Bên bờ hạnh phúc

Sau khi 2 đảng của người Shi’ite hợp nhất thành liên minh lớn nhất trong Quốc hội mới, Iraq đã đạt được một bước tiến đáng kể hướng tới chấm dứt tình trạng bế tắc kéo dài nhiều tuần hậu bầu cử để thành lập tân chính phủ. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, triển vọng ra đời một chính quyền Baghdad mới đang song hành cùng với nguy cơ tái diễn tình trạng bất ổn.

Thủ tướng Iraq Nuri al-Maliki

Theo một tuyên bố chung được công bố vào tối Thứ ba 04/05, Liên minh Nhà nước Pháp quyền (SOL) của đương kim Thủ tướng Iraq Nuri al-Maliki và Liên minh Quốc gia Iraq (INA) gồm chủ yếu là người Shi’ite đã nhất trí thành lập liên hiệp. Như vậy, hai tháng sau cuộc bầu cử ngày 07/03, hai khối này đã chấp nhận gạt bất đồng sang một bên để tiến hành hợp nhất với nhau.

Với tổng cộng 159 ghế trong Quốc hội, liên minh mới đang tiến gần tới khả năng thành lập tân chính phủ, vì Hiến pháp Iraq quy định, đảng nào chiếm đa số quá bán trong Quốc hội gồm 325 thành viên sẽ được trao quyền đó.

Tuy nhiên, giới phân tích cảnh báo việc hình thành liên minh mới này cũng làm dấy lên những quan ngại về tái diễn xung đột phe phái trong khi đây là điều mà người Iraq không bao giờ mong muốn. Theo nhận định, liên minh mới sẽ giúp thúc đẩy tiến trình thành lập chính phủ sắp tới, nhưng chắc chắn người dân Iraq sẽ coi đây là nguyên nhân khiến xung đột phe phái tái diễn.

Việc hình thành liên minh mới đã giáng một đòn nặng vào cựu Thủ tướng lâm thời Iyad Allawi. Khối “Iraqia List” của ông đã giành được 91 ghế trong cuộc bầu cử hồi Tháng ba, kế tiếp là SOL của ông al-Maliki với 89 ghế. Liên minh của cựu Thủ tướng Allawi đã giành được sự ủng hộ rất lớn của cả người Sunni lẫn những người Shi’ite theo đường lối thế tục trong cuộc bầu cử vừa qua.

Mặc dù ông Allawi tuyên bố sẵn sàng liên hiệp với các đảng khác về việc thành lập tân chính phủ, nhưng các cuộc đàm phán với Liên minh người Kurd và khối INA cho đến nay vẫn chưa mang lại kết quả cụ thể. Thậm chí, khối người Kurd có thể gia nhập liên minh mới của Thủ tướng al-Maliki. Trong trường hợp đó, ông Allawi sẽ hoàn toàn bị cô lập và không thể thành lập một liên minh chiếm đa số ghế trong Quốc hội.

Giống như chính phủ hiện nay gồm chủ yếu là người Shi’ite, chính phủ sắp tới sẽ tiếp tục do các chính khách người Shi’ite chi phối, nếu liên minh mới của Thủ tướng al-Maliki thành lập chính quyền. Ông Allawi đã nhiều lần cảnh báo nếu khối của ông bị loại khỏi tân chính phủ, tình trạng bạo lực phe phái sẽ tái diễn giống như thời kỳ đỉnh điểm vào những năm 2006 và 2007 trên khắp cả nước.

Giới phân tích cảnh báo, chủ nghĩa bè phái sẽ hủy hoại tương lai đất nước Iraq, khi người Sunni cảm thấy họ lại một lần nữa bị gạt ra bên lề chính trị, mặc dù họ đã tham gia đi bầu cử rất đông. Khi đó, có nguy cơ các nhóm nổi dậy sẽ lợi dụng sự thất vọng của người Sunni để kích động hận thù và chia rẽ dân tộc Iraq, nhằm đưa đất nước trở lại tình trạng bạo lực bè phái.

Theo các nhà quan sát, kể từ sau cuộc bầu cử ngày 07/03, những kẻ nổi dậy đã tận dụng khoảng trống quyền lực và phát động hàng loạt cuộc tấn công nhằm vào cả người Shi’ite và người Sunni. Theo nhận định, rõ ràng đây là hành động nhằm thổi bùng bạo lực phe phái và gây rối loạn tại đất nước đang bị chiến tranh tàn phá này.

Thanh Sang

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *