Bên bờ hạnh phúc

Trong khi hàng ngàn đám cháy dữ dội lan khắp nước Nga suốt nhiều tuần qua đã có dấu hiệu thuyên giảm, cả nước bắt đầu suy ngẫm về nguyên nhân và bài học của thảm họa chưa từng thấy này. Đợt nóng tồi tệ nhất trong vòng 130 năm qua được cho là “thủ phạm” đầu tiên. Ngoài ra, hỏa hoạn cũng đã khiến bộc lộ nhiều thiếu sót trong hệ thống quản lý rừng và khả năng ứng phó thảm họa ở quốc gia này.

Ảnh minh họa

Nhận thức chưa đầy đủ của người dân về bảo vệ rừng, việc thiếu nhân lực và thiết bị phòng chống cháy và trên hết là việc thiếu một kế hoạch hành động của cả nước hay một cơ quan độc lập chuyên về quản lý rừng là những chủ đề được người Nga tranh luận sôi nổi trong những ngày gần đây.

Ngoài hơn 50 người thiệt mạng, hơn 2.000 ngôi nhà bị thiêu rụi, hỏa hoạn và hạn hán cũng khiến nước Nga mất tới 1/3 sản lượng thu hoạch lúa mì năm nay và chính phủ phải cấm xuất khẩu, dẫn đến tình trạng giá bột mì trên thế giới tăng kỷ lục.

Các quan chức Bộ Tình trạng Khẩn cấp Nga chỉ ra rằng, những thiếu sót của con người là nguyên nhân chính đằng sau những đám cháy lan rộng và kết luận nguyên nhân của từ 70 đến 80% số vụ cháy năm nay là do con người gây ra. Người Nga thích tới các khu rừng để cắm trại, săn bắn, hoặc hái nấm và hoa quả. Nhiều người đã không thận trọng khi sử dụng lửa. Đội phòng chống cháy rừng của Nga chủ yếu được tuyển từ Bộ Tình trạng Khẩn cấp, nhưng nhiều người thiếu kinh nghiệm hoặc không có những kỹ năng cần thiết. Nhiều khu vực thiếu máy bay để chữa cháy và nhân viên khẩn cấp hầu như không làm gì được nếu đám cháy lan rộng. Ở các khu vực nông thôn dân cư thưa thớt, nhiều khu rừng không được quản lý. Vì hầu hết thanh niên chuyển ra thành phố sinh sống, công tác phòng chống cháy rừng ở các làng mạc rất yếu kém.

Ngoài ra, nước Nga đã phản ứng một cách yếu ớt với những đám cháy do thiếu hệ thống quản lý rừng thống nhất trên cả nước và thiếu một cơ quan bảo vệ rừng độc lập ở cấp liên bang. Năm 2000, Chính phủ Nga đã giải tán Cơ quan quản lý Rừng Liên bang độc lập và việc quản lý rừng được giao cho Bộ Tài nguyên Thiên nhiên.

Ngân sách cho lĩnh vực này đã bị cắt giảm đáng kể, dẫn đến tình trạng 60.000 trên tổng số 80.000 công nhân nghề rừng không có việc làm. Từ đó, nhiều khu rừng không có người chăm sóc.

Từ năm 2003, một loạt luật mới về rừng đã được thông qua; trách nhiệm quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được giao cho các nhà lãnh đạo và chính quyền địa phương. Những bộ luật này chú trọng mục tiêu chính là thu hút vốn đầu tư và thúc đẩy xuất khẩu gỗ. Kết quả là công việc bảo vệ rừng bị phớt lờ.

Nhận thức rõ vấn đề này, Thủ tướng Nga Vladimir Putin vừa thông báo tái lập Cơ quan Rừng Liên bang như một cơ quan độc lập chịu trách nhiệm thực hiện quyền tự quản lý rừng. Bộ Tình trạng Khẩn cấp cũng thông báo một kế hoạch thành lập một đội tự nguyện phòng chống cháy quốc gia. Các vụ cháy rừng cũng khiến người Nga phải suy nghĩ nghiêm túc về tình trạng thay đổi khí hậu, một chủ đề vốn không được đông đảo dân chúng sống tại quốc gia có khí hậu lạnh này quan tâm.

Trong khi đó, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev gần đây cũng đã thúc giục cộng đồng quốc tế thực hiện những biện pháp hữu hiệu hơn trong việc xử lý tình trạng ấm dần toàn cầu. Những nhận xét của ông được các nhà quan sát coi là sự thay đổi lớn về thái độ của Chính phủ Nga trong vấn nạn này của thế giới.

Quốc Trung

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *