Bên bờ hạnh phúc

Giới phân tích quốc tế đánh giá kinh tế thế giới năm 2010 là “Năm gồm 2 nửa khác nhau”. Trong đó, nửa đầu năm 2010, kinh tế thế giới có tốc độ phát triển tương đối tốt, nhưng nửa cuối năm 2010, kinh tế thế giới, đặc biệt là các nền kinh tế phát triển, lại đi xuống do tác động tiêu cực từ việc rút các gói kích thích kinh tế và sự phục hồi thiếu vững chắc của phần lớn các nền kinh tế phát triển.

Vẫn còn nhiều rủi ro trong 6 tháng còn lại

Trong 6 tháng cuối năm 2010, đối với các nước phát triển, tăng trưởng đang chậm lại do tích trữ giảm, các gói kích thích được thu hồi để giảm nhiệt nền kinh tế, trong khi cầu trong nước chưa đủ mạnh để bù đắp sự suy yếu từ bên ngoài. Các chỉ số và dữ liệu tăng trưởng đã bắt đầu chậm lại trong quý 2 và sẽ chậm hơn nữa trong 6 tháng cuối năm 2010.

Theo Tổ chức Roubini Global Economics (RGE), tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội GDP toàn cầu năm 2010 sẽ đạt 4%. GDP của các nền kinh tế phát triển, mà dẫn đầu là Mỹ và các nước giàu ít nợ khác sẽ tăng trưởng 1,9%. GDP của Nhật Bản sẽ tăng trưởng 2,2%. Anh và các nước khu vực đồng Euro sẽ tăng trưởng chậm hơn với tỷ lệ 1,1% và 0,9%.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ giảm dần trong năm 2011. Tăng trưởng của các nước Bắc Âu, Canada và Australia sẽ phụ thuộc hơn vào nhu cầu nội địa bởi nhu cầu từ bên ngoài vẫn đang còn khá thấp từ năm 2010 và những năm tiếp theo.

Các nền kinh tế đang phát triển sẽ tăng trưởng tốt, tiêu biểu là châu Á và Mỹ La-tinh với tỷ lệ tăng trưởng lần lượt là 8,5% và 5% trong năm 2010, nhưng tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế này sẽ giảm xuống còn 7% vào năm 2011.

Sự phục hồi của các nền kinh tế đang diễn ra với nhiều tốc độ khác nhau, trong đó, phần lớn các nền kinh tế phát triển đều hồi phục theo dạng chữ “U”, kinh tế Nhật Bản và khu vực đồng Euro phục hồi theo dạng hình chữ “L”, các nền kinh tế đang phát triển phục hồi khá mạnh mẽ theo hình chữ “V” nhưng vẫn sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng bởi sự điều chỉnh cơ cấu của các nền kinh tế phát triển.

Tuy nhiên, chính sự phục hồi với nhiều tốc độ khác nhau của mỗi nước và khu vực khiến kết hợp các chính sách kinh tế vĩ mô gặp nhiều thách thức, các chiến lược để giải quyết vấn đề này tiếp tục khó thống nhất và nguy cơ các chính sách bị đình trệ là rất cao.

Đối với nhóm các quốc gia chuyên đầu tư và xuất khẩu, tăng trưởng và thu nhập sẽ tiếp tục do các nước có cầu tiêu dùng cao quyết định. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, các quốc gia chuyên tiêu dùng lại buộc phải giảm bớt nhu cầu, do vậy sẽ có nguy cơ thừa cung. Sự phục hồi mong manh càng bị suy yếu bởi các chính sách củng cố tài chính của nhiều quốc gia.

Lo ngại về lạm phát ở các nước đang phát triển và giảm phát ở các nước phát triển vẫn hiện hữu. Trong khi Mỹ thấp thoáng suy thoái, thì lo ngại về Liên minh châu Âu EU và sự điều chỉnh tỷ giá hối đoái gần đây của Trung Quốc cũng không giúp được nhiều trong bình ổn chính sách, đặc biệt khi nhu cầu trong nước và quốc tế đều suy giảm.

Liên quan đến vấn đề này, một đại diện Quỹ Đầu tư Temasek-Singapore nhấn mạnh, có nhiều khả năng kinh tế thế giới sẽ phục hồi theo hình chữ W, tức là sẽ có một lần chạm đáy nữa, dự kiến vào quý 3, nhưng đáy mới sắp tới sẽ không sâu như đáy lần trước.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là nếu lần khủng hoảng 2008 – 2009 được giải cứu chủ yếu bằng các gói kích thích kinh tế, thì lần này giải pháp đó xem ra không có tính khả thi vì hiện tại cả thế giới vẫn đang phải “thu dọn” những hậu quả do các gói giải pháp đó gây ra. Đại diện Temasek nhận định, trong vài năm tới, vấn đề chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch sẽ không sớm được gạt bỏ.

Thanh Sang

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *