Chiều 05/8, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Phòng chống cúm A/H1N1 ở người, Bộ Y tế đã chính thức xác nhận chị T.T.K.L (29 tuổi, TP Nha Trang-Khánh Hòa) là trường hợp đầu tiên tử vong do virus cúm A/H1N1 tại Việt Nam.

Thuốc điều trị cúm A/H1N1 Tamiflu

Hiện Bộ Y tế đã cử cán bộ Cục Khám chữa bệnh vào làm việc với Bệnh viện (BV) Đa khoa Khánh Hòa để tìm hiểu về ca tử vong này nhằm rút kinh nghiệm trong công tác điều trị bệnh nhân cúm đối với các BV trên toàn quốc.

Sắp hết sinh phẩm xét nghiệm cúm A/H1N1

Theo PGS-TS Trịnh Quân Huấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, đến nay đã có 25 tỉnh, TP ghi nhận bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1. Trong ngày 5-8, đã ghi nhận thêm 9 ca nhiễm cúm A/H1N1, trong đó miền Nam: 3 ca, miền Bắc: 4 ca, miền Trung: 2 ca. Tính đến thời điểm này VN đã ghi nhận 1.004 ca nhiễm cúm A/H1N1, 1 trường hợp tử vong. Hiện vẫn còn 415 trường hợp đang được cách ly, điều trị tại các BV, cơ sở điều trị, giám sát cộng đồng.

Ông Nguyễn Văn Kính, Viện trưởng Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia, cho biết từ đầu mùa dịch đến nay, viện đã tiếp nhận 116 ca nhiễm cúm A/H1N1, hiện vẫn còn 35 ca đang được điều trị tại đây. Tuy nhiên, do lượng bệnh nhân đến khám và xét nghiệm tăng vọt trong những ngày gần đây nên sinh phẩm xét nghiệm cúm A/H1N1 đã sắp hết. TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cũng thông báo về tình trạng cạn kiệt sinh phẩm tại các viện vệ sinh dịch tễ trên toàn quốc. Hiện các đơn vị này chỉ còn lượng sinh phẩm phục vụ xét nghiệm trong vòng một tuần nữa. Ông Hiển cho biết mới đây, Tổ chức Y tế Thế giới đã cung cấp thêm 500 bộ test có độ chính xác tới 98,9%, có kết quả sau 15 phút thử nhưng tất cả cũng chỉ đủ dùng đến tháng 9. Cũng theo ông Hiển, tuần qua viện đã tiến hành tập huấn cho 15 tỉnh phía Bắc về kỹ thuật xét nghiệm bệnh phẩm cúm A/H1N1. Hiện các địa phương này đều đã có thể triển khai xét nghiệm nếu có đủ sinh phẩm.

Nguy cơ lây nhiễm chéo là rất cao

Tại Hà Nội, Trường Tiểu học Dân lập Đoàn Thị Điểm (Mỹ Đình II, quận Từ Liêm) là trường thứ 2 phát hiện có ca nhiễm cúm A/H1N1.

Trong ngày 5-8, BV Thống Nhất (TPHCM) đã có thêm 5 bác sĩ, điều dưỡng nhiễm cúm A/H1N1, nâng tổng số cán bộ y tế của BV nhiễm cúm A/H1N1 đến thời điểm này là 14 trường hợp. Đây cũng là BV đầu tiên cả nước có chùm ca cúm bị lây do tiếp xúc gần. Từ việc xuất hiện chùm cúm A/H1N1 tại BV Thống Nhất cho thấy một điều đáng quan ngại là nguy cơ lây nhiễm chéo của loại virus này ở cộng đồng, mà đối tượng dễ bị lây nhiễm là bác sĩ, điều dưỡng. Theo ghi nhận của chúng tôi tại một số khoa khám bệnh của các BV cho thấy nguy cơ lây nhiễm cúm A/H1N1 là rất cao. Theo bác sĩ Nguyễn Đại Biên, Trưởng khoa Khám BV Nhân dân 115, tại đây trung bình mỗi ngày tiếp nhận khoảng 1.200-1.400 người đến khám. Trước nguy cơ lây nhiễm này, BV đã yêu cầu tất cả bác sĩ và điều dưỡng của khoa mang khẩu trang khi tham gia khám bệnh, đồng thời thông báo cách phòng chống cúm cho tất cả những người đến khám. Ngoài ra, BV cũng đã chuẩn bị phòng khám, khu cách ly điều trị riêng cho bệnh nhân cúm A/H1N1. Bác sĩ Trần Dư Đông, Giám đốc BV quận 7, cũng cho biết ngoài tuân thủ nghiêm ngặt quy trình tiếp nhận, chăm sóc, điều trị bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1 chuyển về BV, hiện BV cảnh giác cao độ vấn đề lây lan chéo virus cúm A/H1N1 cho đội ngũ cán bộ tham gia công tác điều trị tại đây.

Trong sáng 05/8, ông Lê Trường Giang, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, đã chủ trì cuộc họp bàn về cách phòng chống và triển khai kế hoạch dự phòng cúm A/H1N1 trong giai đoạn mới. Hầu hết ý kiến của đại diện y tế dự phòng quận, huyện đều bày tỏ sự khó khăn trong công tác phòng chống dịch bệnh như: đơn vị thực hiện không đúng chức năng; cần huy động toàn xã hội, chính quyền đoàn thể tham gia chống dịch; tăng cường công tác truyền thông…

Ông Giang cho biết cho đến thời điểm này, việc phòng chống cúm A/H1N1 ngành y tế vẫn áp dụng thực hiện biện pháp giám sát, cách ly, kiểm dịch và điều trị. Tuy nhiên, hiện tình hình cúm đã chuyển sang giai đoạn mới nên chỉ thay đổi cách làm (giữ nguyên biện pháp). Theo ông Giang, trong thời gian tới, những ca nhiễm cúm A/H1N1 lẻ tẻ sẽ được cách ly điều trị tại nhà hoặc tại cơ sở y tế theo phân tuyến. Với những ổ dịch lớn sẽ được cách ly, điều trị tập trung. Song, vấn đề cốt lõi nhất được ông Giang nhấn mạnh là tại thời điểm này, làm sao phải giúp từng người dân có đủ kiến thức, trình độ, bản lĩnh… để tự ứng phó khi dịch phát tán một cách dữ dội nhất.

Tiêm vắc-xin cho 5 triệu người có nguy cơ

Trước nguy cơ dịch lây lan mạnh ra cộng đồng, Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn đã yêu cầu cơ quan chuyên môn lên kế hoạch sử dụng vắc-xin từ nay cho đến mùa đông năm 2009-2010, trước hết ưu tiên tiêm vắc-xin cho khoảng 5 triệu người có nguy cơ cao, trong đó sử dụng trước cho những người trực tiếp tham gia vào công tác chống dịch.

Thành lập Ban Chỉ đạo công tác y tế trường học

Bộ GD-ĐT vừa quyết định thành lập Ban Chỉ đạo công tác y tế trường học. Theo TTXVN, ban Chỉ đạo có nhiệm vụ phối hợp với Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống đại dịch cúm ở người triển khai những biện pháp cấp bách phòng chống cúm đại
dịch A/H1N1 trong các cơ sở giáo dục; đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc công tác chăm sóc, bảo vệ, giáo dục sức khỏe và phòng, chống các dịch bệnh trong các cơ sở giáo dục trên toàn quốc kịp thời và hiệu quả.

Theo Ngọc Dung – Nguyễn Thạnh (NLĐ)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *