Bên bờ hạnh phúc

Sau nhiều nỗ lực của cộng đồng quốc tế, ngày 08/03, Palestine và Israel đã bắt đầu cuộc đàm phán hòa bình gián tiếp dưới vai trò trung gian của Đặc phái viên Mỹ về Trung Đông George Mitchell. Đây là cuộc đàm phán đầu tiên giữa Palestine và Israel kể từ tháng 12/2008, vì vậy được đánh giá là "bước khởi động mới" cho tiến trình hòa bình Trung Đông vốn bế tắc lâu nay.

Việc Israel và Palestine tiên hành đàm phán hòa bình gián tiếp là bước khởi động mới cho hòa bình Trung Đông

Nhật báo Ha’aretz của Israel dẫn lời ông Mitchell cho biết, các bên đã bắt đầu thảo luận về cơ cấu và quy mô của cuộc hòa đàm. Ông cũng bày tỏ hy vọng cuộc đàm phán gián tiếp này sẽ sớm mở đường cho các cuộc đàm phán trực tiếp. Vì vậy, ông sẽ quay lại Trung Đông vào tuần tới.

Phát biểu tại Jerusalem ngay sau cuộc gặp với ông Mitchell, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hoan nghênh "bước khởi động mới" và hy vọng các cuộc đàm phán trực tiếp sẽ sớm diễn ra nhằm thúc đẩy hòa bình thực sự trong khu vực. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng, đàm phán sẽ chỉ thành công nếu người Palestine công nhận Israel là một Nhà nước Do Thái và an ninh của Israel được đảm bảo.

Cuộc đàm phán diễn ra một ngày sau khi Phó Tổng thống Mỹ Josepth Biden tới Israel trong chuyến công du nước này và các vùng lãnh thổ Palestine. Ông Biden nhấn mạnh rằng, vấn đề then chốt là hai bên ngồi vào bàn đàm phán với thái độ tích cực.

Ông khẳng định: "Nếu đàm phán có tiến triển, các bên có thể vượt qua được bất đồng và chấm dứt xung đột". Tuy nhiên, một số nhà quan sát cho rằng, tuy Palestine và Israel đã tiến hành đàm phán gián tiếp, song đây là cuộc đàm phán khó khăn vì hai bên vẫn trong tâm trạng hoài nghi lẫn nhau.

Trong các nỗ lực ngoại giao có liên quan, nhóm Bộ Tứ về hòa bình Trung Đông gồm Liên hiệp quốc, Liên minh châu Âu EU, Mỹ và Nga đã lên kế hoạch nhóm họp tại Mátxcơva vào ngày 19/3 tới. Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon bày tỏ hy vọng, cuộc họp này sẽ giúp đẩy nhanh thời điểm mở các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Israel và Palestine. Tổng thư ký cũng cho biết, nhân dịp tới dự Hội nghị thượng đỉnh Liên đoàn Ảrập, dự kiến diễn ra vào ngày 27/3 tới tại Libi, ông sẽ có các cuộc gặp song phương với giới lãnh đạo Ảrập cũng như có các cuộc họp nhóm nhằm thúc đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông.

Phản đối quyết định của Israel "bật đèn xanh" cho việc xây dựng 112 căn nhà mới tại một khu định cư dành cho người Do Thái ở Bờ Tây, hôm 8/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Philip Crowley đã bày tỏ sự "không hài lòng" và nhấn mạnh rằng, việc này có thể được hiểu là một "sự khiêu khích", đe dọa toàn bộ tiến trình hòa bình.

Về phần mình, Trưởng đoàn đàm phán hòa bình của Palestine Saeb Erekat cáo buộc, Israel thông qua hành động này để cố ý phá hoại các cuộc đàm phán ngay từ khi mới bắt đầu. Trong khi đó, cùng ngày, Tổng thư ký Liên đoàn Ảrập Arm Moussa tố cáo hành động của Israel là tín hiệu xấu đối với những nỗ lực khôi phục tiến trình hòa bình Trung Đông.

Hồng Hậu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *