Bên bờ hạnh phúc

Các nhà lãnh đạo các nước Mỹ Latinh và Caribe vừa quyết định thành lập một tổ chức khu vực riêng không bao gồm hai người khổng lồ Mỹ và Canada. Đây được coi là bước ngoặt lớn, mở ra một chương mới trong quan hệ hợp tác và liên kết khu vực cũng như báo hiệu cuộc chia tay giữa Mỹ Latinh và Mỹ.

Sự ra đời của "Cộng đồng các nhà nước Mỹ Latinh và Caribe", được tuyên bố tại Hội nghị thượng đỉnh đoàn kết Mỹ Latinh và Caribe ở khu nghỉ mát Cancun, Mêxicô, sẽ tạo ra một không gian riêng, mang bản sắc riêng cho các quốc gia trong khu vực, đồng thời thừa hưởng di sản của Nhóm Rio và Cộng đồng Caribe (gọi tắt là CARICOM), đề cao nguyên tắc tôn trọng dân chủ, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các nước thành viên, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực, bảo vệ môi trường, nhân quyền và luật pháp quốc tế, kiến tạo hòa bình và an ninh khu vực.

Việc tổ chức này ra đời, dựa trên sáng kiến của Brazil và Mehico (hai nền kinh tế hàng đầu ở Mỹ Latinh), thể hiện ý chí và nguyện vọng của tất cả các nước trong khu vực, từng bị coi là "sân sau" của Mỹ, muốn có một "giải pháp thay thế" cho Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS) – thể chế được thành lập từ năm 1948 xoay quanh một trục chính là Mỹ.

OAS (gồm Mỹ, Canada và 33 nước Mỹ Latinh và Caribe) được xem là diễn đàn chính cho các vấn đề khu vực trong suốt nửa thế kỷ qua, song tổ chức này bị Washington chi phối quá nhiều.

Mỹ Latinh xem ra không còn muốn chờ đợi "một chương mới" trong quan hệ với Mỹ như Tổng thống Barack Obama từng hứa hẹn trong chiến dịch tranh cử tổng thống vừa qua. Sau những biểu hiện lấp lửng của chính quyền của ông Obama đối với khu vực này, Mỹ Latinh dường như đã sẵn sàng nói lời tạm biệt với Washington thông qua việc xúc tiến thành lập tổ chức khu vực mới.

Chủ tịch Cuba Raul Castro là một trong những nhà lãnh đạo đầu tiên hoan nghênh ý tưởng thành lập liên minh mới, coi đó là một bước tiến quan trọng trong lịch sử hướng tới xây dựng một "tổ chức khu vực hoàn toàn do Mỹ Latinh và Caribe, của Mỹ Latinh và Caribe và vì Mỹ Latinh và Caribe". Tổng thống Venezuela Hugo Chavez khẳng định: "Cần loại bỏ hoàn toàn sự thống trị của Mỹ trên lục địa này".

Từ lâu, nhiều nhà lãnh đạo ở Mỹ Latinh và Caribe đã kêu gọi thành lập một tổ chức mới không bị thống trị bởi lợi ích của hai nước láng giềng giàu có ở Bắc Mỹ. Điều đó thể hiện rõ trong tuyên bố của Tổng thống Mexico rằng, tổ chức mới "sẽ ưu tiên khuyến khích hội nhập khu vực và xây dựng một chương trình nghị sự thống nhất, tạo nên một danh tính Mỹ Latinh và Caribe trên toàn cầu".

Nếu như trước đây, vì nhiều lý do như những vấn đề chính trị nội bộ hay bản chất mối quan hệ với các đối tác bên ngoài (đặc biệt là Mỹ) khác nhau, các nước Mỹ Latinh thường xuyên bất đồng quan điểm và phân chia bè phái, song, sự bất đồng đó dường như đã được các nhà lãnh đạo khu vực gác sang một bên để ưu tiên cho dự án liên kết mới đầy triển vọng. Điều đó có thể thấy rõ qua sự ủng hộ mà các chính phủ Mỹ Latinh dành cho Achentina trong cuộc tranh chấp với Anh về chủ quyền quần đảo Malvinas. Xa hơn thế, họ dường như đã nhận thức được rằng, nếu muốn liên kết khu vực thực sự, trước hết phải hậu thuẫn lẫn nhau.

Những trải nghiệm hàng chục năm qua cho thấy, không thể dựa dẫm vào OAS hay hy vọng nhiều vào Mỹ để giải quyết các vấn đề của khu vực. Việc thành lập tổ chức mới sẽ mất nhiều thời gian và gặp nhiều thách thức. Dù đã đạt được sự nhất trí về một số vấn đề của khu vực, song giữa các nước Mỹ Latinh vẫn tồn tại những bất đồng lớn, trong đó có việc công nhận chính phủ của tân Tổng thống Honduras Porfirio Lobo, người chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 11/2009 sau cuộc đảo chính hồi giữa năm ngoái và những mâu thuẫn xung quanh việc Colombia cho phép Mỹ sử dụng ít nhất 7 căn cứ quân sự của nước này. Vì thế, các nhà quan sát cho rằng, nếu không tiếp tục nỗ lực giảm bớt bất đồng và xóa bỏ những khác biệt, việc liên kết khu vực thông qua tổ chức mới ở Tây Bán cầu sẽ còn đối mặt với nhiều khó khăn.

THVL

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *