Bên bờ hạnh phúc

Chủ trì Hội nghị với nhóm 6 ngân hàng phát triển quốc tế – nhà tài trợ ODA sáng 29/3, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã nhấn mạnh tới sự lãng phí của việc quản lý, sử dụng nguồn vốn ODA khi chậm trễ giải ngân và chỉ đạo những biện pháp cụ thể cải thiện tình hình thực hiện và giải ngân nguồn ODA trong thời gian tới.

 

Cần có những biện pháp cụ thể để cải thiện tình hình thực hiện và giải ngân nguồn ODA trong thời gian tới.

 

 
Đánh giá cao kết quả Hội nghị và những phản ánh, đề xuất trong các ý kiến đối thoại giữa các thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi với Nhóm 6 ngân hàng phát triển và các nhà tài trợ, Phó Thủ tướng cho rằng, dù thời gian qua khối lượng giải ngân ODA có cao hơn nhưng khoảng cách giữa vốn giải ngân và vốn cam kết vẫn ngày một rộng ra. Trong khi đó, nguồn lực phát triển vẫn đang trong tình trạng khó khăn và kế hoạch năm 2014 giải ngân 8,1 tỷ USD vốn ODA, tăng gấp rưỡi so với mức hơn 5 tỷ của 2013 là một thách thức lớn nếu không quyết tâm và thay đổi mạnh mẽ về công tác quản lý.

Số vốn ODA chưa giải ngân của các chương trình, dự án đang thực hiện còn rất lớn, trên 20,9 tỷ USD. Nếu tình hình giải ngân không được cải thiện, mỗi năm Việt Nam mất hàng trăm triệu USD chi phí cơ hội.

Tán thành với 5 nhóm giải pháp nhằm cải thiện sự chậm trễ tại các chương trình, dự án ODA, Phó Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh tới những yếu kém, hạn chế đã tồn tại từ lâu mà chưa có giải pháp tháo gỡ triệt để.

Trước hết là vấn đề thủ tục vẫn chưa thuận lợi và mất nhiều thời gian, cộng với sự yếu kém về năng lực quản lý ở các Ban quản lý dự án. Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các nhà tài trợ xây dựng các văn bản hướng dẫn phù hợp với thông lệ quốc tế, hài hòa với quy trình, thủ tục của nhà tài trợ. Cơ quan chủ quản, chủ dự án khi thành lập Ban Quản lý dự án phải rà soát, xây dựng các Ban Quản lý dự án chuyên nghiệp hơn, tăng cường phân cấp trách nhiệm cho các Ban Quản lý dự án.

Thứ hai, vấn đề vốn đối ứng, Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm trình việc cân đối vốn để đảm bảo nguồn đối ứng cho các dự án, chương trình trên tinh thần “dù khó khăn thì cũng phải xem xét, bổ sung cho đủ” và việc bố trí vốn phải đảm bảo chỉ rõ tới từng dự án. Đồng thời, rà soát kế hoạch trung hạn, xác định thứ tự ưu tiên đầu tư các dự án ODA gắn liền với đảm bảo nguồn vốn đối ứng cho các dự án này, dự án nào thấy không đủ khả năng bố trí được vốn đối ứng thì phải kiên quyết đưa ra. Không để tình trạng dàn trải làm tất cả các dự án đều chậm.

Về vấn đề giải phóng mặt bằng, cần yêu cầu chủ dự án phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong việc tổ chức kiểm điểm, xây dựng phương án đền bù và bố trí kịp thời vốn bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, trong trường hợp thiếu vốn đối ứng cho công tác đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư, báo cáo cơ quan chủ quản để có phương án xử lý. Chủ trương của Chính phủ là sẽ giữ khung chính sách vấn đề này ổn định, kịp thời có hướng dẫn cần thiết cho Luật Đất đai mới sắp đi vào hiệu lực.

Phó Thủ tướng trả lời phản ánh của nhà tài trợ về việc đánh giá nguyên nhân làm đất đền bù ngày càng cao, đó là giá “đội” lên nhiều do chậm trễ, trượt giá theo thời gian. “Thông thường chi phí GPMB là 25% tổng mức đầu tư, nhưng như Thủy điện Sơn La, Lai Châu, chi phí GPMB có thể lên tới 50%. Dĩ nhiên là cũng có chính sách Nhà nước muốn thúc đẩy cả kinh tế-xã hội của khu vực, đưa đời sống người dân tốt lên nhưng có thể thấy chi phí giải phóng mặt bằng ở Việt Nam hiện quá cao và đây là khó khăn chung khi triển khai các dự án”, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nói.

Phó Thủ tướng chỉ đạo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần làm việc với 6 ngân hàng xử lý giải quyết các vướng mắc 3 tháng/lần và ngay sau hội nghị sẽ đưa các dự án thuộc "danh sách đen" được chỉ ra trong Hội nghị về các cơ quan chủ quản kiểm điểm, đôn đốc lại tiến độ triển khai.

Nêu lại vụ việc dự án ODA tại Tổng Công ty Đường sắt, Phó Thủ tướng nhấn mạnh tới yêu cầu minh bạch hóa trong thực hiện các dự án ODA. Hiện Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các cơ quan Việt Nam phối hợp với phía Nhật Bản làm rõ, xử lý nghiêm sai phạm trong vụ việc. Trên tinh thần đó, tất cả các chủ dự án, các bộ, các ban quản lý dự án phải rà soát lại toàn bộ các quá trình triển khai, các dự án, các gói thầu và đề xuất quy trình làm cho minh bạch hơn, chặt chẽ hơn, rõ trách nhiệm hơn. Đánh giá những lĩnh vực, những khâu có tiềm năng dễ xảy ra tiêu cực để có biện pháp thích hợp ngăn chặn, không để xảy ra tình trạng tương tự như vụ việc dự án đường sắt vừa qua.

Theo Nguyên Linh ( Chinhphu.vn )

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *