Bên bờ hạnh phúc

 Việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển của Việt Nam trên Biển Đông là động thái cực kỳ đáng lo ngại và thất vọng trong bối cảnh các cuộc đối thoại và đàm phán song phương đã và đang diễn ra thuận lợi. Hành động này có thể được coi là đe dọa nghiêm trọng và phức tạp đối với an ninh khu vực. Vì vậy, những tiếng nói phản đối hành động của Trung Quốc đang ngày một dâng cao.

Giàn khoan Hải Dương-981 trái phép của Trung Quốc. (Nguồn: Xinhua)
 
Trung Quốc huy động rất nhiều tàu lớn với chiến thuật dàn hàng ngang để bảo vệ việc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou 981) trên vùng biển của Việt Nam. (Nguồn: Canhsatbien.vn)

 Căng thẳng trên Biển Đông bắt nguồn từ việc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981

Đảng Cộng sản Nhật Bản đã tổ chức cuộc thảo luận trong đảng về tình hình căng thẳng trên Biển Đông, sau đó đã ra tuyên bố nêu rõ quan điểm đối với hành động hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 của phía Trung Quốc. Chủ tịch Đảng Cộng sản Nhật Bản, ông Shi Kazuo nhận định, tình hình căng thẳng trên Biển Đông thời gian qua bắt nguồn từ việc Trung Quốc đơn phương hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981. Hành động này đi ngược lại tinh thần của Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc đã ký kết cùng các nước ASEAN vào năm 2002.

Đảng Cộng sản Nhật Bản nhấn mạnh, DOC cần được các bên có liên quan tuân thủ và thực thi một cách nghiêm túc.

Theo hãng tin Reuters, phát biểu trong các cuộc tiếp xúc với Tướng Phòng Phong Huy, Tổng Tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc đang ở thăm Mỹ, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng các quan chức quốc phòng cấp cao khác của Mỹ đã nói với Tướng Phòng Phong Huy rằng hành động của Bắc Kinh trong các tranh chấp biển đảo là nguy hiểm, mang tính khiêu khích và cần phải ngưng lại.

Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Susan Rice cảnh báo Trung Quốc sẽ bị cô lập trong bối cảnh các quốc gia châu Á ngày càng quan ngại tới cuộc đối đầu căng thẳng giữa Trung Quốc và Việt Nam tại Biển Đông. Theo bà Rice, những nước mong muốn có quan hệ hữu nghị và xây dựng với Trung Quốc đang ngày càng cảm thấy khó chịu và lảng tránh (Trung Quốc) bởi điều mà họ coi là các hành động khiêu khích và gây hấn của nước này.

Bà Rice nhấn mạnh: “Chúng tôi đã thể hiện quan điểm rất rõ ràng rằng những hành động gây hấn và đe dọa, những bước đi gây ra những vụ việc trên thực địa mà làm phức tạp cho triển vọng tìm kiếm giải pháp ngoại giao là hoàn toàn không hữu ích”. Bà Rice hối thúc Trung Quốc giải quyết những tranh chấp hiện nay thông qua các cơ chế của luật pháp quốc tế.

Mỹ đang giữ liên lạc chặt chẽ với Việt Nam về cách Hà Nội nên đối phó với Trung Quốc như thế nào cho hiệu quả nhất sau khi Bắc Kinh kéo giàn khoan vào vùng biển Việt Nam, Reuters dẫn lời một quan chức cấp cao của Mỹ nhưng không nêu danh tính của ông này cho biết hôm 15/5. Quan chức này còn cho biết thêm hành động gây hấn của Trung Quốc đối với các quốc gia láng giềng tại Biển Đông đang làm căng thẳng quan hệ Mỹ-Trung. Ngoài ra, hành động này cũng đang làm dấy lên thắc mắc liệu chính quyền Tổng thống Barack Obama có thể hợp tác với nước này trong các vấn đề song phương ở châu Á hay không.

Theo Đài Tiếng nói nước Nga, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Alexandr Lukashevich cho biết Nga hy vọng Trung Quốc và Việt Nam sẽ khắc phục được tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông thông qua đàm phán. Trả lời họp báo, ông Lukashevich nói rằng Moscow theo sát tình hình ở Biển Đông và hy vọng tất cả các bên sẽ thể hiện sự kiềm chế trước tình hình căng thẳng hiện nay.

Phó Chủ tịch Đảng Tổ chức Thống nhất dân tộc Malaysia (UMNO), Bộ trưởng Nội vụ Malaysia, Dato’ Seri Dr. Amid Zahid Hamidi bày tỏ sự lo ngại về tình hình phức tạp ở Biển Đông gần đây và cho rằng hành động của Trung Quốc đã vi phạm Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc (UNCLOS) và DOC mà Trung Quốc là một bên ký kết; yêu cầu Trung Quốc phải tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam và các nước láng giềng.

Hãng thông tấn Bình Luận Trung Quốc (Hong Kong) cho biết đảng đối lập tại Đài Loan đã lên tiếng chỉ trích chính quyền đại lục hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 ở Biển Đông. Trong bài phát biểu ở cuộc họp của đảng này, Chủ tịch Đảng Dân tiến Tô Trinh Xương nói rằng việc làm của Bắc Kinh đã gây ra xung đột nghiêm trọng trên biển, đến cả Chính phủ Mỹ cũng lên tiếng chỉ trích Trung Quốc có hành động gây hấn.

Thông tấn xã Đài Loan ngày 15/5 dẫn lời ông Lâm Vĩnh Lạc, Ngoại trưởng của chính quyền Đài Loan, nói trong buổi điều trần trước Ủy ban Đối ngoại và Quốc phòng thuộc Viện Lập pháp Đài Loan rằng: "Không có sự hợp tác nào giữa Trung Quốc và chúng tôi trong các vấn đề về Biển Đông".

Các tổ chức hội đoàn dân sự Philippines hôm 14/5 tuyên bố sẽ tổ chức biểu tình trước Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila bày tỏ ủng hộ Việt Nam, phản đối nhà cầm quyền Bắc Kinh kéo giàn khoan Hải Dương 981 hạ đặt bất hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam. Người đứng đầu tổ chức USP4GG, Nicolas Lewis đã tổ chức họp báo cho biết, USP4GG cùng với một số tổ chức xã hội tại Philippines đã lên kế hoạch tập trung biểu tình trước Đại sứ quán Trung Quốc vào trưa 16/5. N. Lewis cho biết, hoạt động này nhằm củng cố mối đoàn kết giữa người dân Philippines với Việt Nam trong lập trường chống Trung Quốc bành trướng Biển Đông. USP4GG kêu gọi cộng đồng quốc tế chung tay hành động ngăn chặn mối uy hiếp Trung Quốc trên Biển Đông.

Cựu Cố vấn an ninh quốc gia Philippines Roilo Golez cảnh báo, nếu Trung Quốc mà uy hiếp được Việt Nam thì mục tiêu tiếp theo sẽ là vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.

Trung Quốc đang hành xử thiếu trách nhiệm

Theo ông Vladimir Buianov, Chủ tịch Hội hữu nghị Nga-Việt, Hiệu trưởng Học viện Kinh tế và Pháp lý Moscow, việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là vi phạm UNCLOS 1982. Trung Quốc cần phải hành động đúng đắn theo luật pháp quốc tế. Ngoài ra, Trung Quốc đã vi phạm các thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai nước Việt Nam và Trung Quốc, các trao đổi và thỏa thuận giữa Ủy ban Hòa bình Việt Nam và Hiệp hội Nhân dân Trung Quốc.

Ông Vladimir Buianov nhấn mạnh: “Việc làm này không chỉ ảnh hưởng xấu đến sự tin cậy chính trị giữa hai nước, đến các cuộc đàm phán đang diễn ra giữa hai nước về các vấn đề trên biển, mà còn tác động tiêu cực đến tình cảm hữu nghị lâu đời giữa nhân dân hai nước…”

Trả lời câu hỏi tại sao Nga lại tập trận chung với Trung Quốc vào lúc Trung Quốc đang gia tăng khiêu khích đối với Việt Nam ở khu vực đặt giàn khoan trái phép, ông Buianov nói: “Đây là kế hoạch đã được Nga và Trung Quốc sắp xếp từ trước. Tuy nhiên, đây cũng là biện pháp răn đe đối với Trung Quốc của Nga…”. Theo ông Buianov, khi tập trận chung, Trung Quốc sẽ thấy được tiềm lực quân sự của mình đến đâu trước sức mạnh quân sự của Nga. "Việc này sẽ kiềm chế được những cái đầu nóng của Trung Quốc”, ông Buianov nhấn mạnh.

Giáo sư Zachary Abuza, chuyên gia về khoa học chính trị và đối ngoại khu vực Đông Á thuộc Đại học Simmons (Mỹ), nhận định về hành động khiêu khích của Trung Quốc như sau:

“Những động thái hung hăng gần đây của Bắc Kinh đối với Việt Nam, Nhật Bản và Philippines trên biển Hoa Đông và Biển Đông là minh chứng rõ rệt cho tham vọng bá quyền của Trung Quốc.

Năm 2013, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc cảnh báo các nước Đông Nam Á có tranh chấp với Bắc Kinh tại Biển Đông rằng họ chỉ là những nước nhỏ và do vậy, nhất cử nhất động đều phải nghe theo Bắc Kinh. Động thái hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 rõ ràng là khiêu khích và gây bất ổn trong khu vực.

Bắc Kinh rõ ràng là một thế lực với nền văn hóa chính trị có từ cách đây 4.000 năm. Quan niệm về quyền lực của Trung Quốc vẫn còn ăn sâu trong tư tưởng của một nước thiên triều từ quá khứ. Thời đó, các nước chư hầu cứ thay phiên nhau triều cống cho các đời hoàng đế Trung Hoa như một sự chấp nhận chủ quyền của Bắc Kinh để đổi lấy quyền tự trị cho chính nước mình. Đó không phải là cách thế giới ngày nay vận hành. Ngày nay, nền kinh tế Trung Quốc đang thống trị nhưng đây cũng là thời điểm các chuẩn mực và luật pháp quốc tế, đặc biệt là hệ thống pháp luật được thành lập sau Thế chiến thứ hai, được áp dụng chặt chẽ. Trung Quốc, cũng như các cường quốc trước đó, muốn thiết lập một trật tự thế giới để phục vụ cho quyền lợi của riêng mình. Nhưng Bắc Kinh không chấp nhận tuân thủ luật chơi.

Siêu cường có quyền, nhưng cũng phải gánh vác nghĩa vụ. Sức mạnh càng cao, trách nhiệm càng nặng. Hãy thử nhìn vào những đóng góp của Trung Quốc – với tư cách siêu cường như nước này mong muốn – cho thế giới: Bắc Kinh đóng góp chỉ 5,2% vào ngân sách Liên Hợp Quốc so với 22% của Mỹ hay 10,8% từ Nhật. Tại Ngân hàng Thế giới, tỷ lệ đóng góp của Trung Quốc là 4,42%, trong khi Đức đã là 4% và Mỹ là 15,85%. Bắc Kinh cũng chỉ góp 5,15% vào ngân sách Tổ chức Y tế Thế giới, so với 10,9% của Nhật và 22% từ Mỹ.

Vừa muốn đặc quyền, sức mạnh và tầm ảnh hưởng của một siêu cường nhưng khi đụng đến những nghĩa vụ siêu cường đó phải thực hiện cho cộng đồng thế giới, Bắc Kinh nếu không cậy đến danh nghĩa vẫn còn là nước đang phát triển của mình thì cũng từ chối đóng góp. Rõ ràng, Trung Quốc không sở hữu được quyền lực mềm cũng như những hấp lực khác về giá trị và tư tưởng.

Là siêu cường thì phải bảo vệ an ninh trong khu vực, trong khi Bắc Kinh cứ liên tục có những chính sách khiêu khích hết với Nhật Bản ở biển Hoa Đông rồi lại đến các nước ASEAN trên Biển Đông. Những gì Bắc Kinh đang hành xử không khác gì một đứa trẻ ăn chưa no, lo chưa tới và chỉ biết bắt nạt bạn bè”.

Động thái nguy hiểm trong cuộc chơi quyền lực của Trung Quốc

Ông Lucio Caracciolo, học giả, nhà nghiên cứu hàng đầu về thời sự-chính trị quốc tế, hiện là Tổng Biên tập của Limes, tạp chí về địa-chính trị uy tín của Italy, phát biểu:

“Trung Quốc đang hành động mạnh mẽ nhằm khẳng định quyền sở hữu của họ đối với những quần đảo và vùng biển gần lãnh thổ của họ. Trên thực tế, đấy không chỉ là những đòi hỏi mang tính kinh tế, mà còn là cách để phô trương thanh thế của họ đối với tất cả các nước châu Á và Mỹ. Ngoài những lý do đơn thuần về kinh tế thì những yêu sách ngày càng tăng của Trung Quốc giống như việc gia tăng sự thể hiện về hình ảnh, về quyền lợi và thể diện của một quốc gia cho là mình đã lên đến tầm siêu cường. Do đó, họ tìm kiếm những đụng độ và chỉ cần một hòn đảo nhỏ trên biển cũng có thể là lý do để làm bùng lên những đối đầu. Hy vọng đó không phải là những đối đầu về quân sự, bởi vì Nhật Bản, Philippines và Việt Nam cũng như các nước khác đang có tranh chấp với Trung Quốc đều không muốn mắc bẫy về quân sự trong cuộc chơi thể diện này của Bắc Kinh.

Hành động hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển Việt Nam có thể được coi là một đe dọa nghiêm trọng và phức tạp đối với an ninh khu vực. Việc khiêu khích Việt Nam có thể dẫn đến những động thái nguy hiểm tiếp theo trong cuộc chơi quyền lực của Trung Quốc. Nhưng chúng ta hãy nhớ lại rằng, Việt Nam luôn chiến thắng trong các cuộc chiến tranh với Trung Quốc. Không ngạc nhiên khi không ít người lo ngại về một cuộc đụng độ về quân sự có giới hạn. Tuy nhiên, tôi tin rằng, Trung Quốc và các quốc gia đang tranh chấp lãnh thổ với họ là Nhật Bản, Việt Nam, Philippines cũng như một số nước khác đều mong muốn tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho vấn đề này, nhưng rất khó có thể giải quyết dứt điểm được và sẽ để vấn đề này luôn mở ngỏ. Việc giải quyết bằng con đường trọng tài quốc tế để có được một giải pháp cuối cùng không phải là điều mà Trung Quốc mong muốn, mà họ muốn đàm phán song phương với từng quốc gia tranh chấp để sao cho có lợi cho mình. Khiêu khích và sau đó đàm phán, đó là chiến thuật của Bắc Kinh”.

Đánh giá về việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở Biển Đông, hai chuyên gia người Australia là Malcolm Cook và Elliot Brennan cho rằng động thái này của Trung Quốc là rất đáng lo ngại, thiếu thiện chí và đáng thất vọng.

Ông Malcolm Cook, Hiệu trưởng Trường Nghiên cứu quốc tế thuộc Đại học Flinders ở Adelaide, chuyên gia cao cấp Viện Đông Nam Á, trụ sở tại Singapore, nhấn mạnh việc Trung Quốc đưa giàn khoan vào Biển Đông rõ ràng là đi ngược lại DOC mà Trung Quốc đã ký với 10 nước thành viên ASEAN. Hành động này là bằng chứng mới nhất của cách tiếp cận thiếu thiện chí của Trung Quốc trong việc tuân thủ các thỏa thuận đã ký hoặc tham gia đối thoại có tính xây dựng để giải quyết tranh chấp. Trong khi đó, Việt Nam không hề có hành động nào để Trung Quốc có thể coi là khiêu khích trong thời gian qua.

Ông Cook nhận định việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào Biển Đông một tuần trước khi Hội nghị cấp cao ASEAN diễn ra cho thấy nước này thiếu tôn trọng ASEAN cũng như phản ứng của khối này trước những đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc.

Ông Dirk Van Der Kley, chuyên gia nghiên cứu về Đông Á của Viện Vhính sách quốc tế Lowy (Australia) phân tích những yếu tố liên quan đến hành động của Trung Quốc đăng trên trang The Interpreter của Viện Chính sách quốc tế Lowy, nội dung như sau:

Liên quan đến vụ việc này, có ít nhất 3 vấn đề cần phải được nghiên cứu, xem xét:

Thứ nhất, tình trạng bế tắc này có thể sẽ kéo dài vài tháng. Vụ việc này nghiêm trọng hơn những lần va chạm trước đó liên quan đến tàu thăm dò và tàu cá. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc được cho là thực sự tiến hành thăm dò dầu khí tại khu vực biển mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền. Không giống những tàu cá và tàu thăm dò, giàn khoan của Trung Quốc (có thể di động được) dự kiến được đặt cố định tại khu vực này trong thời gian dài. Nếu Trung Quốc dời giàn khoan ra vị trí khác coi như thực hiện xong hoạt động thăm dò thì điều này sẽ được nhìn nhận là hành động giữ thể diện cho Trung Quốc. Dĩ nhiên không thể đảm bảo rằng Trung Quốc sẽ làm như vậy vào thời điểm này. Sẽ có hai tình huống xảy ra trong ngắn hạn: Tổng công ty dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) có hay không đặt cố định giàn khoan hàng tỷ USD của họ ở khu vực biển Việt Nam tuyên bố chủ quyền. Và việc tháo dỡ giàn khoan ở địa điểm hiện tại, nhưng cũng chẳng có cách nào đảm bảo rằng Trung Quốc sẽ không tái bố trí giàn khoan ở một địa điểm khác.

Thứ hai, mặc dù có sự tình cờ trong việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan này ngay sau chuyến thăm gần đây của Tổng thống Mỹ Barack Obama, nhưng điều đó không nhất thiết phải liên quan đến nhau.

Cuối cùng là, CNOOC vẫn có “bề dày lịch sử” gắn các tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông với các hoạt động khai thác dầu khí của mình. Các tập đoàn quốc doanh lớn như CNOOC là một nhân tố quyền lực của Bắc Kinh và CNOOC có thể là một trong những động lực thúc đẩy việc Trung Quốc đưa giàn khoan ra Biển Đông.

Theo (Chinhphu.vn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *