Bên bờ hạnh phúc

Theo thông báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ đầu năm đến nay Việt Nam đã ký với các nhà tài trợ 1,467 tỷ USD và giải ngân được 720 triệu USD.

Như vậy, tổng giá trị vốn ODA được ký kết thông qua Hiệp định với các nhà tài trợ trong 5 tháng qua đã cao hơn 9% so với 6 tháng đầu năm ngoái. Tuy nhiên việc hấp thụ nguồn vốn này cho đầu tư phát triển còn nhiều vấn đề cần giải quyết để tạo nên bước đột phá về giải ngân.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết những chương trình, dự án lớn được ký trong 5 tháng đầu năm chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực giao thông, cấp thoát nước và phát triển đô thị với vốn vay thương mại lên đến 1,448 tỷ USD, chiếm trên 98% tổng số vốn ODA ký kết.

Điều này cho thấy trong bối cảnh khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế toàn cầu, nguồn vốn ODA cho đầu tư phát triển hạ tầng của Việt Nam vẫn khả quan.

Về tiến độ giải ngân, tốc độ thực hiện bằng 38% kế hoạch năm là thấp cho dù so với nhiều năm trước đã có sự nỗ lực hơn. Bởi vì ngay từ đầu năm nay, Chính phủ đã chủ trương kích cầu đầu tư và như vậy tốc độ này chưa đáp ứng được yêu cầu này. Tuy nhiên, mức giải ngân các dự án ODA không đồng đều và không ít dự án có mức giải ngân cao.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) – một trong 4 nhà tài trợ lớn cho Việt Nam, mức giải ngân khá nhất trong 5 tháng qua là các dự án ngành điện (đạt 50%); tiếp đó là các dự án giao thông vận tải, nâng cấp đô thị, giáo dục đào tạo với mức giải ngân thấp hoặc trung bình; thấp nhất là các dự án công nghệ thông tin.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho hay trong 556 dự án ODA chỉ có 121 dự án đạt mức giải ngân từ 60% trở lên so với kế hoạch năm; số dự án giải ngân thấp thuộc khối bộ, ngành chiếm tỷ lệ cao hơn khối địa phương như Bộ Giao thông vận tải chỉ giải ngân được 38% so với kế hoạch năm, Bộ Thông tin và Truyền thông là 32%, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông chỉ có 19%; trong khi đó thành phố Hải Phòng gần 40%, Thành phố Hồ Chí Minh là 78,3%.

Nguyên nhân làm ảnh hưởng đến tốc độ thực hiện ODA chủ yếu vẫn là sự khác biệt về quy trình thủ tục giữa Việt Nam và nhà tài trợ, cơ chế bố trí vốn giữa trung ương và địa phương chưa phù hợp, vẫn còn bất cập trong một số văn bản chính sách, thay đổi quy hoạch, chất lượng dự án, nhà thầu, định mức chi áp dụng chưa đáp ứng yêu cầu trong điều kiện giá cả thị trường.

Để thực hiện kế hoạch giải ngân vốn ODA dự kiến cả năm (2,5 tỷ USD) Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục hoàn thiện các văn bản pháp quy liên quan đến ODA trong đầu tư xây dựng; thiết lập và vận hành hiệu quả hệ thống theo dõi, đánh giá các chương trình, dự án.

Bên cạnh đó, Bộ cũng phối hợp với các bộ, ngành và Nhóm 6 ngân hàng phát triển thực hiện "Kế hoạch hành động cải thiện tình hình thực hiện các chương trình, dự án ODA thời kỳ 2008-2010," cũng như xử lý các khác biệt tồn tại, nhất là trong đấu thầu, giải phóng mặt bằng, cải cách thủ tục.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh khẳng định bảo đảm bố trí kịp thời và đầy đủ nguồn vốn đối ứng theo tiến độ thực hiện chương trình, dự án ODA. Bộ nào, địa phương nào có khả năng giải ngân ODA vượt mức sẽ được hỗ trợ thủ tục cần thiết để giải ngân nhanh vì nguồn vốn này không bị ràng buộc bởi kế hoạch đầu năm.

Nếu vốn đối ứng thiếu, các đơn vị làm ngay kiến nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ không để thiếu vốn đối ứng, cũng như sẵn sàng ứng vốn đối ứng 2010 để bảo đảm đủ nhu cầu cho các công trình trọng điểm, cấp thiết.

Ông Sinh nhấn mạnh trong bối cảnh khó khăn năm nay, tăng tốc giải ngân ODA là thúc đẩy được một nguồn vốn lớn vào đầu tư phát triển. Đây còn là nguồn lớn về ngoại tệ cho nước nhà.

Tới đây Bộ sẽ tổ chức nhiều đoàn kiểm tra tình hình giải ngân ODA và làm việc với tất cả các nhà tài trợ để thúc đẩy hơn nữa nguồn vốn này vào thực hiện, góp phần phát triển kinh tế -xã hội thời kỳ sau khủng hoảng, ông Sinh nói.

Theo TTXVN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *