không kịp phòng bị. Việc ứng cứu cũng gặp nhiều khó khăn khi không có máy móc, tất cả chỉ làm bằng tay.

Nước sông Lô đã dâng lên gần mức báo động 3 (Ảnh: Lê Lâm – baohagiang)

Theo báo cáo của văn phòng BCH PCLB tỉnh Cao Bằng, tính đến trưa 5/7, cả tỉnh có 1 người chết do đi qua suối bị trượt chân, có 2 trẻ em bị mất tích và 2 người bị thương.

Ông Đỗ Đức Quý, chuyên viên chi cục Thuỷ Lợi (tỉnh Cao Bằng) cho biết: “Chúng tôi đã chuyển toàn bộ số người bị thương vào viện, tiếp tục tìm kiếm người mất tích và phối hợp với các cơ quan liên quan để bắt đầu khắc phục các tuyến đường, giải toả tắc nghẽn giao thông suốt 2 ngày nay”.

Nơi bị mưa lũ tàn phá nặng nề nhất là huyện Bảo Lâm. Các huyện khác như Trùng Khánh, Nguyên Bình, Bảo Lạc và thị xã Cao Bằng, mưa to tiếp tục diễn ra và xuất hiện hiện tượng lở đất. Tại huyện Trùng Khánh, lượng mưa đo được là 149 mm.

Tỉnh Hà Giang cũng trong tình trạng bị mưa lũ tàn phá nghiêm trọng. Lượng mưa đo được tại các huyện đều ở mức cao: Bắc Quang: 206 mm, Bắc Mê: 126mm và đặc biệt là tại thị xã Hà Giang, lượng mưa lên tới 215 mm, cao nhất trong toàn bộ các địa phương có mưa lũ của 3 tỉnh trên.

Hiện Hà Giang đã có 1 người chết do đi qua suối bị trượt chân, 1 người mất tích do bị mưa lũ cuốn trôi.

Giao thông tê liệt, liên lạc gián đoạn

Tính đến chiều 5/7, nhiều khu vực giao thông của tỉnh Hà Giang bị tê liệt do ngập úng nặng. Đã có 1 cầu treo bị nước lũ làm sạt mố cầu có nguy cơ sập, 1 cầu treo bị nước lũ cuốn trôi toàn bộ ván, 3 cột điện bị đổ. Tuyến đường từ Tân Quang đi vào 2 huyện Hoàng Su Phì và Xín Mần bị sạt lở nhiều đoạn.

Toàn tỉnh đã có 39 ngôi nhà bị ngập (1 nhà ở thị trấn Yên Phú huyện Bắc Mê; 38 nhà ở Thị xã Hà Giang); 7 nhà bị ảnh hưởng ta luy đất sạt lở. Toàn bộ 15,7 ha lúa, mạ; 2,5 ha ngô, 2 ha sắn; 0,25 ha lạc; 0,3 ha khoai sọ đều chìm trong nước.

Tại Cao Bằng, có trên 10.000 m3 đất đá đã sạt lở trên các tuyến giao thông, khiến hệ thống giao thông đang ách tắc nghiêm trọng. Toàn tuyến quốc lộ 34 đoạn từ thị xã Cao Bằng đi huyện Bảo Lạc, Bảo Lâm bị ngập và sạt lở nhiều đoạn. Hiện toàn bộ thị trấn Pác Miều, huyện Bảo Lâm, bị cô lập hoàn toàn.

Cả tỉnh có 11 ngôi nhà bị đổ do sạt lở đất núi, 11 nhà bị vùi lấp và hư hỏng nặng. Toàn bộ 145 ha lúa và hoa màu đang mùa thu hoạch bị ngập úng. Ước thiệt hại khoảng 10 tỷ đồng.

Hàng ngàn m3 đất bị sạt lở đã làm tắc hoàn toàn tuyến đường giao thông tỉnh lộ 258B của tỉnh Bắc Kạn. Tuyến đường liên xã huyện Pác Nặm bị cô lập hoàn toàn, hệ thống điện thoại, điện lưới đều bị tê liệt và mất liên lạc.

Mở các cửa xả đáy của hồ chứa để chống lũ

Theo thông tin từ Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, đến chiều 5/7, hồ Tuyên Quang hiện đang mở hoàn toàn 3 cửa xả đáy. Cửa thứ 3 vừa được mở vào 11h trưa hôm nay.

Riêng hồ Hoà Bình mới huy động một cửa xả đáy vào 11h trưa ngày 5/7.

Phó chánh văn phòng Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương Trần Quang Hoài cho biết: “Chúng tôi đã gửi công văn yêu cầu Công ty Thủy điện Tuyên Quang căn cứ vào lưu lượng nước về hồ, điều chỉnh tăng giảm số cửa mở cho phù hợp đảm bảo an toàn cho công trình theo đúng qui trình vận hành đã được phê duyệt”.

Theo thông tin từ tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Giang, mưa to hiện đã dứt cơn, tại một số nơi chỉ còn mưa với lượng nhỏ. Các địa phương đang chịu tác động và hậu quả của mưa lũ hiện đã lên kế hoạch cứu nạn và triển khai nhanh chóng.

Theo dự báo của cơ quan chức năng, diện bị ngập lụt cục bộ ở các huyện vùng thấp của các tỉnh này sẽ tăng thêm khi nước lũ từ các suối vùng cao tràn về, nước sông dâng cao; các huyện vùng cao núi đất có nguy cơ sạt lở rất lớn.

Theo Linh Sơn – Cẩm Quyên (VietNamNet)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *