Bên bờ hạnh phúc

Cuộc chính biến ở Kyrgyzstan được coi là kết cục tất yếu từ những “thành quả” của Cách mạng Tulip. Trước hết, đó là sự mâu thuẫn giữa các đảng phái trên chính trường xung quanh việc sửa đổi Hiến pháp. Các cuộc biểu tình liên tiếp nổ ra phản đối việc cựu Tổng thống Kurmanbek Bakiyev nhiều lần giải tán chính phủ và sửa đổi Hiến pháp.

Cuộc nỗi dậy đẫm máu tại Kygyzstan

Đến tháng 11/2006, Quốc hội Kyrgyzstan thông qua việc sửa đổi Hiến pháp mới. Theo đó, quyền lực của Tổng thống bị thu hẹp, còn quyền lực Quốc hội được mở rộng. Ngay sau đó, ông Bakiyev thành lập ủy ban sửa đổi Hiến pháp mới, gây áp lực buộc Quốc hội thông qua bản sửa đổi Hiến pháp mới, thu hồi quyền lực vốn có và thực tế là quay trở lại chế độ như thời cựu Tổng thống Akayev.

Năm 2007, ông Bakiyev thông báo ý định thành lập một đảng cầm quyền và trong cuộc bầu cử tháng 12/2007, đảng cầm quyền có tên Ak Zhol, nhận được 74 ghế trong 90 ghế tại Quốc hội, nhưng phe đối lập tố cáo Ak Zhol đã không thể đạt được thành tích này nếu không có sự “giúp đỡ” của các ủy ban bầu cử.

Nền kinh tế kém phát triển là nhân tố quan trọng làm bùng nổ cuộc chính biến. Cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008 đã khiến tổng sản phẩm quốc nội của Kyrgyzstan giảm gần 3%, lạm phát tăng 20%, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao đến 17%.

Thêm vào đó, Kyrgyzstan luôn phụ thuộc nguồn khí đốt từ các nước láng giềng và mùa đông lại thường bị cắt nguồn cung khí đốt cũng như dầu mỏ nên chính phủ phải tăng giá điện khiến người dân Kyrgyzstan vốn khó khăn càng khó khăn hơn. Sự bất mãn và chống đối tích tụ thành thùng thuốc súng và chỉ cần một tia lửa là nó nổ tung.

Cách đây 5 năm, cuộc Cách mạng Tulip nổ ra ở Kyrgyzstan, theo những diễn biến và hoàn cảnh giống với cuộc Cách mạng Cam từng diễn ra ở Ukraine và Cách mạng Hoa Hồng ở Gruzia với sự hậu thuẫn của phương Tây. Các lãnh đạo của Ukraine, Gruzia và Kyrgyzstan đều thành công trong cuộc cách mạng màu của mình nhờ lá bài thân phương Tây với những lời hứa sẽ tạo lập một nền dân chủ kiểu phương Tây.

Nhưng nay, vì vấn đề nội tại của các chính phủ cầm quyền cùng sự thất vọng của những người từng say sưa với ảo tưởng của cách mạng màu và những lời hứa hẹn dân chủ của phương Tây, nên các nước cùng đi vào ngõ cụt với các hình ảnh giống nhau: kinh tế ảm đạm, nợ nước ngoài hàng tỷ USD, lạm phát lên tới 2 con số…

Các nhà quan sát quốc tế đánh giá, cuộc chính biến lần này có thể khiến Kyrgyzstan xích lại gần Nga hơn vì lãnh đạo Chính phủ lâm thời Kyrgyzstan – bà Otunbayeva vốn thân Nga. Ngay sau cuộc chính biến, bà Otunbayeva đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Nga Vladimir Putin và đề nghị ông Putin viện trợ nhân đạo cho Kyrgyzstan.

Hãng AFP đưa tin, ông Almazbek Atambyaev, đại diện Chính phủ lâm thời Kyrgyzstan, ngày 9/4 đã tới Matxcơva để đàm phán về việc Nga hỗ trợ tài chính và kinh tế cho Kyrgyzstan. Tuy nhiên, cố vấn cấp cao Nhà Trắng về các vấn đề liên quan đến Nga Michael McFaul và ngay chính Tổng thống bị lật đổ Bakiyev cũng tuyên bố rằng, không có bàn tay của Nga trong cuộc chính biến này, như một số người lầm tưởng.

Như vậy, rõ ràng những gì đang diễn ra ở đất nước Trung Á này đều xuất phát từ tình hình nội tại, từ nguyện vọng của nhân dân: muốn một chính phủ đặt lợi ích nhân dân lên trên hết và từ đó mới hoạch định chính sách kinh tế, xã hội và đối ngoại.

Thanh Sang

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *