Bên bờ hạnh phúc

Theo tuần báo "Al-ahram" ra ngày 11/3 vừa qua, cho dù cuộc bầu cử quốc hội Iraq đã kết thúc, song chưa chắc nước này sẽ sớm thành lập được chính phủ. Bầu cử lần này được coi là phép thử then chốt giúp Iraq vượt qua chủ nghĩa bè phái gây chia rẽ đất nước từ năm 2003.

Người dân Iraq tham gia bầu cử

Đã nhiều lần bị trì hoãn do những bất đồng về mối quan hệ của các ứng cử viên với chế độ của cựu Tổng thống Saddam Hussein, bầu cử còn bị chi phối bởi những cáo buộc gian lận và vi phạm qui định bầu cử. Nói chung, cuộc bầu cử lần này đã minh họa ra mức độ khó khăn mà người dân Iraq đã phải đối mặt để bỏ lại phía sau bảy năm xung đột phe phái và sắc tộc.

Kết quả bầu cử chính thức hiện vẫn chưa được công bố, song, các kết quả sơ bộ cho thấy, Liên minh Nhà nước Pháp luật, do Thủ tướng người Shi’ite Nuri Al-Maliki lãnh đạo, đang chiếm ưu thế so với hai đối thủ chính là Liên minh Quốc gia Iraq của người Shi’ite và Liên minh người Iraq Sunni của cựu Thủ tướng Iyad Allawi theo chủ trương phi phe phái.

Cuộc tranh giành quyền lực chính trị quyết liệt là điều không thể tránh khỏi và người Irắc đang đứng trước một ngã ba đường nguy hiểm. Có thể họ sẽ hòa giải để củng cố nền dân chủ non nớt của Iraq, hoặc có thể càng lún sâu hơn vào sự chia rẽ sắc tộc và phe phái giữa người Shi’ite, Sunni và người Cuốc – vốn là nguyên nhân gây rạn nứt đất nước. Bất chấp những đe dọa làm gián đoạn cuộc bầu cử, phe nổi dậy người Sunni vẫn không thể ngăn được đông đảo cử tri đi bỏ phiếu. Thế nhưng, lực lượng này sẽ là thách thức chính. Họ có thể dễ dàng thổi bùng bạo lực trong trường hợp chính phủ mới không thể thành lập được, đẩy đất nước vào một cuộc nội chiến tổng lực.

Báo "Al-ahram" cho rằng, sự chia rẽ giữa những người Cuốc có thể làm suy yếu vai trò của hai chính đảng của họ, khiến họ nêu lên yêu sách sắc tộc về các vấn đề quan trọng khác. Người Arập Sunni – được người Thổ và thậm chí một số người Shi’ite hậu thuẫn – có khả năng sẽ chống lại tham vọng của người Cuốc ở tỉnh Kirkuk, khiến cho sự chia rẽ giữa người Cuốc-Arập ngày càng sâu sắc hơn, gây khó khăn cho việc sắp xếp một liên minh cân xứng về sắc tộc.

Bế tắc kéo dài trong việc thành lập chính phủ cũng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới kế hoạch của Washington về việc rút một nửa số lính Mỹ khỏi Iraq trong vòng 5 tháng tới. Về lâu dài, để đảm bảo lợi ích chiến lược của Mỹ tại Iraq và khu vực, Washington muốn một chính phủ thân Mỹ được dựng lên ở Bagdad để sẵn sàng giúp Washington gây áp lực với Iran. Tuy nhiên, vòng xoáy bạo lực phe phái do sự trì hoãn thành lập chính phủ mới ở Iraq còn tác động tới khu vực. Iran chắc chắn sẽ can thiệp để ngăn người Arập Sunni quay trở lại nắm quyền.

Trong khi đó, các chính phủ Arập Sunni muốn được lợi từ việc kiềm chế các nhóm chính trị người Shi’ite và làm suy yếu mối liên kết của họ với Iran. Đối với các nước Arập như Arập Xêút, Jordanie và Ai Cập, kịch bản dễ xảy ra nhất là liên minh của ông Allawi nắm quyền điều hành Iraq. Liên minh này chủ yếu gồm những người theo chủ nghĩa dân tộc Arập, vốn coi Iran là một mối đe dọa. Iraq sẽ lại trở thành "Cánh cổng phương Đông" của thế giới Arập, và Baghdad sẽ trở thành trung tâm trong việc giúp kiềm chế Iran.

Quốc Trung

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *