Bên bờ hạnh phúc

Khi 649/650 ghế trong Quốc hội Anh được xác định sau cuộc bầu cử ngày 06/05, đảng Bảo thủ đối lập đạt kết quả cao nhất. Tuy nhiên, với 306 ghế giành được, (tức tăng 97 ghế so với cách đây 5 năm), đảng này vẫn còn thiếu 20 ghế nữa mới có thể chiếm thế đa số cần thiết để trở thành đảng cầm quyền.

Đảng Bảo thủ của ông Cameron (trái) hiện đang dẫn dầu, nhưng chưa đủ 326 phiếu cần thiết để giành thế đa số trong quốc hội

Trong khi đó, Công đảng của Thủ tướng Gordon Brown chỉ giành được 258 ghế, (tức giảm đến 91 ghế so với cuộc bầu cử hồi năm 2005) và đảng Dân chủ Tự do giành được 57 ghế. Như vậy, không đảng nào trong 3 chính đảng lớn ở Anh giành đủ 326 ghế, tức mức quá bán tối thiểu cần thiết để tự đứng ra thành lập chính phủ mới.

Không trái với dự báo trước thềm bầu cử, tân Quốc hội của Anh sẽ rơi vào tình cảnh “treo” (tức là không đảng nào giành giữ thế đa số tuyệt đối). Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1974, cơ quan lập pháp Anh rơi vào tình cảnh như thế.

Kết quả bầu cử lần này có thể dẫn đến những cuộc đàm phán ở hậu trường kéo dài trong nhiều ngày về việc thành lập chính phủ kế nhiệm. Đảng Bảo thủ thậm chí có thể thành lập chính phủ thiểu số thông qua việc liên kết với một số đảng nhỏ mà không cần phải có sự thỏa hiệp của đảng Dân chủ Tự do.

Tuy nhiên, Hiến pháp Anh quy định, Công đảng với tư cách là đảng cầm quyền được ưu tiên khởi động đàm phán liên minh với đảng Dân chủ Tự do để đứng ra thành lập chính phủ.

Phát biểu sau khi kết quả cuộc bầu cử được công bố, thủ lĩnh đảng Bảo thủ David Cameron nói rằng, ông muốn tìm kiếm một thỏa thuận chia sẻ quyền lực “to lớn, mở và toàn diện” với đảng Dân chủ Tự do, đảng về thứ ba sau cuộc bầu cử vừa qua.

Trong khi đó, Thủ tướng Anh Gordon Brown cũng nỗ lực để tiếp tục tại vị sau cuộc bầu cử không ngã ngũ. Ông tuyên bố sẵn sàng đàm phán với bất cứ đảng nào về việc thành lập một chính phủ liên minh. Thủ tướng Brown đã chìa tay với đảng Dân chủ Tự do khi nói rằng, ông ủng hộ lời kêu gọi cải cách bầu cử của đảng này.

Các nhà phân tích nhận định, nước Anh có thể bước vào một giai đoạn chính trị không ổn định. Kết quả bầu cử lần này sẽ gây ảnh hưởng xấu đến kinh tế Anh, một trong những nền kinh tế lớn nhất châu Âu, vốn vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn sau cuộc khủng hoảng, với con số thâm hụt ngân sách lên đến 163,4 tỷ bảng, tức tương đương 11,6% trên tổng sản phẩm quốc nội GDP.

Sự trỗi dậy của đảng Bảo thủ sau 13 năm để quyền lực rơi vào tay Công đảng được giới quan sát nhận định là do người dân Anh quá thất vọng với chính sách kinh tế hiện nay. Họ có vẻ không còn tin tưởng vào giới cầm quyền, sau các vụ bê bối như lạm dụng công quỹ của một số nghị sĩ, việc bất chấp dư luận của cựu Thủ tướng Tony Blair về lý do tiến hành cuộc chiến Iraq và chính sách tiếp tục ủng hộ cuộc chiến Afghanistan của đương kim Thủ tướng Gordon Brown…

Kết quả các cuộc khảo sát bên ngoài phòng phiếu cho thấy, cử tri Anh hy vọng trong tương lai sẽ không có một Chính phủ lúc nào cũng gật đầu tán thành theo những quyết định của Mỹ. Cũng theo kết quả thăm dò, tỷ lệ cử tri Anh tham gia bỏ phiếu lần này là 65%, tức là tăng 4% so với cuộc bầu cử vào năm 2005.

Hồng Anh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *