Bên bờ hạnh phúc

Nghị quyết mới của Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc trừng phạt Iran đã được thông qua với 12 phiếu ủng hộ, 2 phiếu chống và 1 phiếu trắng. Tuy chẳng mấy ai tin động thái này sẽ khiến Iran lập tức từ bỏ chương trình hạt nhân gây tranh cãi của mình. Song, có lẽ các “kiến trúc sư” của nghị quyết đang hy vọng, nó sẽ tạo ra sức ép đủ mạnh để Tehran ngồi vào bàn đàm phán.

Tehran dường như không nao núng trước áp lực ngày càng mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế thông qua các nghị quyết trừng phạt liên tiếp

Nghị quyết mới là lệnh trừng phạt thứ 4 và cũng là nghị quyết nghiêm khắc nhất từ trước tới nay dành cho Iran. Nghị quyết trên do Mỹ soạn thảo và nêu rõ, Iran bị cấm theo đuổi mọi hoạt động liên quan tới tên lửa đạn đạo có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, không được đầu tư vào các hoạt động như khai thác uranium, cấm mua 8 loại vũ khí hạng nặng trong đó có máy bay trực thăng chiến đấu, tên lửa, xe tăng, xe bọc thép…

Nghị quyết cũng đưa thêm 40 thực thể vào danh sách những cá nhân và tổ chức bị phong tỏa tài sản và bị hạn chế đi lại, trong đó có Giám đốc Tổ chức Năng lượng nguyên tử Iran Javad Rahiqi.

Từ lâu, Tehran dường như không nao núng trước áp lực ngày càng mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế thông qua các nghị quyết trừng phạt liên tiếp. Có vẻ là càng cấm vận, Iran càng mở rộng đáng kể hoạt động làm giàu uranium và có thể đang tiến gần hơn tới chương trình sản xuất vũ khí hạt nhân bị nghi ngờ.

Năm 2009, Iran đã công bố năng lực của các cơ sở làm giàu uranium ở cấp độ cao, thử nghiệm công nghệ tên lửa tầm xa đã được nâng cấp và bắt đầu lắp đặt thêm các máy ly tâm. Tehran bảo vệ chương trình hạt nhân của mình và có những tuyên bố đầy thách thức. Lần này cũng không ngoại lệ khi Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad tuyên bố rằng: “Nghị quyết là vô giá trị và không ảnh hưởng gì tới người dân Iran”. Trước đó, ông Mahmoud Ahmadinejad đe dọa sẽ đóng cánh cửa thương lượng nếu Nghị quyết được thông qua.

Như vậy, rõ ràng cấm vận chỉ là giải pháp tạm thời giúp kìm hãm chương trình hạt nhân của Iran. Do đó, Nghị quyết mới vẫn mở cánh cửa thương lượng ngoại giao và tránh để các điều khoản trừng phạt đi quá giới hạn của một nghị quyết của Hội đồng bảo an như không đề cập tới sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực và tránh các điều khoản ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân Iran.

Đã 3 nghị quyết trừng phạt Iran của Hội đồng bảo an được thông qua mà không thu được kết quả đáng kể nào. Các chính quyền Mỹ nối tiếp nhau đều chủ trương và đề xuất lệnh trừng phạt đối với Iran nhưng đều thất bại. Rõ ràng, Mỹ đã gặp phải khó khăn, thậm chí bế tắc trong vấn đề hạt nhân Iran. Vì vậy, Washington không còn cách nào hơn là phải tiếp tục theo đuổi đường lối ngoại giao để giải quyết vấn đề, trong khi vẫn tiếp tục kêu gọi sự đồng thuận của thế giới đối với giải pháp cấm vận cứng rắn hơn. Và kèm theo đó là lời đe dọa sẽ sử dụng giải pháp quân sự nếu thấy cần thiết.

So với những lần trước, lần này Washington không gặp phải nhiều trở ngại khi thuyết phục các nước ủng hộ Nghị quyết mới trừng phạt Iran. Cả Nga và Trung Quốc, hai nước trước đây luôn phản đối tăng cường trừng phạt Iran cũng đã thay đổi quan điểm. Đây không chỉ còn là việc Bắc Kinh và Matxcơva mất kiên nhẫn mà nghiêm trọng hơn, các động thái thách thức của Iran đã khiến cho Nga và Trung Quốc thực sự lo ngại chương trình hạt nhân của nhà nước Hồi giáo.

Chỉ có hai nước bỏ phiếu chống Nghị quyết là Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ. Hai nước này vừa ký một thỏa thuận hạt nhân với Iran nên không thể thông qua Nghị quyết được xem là quyền chi phối luôn thuộc về các nước lớn. Washington và nước đồng minh cho rằng, thỏa thuận đó chưa đủ để tạo được lòng tin của cộng đồng quốc tế đối với Iran và đó chỉ là chiến lược trì hoãn nhằm tránh lệnh trừng phạt của Tehran.

Thực ra, trong bối cảnh bế tắc hiện nay, Mỹ và các nước đồng minh có thể coi thỏa thuận này là một sự đóng góp thêm một giải pháp cho nỗ lực giải quyết cuộc tranh cãi hạt nhân Iran. Nhưng dường như các nước lớn này luôn có quyền quyết định và chi phối mặc dù không phải lúc nào họ cũng thành công.

Trong khi nghị quyết trừng phạt mới được thông qua thì gói khuyến khích kinh tế và năng lượng dành cho Iran do nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) đề xuất để đổi lấy việc ngừng làm giàu uranium tiếp tục được để ngỏ. Diễn tiến của cuộc tranh cãi hạt nhân lúc này phụ thuộc hoàn toàn vào thái độ của Tehran.

Thu Thủy

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *