Bên bờ hạnh phúc

Cuộc khủng hoảng ngân sách và nợ công ở Hy Lạp xem như tạm thời đã được giải quyết, nhưng dường như sẽ còn có những cuộc khủng hoảng tiếp theo. Như vậy, cần phải làm thế nào Liên minh Châu Âu EU có thể phản ứng nhanh và tốt hơn đối với nguy cơ vỡ nợ của một số thành viên trong tương lai?

Ảnh minh họa

Theo Tạp chí Tấm gương của Anh, bài học rút ra được từ cuộc khủng hoảng Hy lạp là phải kiểm soát nợ nghiêm ngặt hơn, trừng phạt nghiêm khắc hơn và tăng cường quyền lực cho cơ quan thống kê.

Thủ tướng Đức Angela Merkel dự định đưa vào áp dụng những quy chế cứng rắn hơn. Trong trường hợp cần thiết, bà muốn tước bỏ quyền biểu quyết của các thành viên khu vực đồng tiền chung eurozone – cho dù chỉ trong một thời gian nhất định. Cả Ngoại trưởng Guido Westerwelle cũng cho soạn thảo một kế hoạch trong Bộ Ngoại giao nhằm phản ứng với một cuộc khủng hoảng trong khu vực đồng euro trong tương lai. Điều cốt lõi là nhằm ngăn chặn khối này trở thành liên minh chuyển giao tiền tệ. Bộ trưởng Tài chính Wolfgang Schaeuble và Bộ trưởng Kinh tế Rainer Bruederle thì muốn có những quy chế cho một cuộc vỡ nợ nhà nước có trật tự bởi vấn đề không chỉ là những biện pháp về chính sách tài chính.

Trong một bài phân tích đăng tải trên trang web mới đây, Tạp chí Tấm gương nêu ra 6 ví dụ cho thấy những chỗ cần thiết phải sửa đổi:

Một là, các nước khu vực đồng euro phải hỗ trợ cho nhau nhanh chóng hơn. Việc Đức lúc đầu nói không, sau lại đồng ý hỗ trợ khiến thị trường tài chính mất niềm tin và lãi suất cho vay bị đẩy lên tới trên 15%. Theo các chuyên gia kinh tế, điều này có thể gây thiệt hại cho Hy Lạp nhiều hơn cả lỗ thủng ngân sách. Nếu khu vực đồng euro sẵn sàng buông Hy Lạp thì nguy cơ xảy ra phản ứng dây chuyền là rất lớn, vì các nhà đầu cơ sẽ nhanh chóng tìm mục tiêu tiếp theo, đó sẽ là Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha, mặc dù tình hình tài chính ở hai nước này khá hơn nhiều so với Hy Lạp.

Hai là, không thể tiếp tục mở rộng EU và khu vực đồng euro như hiện nay, đồng thời phải thẩm tra phải kỹ lưỡng hơn trước đây. Danh sách những ứng viên muốn lưu hành đồng euro rất dài, từ Iceland vốn đang mắc nợ, đến các nước như Rumanie, Bulgarie, rồi Đan Mạch…

Theo dự kiến, trong tháng 5 này, Ủy ban Châu Âu theo sẽ đề xuất đưa Estonia trở thành thành viên 17 của khu vực đồng euro, nhưng có lẽ việc này nên hoãn lại. Trường hợp Hy Lạp chính là một sự cảnh báo: nước này từng che giấu những số liệu để được gia nhập khu vực đồng euro. Vì vậy, phải sớm cho phép cơ quan thống kê châu Âu Eurostat kiểm tra các số liệu của các nước thành viên chặt chẽ hơn so với hiện nay.

Ba là, phải có những quy định rõ ràng về sự phá sản nhà nước, mặc dù đây là một điều cấm kỵ. Tại châu Âu, điều này đã từng xảy ra ở Ba Lan hồi năm 1981, Bulgarie vào năm 1990 và Nga hồi năm 1998. Khi đó, những vấn đề nảy sinh đã được giải quyết theo kiểu tùy hứng trong khi thị trường toàn cầu cần có những quy định rõ ràng và một bộ luật về phá sản nhà nước sẽ góp phần trấn an lòng tin của thị trường.

Bốn là, Châu Âu cần có một quỹ tiền tệ riêng. Từ lâu, Pháp đã muốn có một chính phủ kinh tế châu Âu thống nhất, nhưng Đức kịch liệt phản đối. Một trong những vấn đề chính của khu vực đồng euro là sự khác biệt về năng suất lao động cũng như những trường phái khác nhau về kinh tế quốc dân. Các nước khu vực đồng euro phải chia tay với một giáo điều là các nước euro không nên hỗ trợ lẫn nhau. Việc hỗ trợ Hy Lạp trên thực tế sẽ là hoạt động của một quỹ tiền tệ châu Âu trong tương lai.

Năm là, phải trừng phạt nghiêm khắc những nước vi phạm Hiệp ước Ổn định và Tăng trưởng, theo đó công nợ của các nước thành viên không được vượt quá 60% trên GDP, cũng như thâm hụt ngân sách không được vượt quá 3% so với GDP. Nước nào vi phạm sẽ bị trừng phạt.

Sáu là, phải xem xét lại vai trò của thị trường tài chính. Những nhà đầu cơ đã đặt cược việc Hy Lạp sẽ phá sản, khiến những vấn đề của nước này trở nên trầm trọng hơn. Điều đó đã khiến lãi suất cho vay tăng vọt đến mức Chính quyền Athens không thể vay được tiền từ thị trường tài chính thông qua phát hành trái phiếu chính phủ.

Quốc Trung

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *