Trong những ngày qua, chính phủ, giới học giả nhiều nước đã đồng loạt lên án việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Đây là làn sóng dư luận mạnh mẽ nhất nhằm vào Trung Quốc kể từ khi nước này có hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền trên Biển Đông của Việt Nam, đe dọa hòa bình và an ninh trong khu vực.
Ảnh minh họa |
Thách thức một thành viên đồng nghĩa với thách thức toàn ASEAN
Nhật báo Philippines Daily Inquirer ngày 13/5 dẫn lời Tổng thống Benigno Aquino phát biểu cuối tuần trước: “Cùng với các thành viên ASEAN khác, chúng ta đã có thể vạch ra một chiến lược để đảm bảo cho sự phát triển trong khu vực. Chúng tôi cũng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đoàn kết và kiềm chế khi bàn về các vấn đề an ninh. Thách thức một quốc gia thành viên đồng nghĩa với thách thức toàn khối ASEAN. Và chỉ thông qua hành động chung chúng ta mới có thể đạt được một giải pháp lâu dài có tính tôn trọng quyền lợi của từng quốc gia thành viên”.
Ngày 14/5, Nhà Trắng nhấn mạnh tranh chấp trên Biển Đông liên quan tới việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 tại vị trí cách bờ biển Việt Nam khoảng 120 hải lý (193 km) cần được giải quyết thông qua đối thoại, chứ không phải đe dọa. Người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney tuyên bố Mỹ không phải là một bên tranh chấp, song Tổng thống Barack Obama trong chuyến công du châu Á mới đây đã nhiều lần nhấn mạnh tới sự cần thiết phải tiến hành đối thoại hòa bình về các vụ tranh chấp khác nhau liên quan tới Trung Quốc và Biển Đông. Đây là lần đầu tiên Nhà Trắng ra tuyên bố về vấn đề này sau khi Bộ Ngoại giao và nhiều tổ chức, cá nhân Mỹ đã lên tiếng.
Ngày 14/5, Bộ Ngoại giao Australia đã ra tuyên bố bày tỏ quan ngại sâu sắc về các vụ việc đang diễn ra trên Biển Đông làm gia tăng tình hình căng thẳng ở khu vực, đồng thời hoan nghênh Tuyên bố Chủ tịch Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 24 về tình hình hiện nay ở Biển Đông. Australia khẳng định nước này có lợi ích chính đáng trong việc duy trì hòa bình và ổn định, tôn trọng luật quốc tế, thương mại không bị cản trở và tự do hàng hải, đồng thời kêu gọi các bên liên quan kiềm chế những hành động khiêu khích có thể khiến tình hình căng thẳng leo thang.
Tại cuộc họp báo ngày 14/5 ở Quai d’Orsay, trụ sở Bộ Ngoại giao Pháp, khi bình luận về những diễn biến căng thẳng ở Biển Đông sau khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Pháp đã bày tỏ quan ngại trước tình hình hiện nay. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Pháp nói: "Pháp quan ngại về những vụ đụng độ gần đây và những căng thẳng đang diễn ra tại Biển Đông. Pháp kêu gọi các bên kiềm chế và giải quyết bất đồng bằng các biện pháp hòa bình và đối thoại".
Trả lời câu hỏi của phóng viên nhận định về việc Trung Quốc đưa và hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, huy động nhiều tàu đi cùng, trong đó có cả tàu hộ vệ tên lửa, gây nên tình hình hết sức căng thẳng ở Biển Đông, Chuẩn Đô đốc Pascal Ausseur, Vụ phó phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Vụ Phát triển quốc tế, Bộ Quốc phòng Pháp, cho biết Liên minh châu Âu (EU) đã ra tuyên bố về tình hình Biển Đông, chính thức bày tỏ quan ngại về hành động này. Pháp là một trong những nước đi đầu trong việc soạn thảo Tuyên bố này, nhấn mạnh đến vai trò của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Pháp cũng như cộng đồng chung châu Âu mong các bên tìm cách giải quyết các vấn đề thông qua biện pháp hòa bình.
Chuẩn đô đốc Pascal Ausseur chia sẻ, nước Pháp hiện đứng thứ hai thế giới về diện tích biển, do đó rất coi trọng vấn đề kiểm soát vùng biển. Vấn đề kiểm soát an ninh biển là cực kỳ quan trọng với Việt Nam cũng như Pháp. Hiện nay, phần lớn giao lưu thương mại của Pháp là đến từ châu Á, trong đó có đi qua khu vực Biển Đông. Chính vì vậy an ninh trong khu vực này ảnh hưởng cả về mặt kinh tế và an toàn đối với Pháp. Sự ổn định ở khu vực và sự phát triển ở châu Á sẽ góp phần mang lại sự phồn thịnh và an ninh cho thế giới.
Việc làm của Trung Quốc gây khó khăn cho việc giải quyết tranh chấp
Tiến sỹ Sử học Grigori Lokhshin, chuyên gia Viện Viễn Đông tại Viện Hàn lâm Khoa học Nga, phân tích về vấn đề này như sau: “Việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 tại vùng biển đối diện với tỉnh Quảng Ngãi của Việt Nam là hết sức nguy hiểm. Nguy hiểm ở chỗ, nước này đã chuyển từ lời nói, yêu sách, tuyên bố… sang hành động cụ thể. Đây là bước đi mới của Trung Quốc làm gia tăng căng thẳng, làm nảy sinh đối đầu, va chạm giữa lực lượng bảo vệ biển Việt Nam với các tàu hộ tống của Trung Quốc. Phải nói, hành động của Trung Quốc là rất đáng quan ngại, bởi vì từ đầu năm 2012 đến giữa năm 2013 quan hệ Trung Quốc với Việt Nam rất tích cực, diễn ra nhiều chuyến thăm, ký thỏa thuận cùng nghiên cứu khu vực ranh giới ngoài vịnh Bắc Bộ… không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy sẽ dẫn đến tình hình phức tạp như hiện nay.
Do đó, bằng hành động này, Trung Quốc trên thực tế đã vi phạm Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) mà nước này là một bên tham gia ký kết năm 2002, luật pháp quốc tế, Tuyên bố 6 điểm của ASEAN về Biển Đông và cơ bản là đã vi phạm các nguyên tắc giải quyết vấn đề tranh chấp trên Biển Đông đã được lãnh đạo Trung Quốc đặt bút ký với lãnh đạo Việt Nam năm 2011. Trong các văn bản này nêu rõ mọi tranh chấp phải được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, ngoại giao, không bên nào được có hành động gây phương hại đến an ninh và ổn định trong khu vực. Do đó, những gì Trung Quốc đang làm hiện nay đã vi phạm tất cả các trách nhiệm mà lãnh đạo nước này đã thông qua.
Mục tiêu của Trung Quốc trong hành động này rõ ràng là nhằm củng cố sự chiếm hữu của mình đối với quần đảo Hoàng Sa. Phía Trung Quốc từng đề nghị đàm phán song phương về an ninh trên biển, đàm phán với ASEAN về an ninh hàng hải, song chưa bao giờ và chưa nơi nào người Trung Quốc nói đến việc đàm phán về tranh chấp chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa.
Vấn đề Việt Nam hay Trung Quốc có các bằng chứng về chủ quyền của mình ở Hoàng Sa thì chưa bao giờ người Trung Quốc tỏ ý định sẽ nghiêm túc xem xét, thảo luận để giải quyết tranh chấp. Do đó, việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan ở Biển Đông sẽ làm phức tạp thêm tình hình, gây khó khăn cho việc giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.
Những hành động của phía Việt Nam đến nay hoàn toàn đúng đắn, gồm cả việc đưa vấn đề ra thảo luận trong ASEAN. Bởi vì sự việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 xảy ra ngay trước Hội nghị ASEAN cũng như sau chuyến thăm Đông Nam Á của Tổng thống Mỹ có vài ngày.
Đây là một thách thức đối với tất cả các nước ASEAN. Toan tính này của Trung Quốc nhằm chia rẽ nội bộ ASEAN, để các nước trong khối không đạt được thỏa thuận hay thống nhất quan điểm về vụ việc. Rất may là điều này đã không xảy ra.
Phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại diễn đàn ASEAN vừa qua là tuyên bố đầu tiên của lãnh đạo cấp cao Việt Nam về tình hình ở Biển Đông và lần đầu tiên sau nhiều năm Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN đã ra Tuyên bố thể hiện rõ quan điểm chung của các nước ASEAN, lên án hành động khiêu khích trên Biển Đông của Trung Quốc. Điều này thể hiện quyết tâm của Việt Nam và sự ủng hộ của các nước trong khu vực.
Có thể khẳng định, nếu Trung Quốc tiếp tục thực hiện chính sách cứng rắn sẽ thôi thúc tất cả các nước ASEAN vào một mặt trận thống nhất chống Trung Quốc vì đây là nguy cơ chung đối với tất cả các nước chứ không riêng Việt Nam.
Điều này sẽ làm suy yếu chính sách đối ngoại của Trung Quốc, đồng thời hành động này sẽ vấp phải hành động phản kháng, tinh thần dân tộc, yêu nước của người Việt Nam. Điều này đã thể hiện qua các cuộc biểu tình và nhiều hoạt động phản đối Trung Quốc đang diễn ra khắp nơi. Tất cả những điều này, đáng tiếc là sẽ gây ra những thiệt hại to lớn trong quan hệ giữa Trung Quốc với Việt Nam trong nhiều năm tới”.
Nhà báo Mass Mboup, chuyên gia về chính trị và phát triển của các nước châu Phi, Caribbean và Thái Bình Dương (ACP) và EU tại Brussels (Bỉ) cho rằng tất cả các nước trong khu vực cần đoàn kết thành một khối để ngăn cản hành động của Trung Quốc vì việc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa các quốc gia khác là đi ngược lại luật pháp quốc tế, do vậy vấn đề trở nên vô cùng nguy hiểm trên bình diện quốc tế.
Ông Mass Mboup cho biết, qua trao đổi với các đồng nghiệp Thụy Sĩ, Canada, Mỹ, châu Âu, tất cả đều có chung nhận định ý đồ của Trung Quốc mang tính chính trị, thể hiện ý đồ tranh giành lãnh thổ với các nước láng giềng của Trung Quốc và điều này là không thể chấp nhận được.
Về vai trò của ASEAN, nhà báo Mass Mboup cho rằng ASEAN là một trụ cột vô cùng quan trọng trong việc giải quyết tranh chấp hiện nay. Ông đánh giá cao Tuyên bố về vấn đề Biển Đông được ASEAN đưa ra tại hội nghị cấp cao lần thứ 24 vừa qua, qua đó cho thấy các nước thành viên ASEAN phải cùng nhau tìm ra một giải pháp mang tính khu vực. Văn kiện này cũng sẽ giúp cộng đồng quốc tế nhận thức rõ rằng những động thái đơn phương hiện nay của Trung Quốc tại Biển Đông là không thể chấp nhận được. Ông nhấn mạnh, Trung Quốc cần phải ngồi lại với các nước ASEAN để đàm phán đi đến một giải pháp hòa bình, tránh xung đột vũ trang.
Những động thái của Trung Quốc cho thấy mục tiêu lâu dài là độc chiếm Biển Đông
Nhân sự kiện này, giáo sư Artha Nantachukra, Viện trưởng Viện nghiên cứu Phupan của Thái Lan, đã viết trên trang mạng của Viện nghiên cứu Phupan.
Theo giáo sư Artha Nantachukra, Trung Quốc đã tính toán khi lựa chọn thời điểm di chuyển và đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng EEZ của Việt Nam. Trên bình diện quốc tế, khủng hoảng chính trị tại Ukraine đã tạo ra môi trường thuận lợi cho việc triển khai chiến lược của Trung Quốc; cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Mỹ và châu Âu đang tập trung giải quyết tình hình Ukraine nên sẽ không phản ứng thái quá đối với động thái trên Biển Đông của Trung Quốc. Trung Quốc có thể sẽ lo ngại Nhật Bản ở phía Bắc, đồng minh thân cận của Mỹ, nếu Trung Quốc có các hành động khiêu khích và vẫn còn dè chừng với Philippines ở phía Đông Nam, một đồng minh khác của Mỹ có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc tại Biển Đông và mới đây đã kiện Trung Quốc ra Tòa án Quốc tế La Hay. Như vậy, Việt Nam chưa ký kết các hiệp ước an ninh với Mỹ, không tham gia liên minh quân sự nào sẽ là “mắt xích yếu” để Trung Quốc tận dụng.
Rõ ràng, từ khi triển khai chiến lược biển với mục tiêu hiện thực hóa đường chín đoạn, đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc có các hành động khiêu khích đối với các quốc gia láng giềng có tranh chấp, nhưng đây là lần đầu tiên Trung Quốc sử dụng một lực lượng đông đảo các tàu bảo vệ, máy bay và thực hiện các hành động mạnh tay để bảo vệ giàn khoan Hải Dương 981.
Theo quan điểm của Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phupan, khi quyết định di chuyển và đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, bên cạnh việc lựa chọn thời điểm, vị trí, Trung Quốc còn tính toán kỹ cả những phản ứng của Việt Nam và cộng đồng quốc tế. Thậm chí, Trung Quốc còn chuẩn bị trước các lực lượng ứng phó đối với cả các phản ứng từ Việt Nam. Với quốc tế, đặc biệt là Mỹ, Trung Quốc cũng đã tính toán trước về mức độ và khả năng can dự vào vấn đề tranh chấp Biển Đông, nhất là khi nổ ra xung đột giữa Trung Quốc và Việt Nam.
Theo Giáo sư Nantachukra, toàn bộ những bước đi, những động thái khiêu khích của Trung Quốc từ trước đây đến sự việc vừa qua tại Biển Đông cho thấy rõ mục tiêu lâu dài của Trung Quốc là thực hiện ý đồ độc chiếm Biển Đông. Sâu xa hơn, từ việc độc chiếm Biển Đông, Trung Quốc muốn kiểm soát toàn bộ tuyến giao thương hàng hải, kiềm tỏa, tăng ảnh hưởng với toàn bộ các nước khu vực và các nước lợi ích vào tuyến giao thương này, trong đó có cả Nhật Bản và Mỹ.
Trước các động thái của Trung Quốc, nhiều người đang đặt ra câu hỏi phải chăng Trung Quốc đang tự mình đặt ra luật chơi, thiết lập lại trật tự khu vực theo ý riêng của mình? Giáo sư Nantachukra cho rằng với quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, cùng với lợi ích chiến lược to lớn của các nước bên ngoài trong khu vực, dù muốn hay không, dù lớn hay nhỏ, các nước này không thể khoanh tay đứng nhìn trước các hành động lạm quyền của Trung Quốc. Có thể, chính sự kiện này sẽ tạo ra một nhu cầu, một “chất xúc tác” mới đòi hỏi các nước ASEAN liên quan tranh chấp với Trung Quốc, đặc biệt là Philippines, phải liên kết chặt chẽ hơn nữa để đối phó với Trung Quốc. Rõ ràng là, nếu Trung Quốc đã và đang mạnh tay với Việt Nam thì chưa có gì có thể đảm bảo Trung Quốc không có các hành động tương tự với Philippines, dù rằng, với mỗi quốc gia, mỗi vùng tranh chấp, lợi ích và xung đột ở những mức độ khác nhau. Như vậy, nhu cầu liên kết giữa các quốc gia đang bị Trung Quốc lấn áp sẽ gia tăng, từng bước làm thất bại mục tiêu chia rẽ ASEAN của Trung Quốc mà ngược lại các nước đang cô lập Trung Quốc, biến Trung Quốc thành một kẻ bị tẩy chay tại khu vực.
Giáo sư Carl Thayer, một chuyên gia về Việt Nam thuộc Học viện Quốc phòng Australia, Đại học New South Wales viết trên tờ The Diplomat, đưa ra 3 cách lý giải về việc Bắc Kinh đưa giàn khoan này vào vùng biển của Việt Nam.
Theo Carl Thayer, các nhà phân tích quốc tế cũng đã đưa ra những nhận định khác nhau về động cơ và mục tiêu của hành động gây hấn của Trung Quốc. Trong đó, có 3 luồng quan điểm chính:
Luồng quan điểm thứ nhất xem việc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng biển của Việt Nam là phản ứng của Trung Quốc trước việc Việt Nam công bố Luật Biển vào giữa năm 2012. Trước khi Quốc hội Việt Nam thông qua luật này, Trung Quốc đã gây áp lực ngoại giao để luật này không được thông qua, nhưng không thành công. Ngay sau khi Luật Biển của Việt Nam được thông qua, Tập đoàn Dầu khí Hải Dương Quốc gia Trung Quốc (CNOOC) đã mời thầu các lô trên Biển Đông chồng lấn với các lô của Việt Nam bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Theo cách lý giải này, tình thế hiện nay là kết quả của việc CNOOC quyết tâm theo đuổi và bắt đầu việc thăm dò dầu khí ở khu vực này. Theo CNOOC, lô 143 nằm trong quyền tài phán của Trung Quốc. Theo quan điểm của Trung Quốc, các hoạt động thăm dò dầu khí thương mại sẽ làm suy yếu các tuyên bố về chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam. Cách lý giải thứ nhất này không thực sự thuyết phục, xét tới kích thước khổng lồ của giàn khoan Hải Dương 981 và đội 80 tàu thuyền hộ tống giàn khoan này. Đây rõ ràng không phải là một hoạt động thương mại thông thường, mà là một động thái phủ đầu nhằm ngăn không cho Việt Nam bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế của mình.
Cách lý giải thứ hai cho rằng, hành động của Trung Quốc là nhằm đáp trả hoạt động của hãng dầu lửa Mỹ Exxon Mobil ở các lô gần đó. Cách lý giải này xem ra cũng không hợp lý. Exxon Mobil đã hoạt động ở lô 119 từ năm 2011. Mặc dù phản đối việc Exxon Mobil được trao hợp đồng thăm dò dầu khí ở lô này, Trung Quốc không đẩy mạnh việc phản đối trong mấy tháng gần đây. Cũng không rõ liệu việc Bắc Kinh hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 ở lô 143 có thể ngăn không cho Exxon Mobile tiếp tục hoạt động ở lô 119 hay không.
Cách lý giải thứ ba cho rằng, Trung Quốc đã chọn cách đối đầu trực tiếp với những tiền đề cho chính sách tái cân bằng của chính quyền Obama về phía châu Á. Trung Quốc chọn cách nhằm phơi bày khoảng cách giữa những gì ông Obama nói và khả năng đáp trả của Washington đối với sự hung hăng của Bắc Kinh trong các tuyên bố chủ quyền. Một số nhà phân tích ủng hộ cách lý giải thứ ba lập luận rằng, Trung Quốc đã “thuộc lòng” việc Mỹ không thể phản ứng hiệu quả trước các cuộc khủng hoảng ở Syria và Ukraine. Bởi thế, Trung Quốc đã tạo ra cuộc khủng hoảng giàn khoan Hải Dương 981 để chứng tỏ với các nước trong khu vực rằng, nước Mỹ chỉ là một “con hổ giấy”.
Theo Carl Thayer, trong 3 cách lý giải nói trên, cách lý giải thứ 3 xem ra thuyết phục hơn cả.
Giáo sư Carl Thayer cho rằng, cho dù đường cơ sở 1996 của Trung Quốc được chấp nhận đi nữa, thì vùng đặc quyền kinh tế trên lý thuyết của Trung Quốc sẽ chồng lấn với vùng đặc quyền kinh tế do Việt Nam tuyên bố. Điều này sẽ cấu thành tranh chấp pháp lý. Trong trường hợp đó, luật pháp quốc tế đòi hỏi hai bên có sự dàn xếp tạm thời, kiềm chế sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực, và không có hành động đảo lộn nguyên trạng. Dưới bất kỳ góc độ nào, rõ ràng, việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 và đưa 80 tàu hộ tống vào lô 143 là vi phạm luật pháp quốc tế.
Tác giả bài viết đánh giá, hành động của Trung Quốc có thể làm gia tăng những mối lo ngại của Việt Nam, Philippines, Singapore và Malaysia, khiến các nước này tìm cách tăng cường năng lực hải quân, đồng thời tìm kiếm sự đảm bảo hỗ trợ từ Mỹ và các cường quốc về hải quân như Nhật Bản, Australia và Ấn Độ.
Trang mạng của Limes, tạp chí địa-chính trị có uy tín bậc nhất của Italy, ngày 14/5 đã đăng một bài của Giorgio Cuscito với nhiều thông tin và đồ họa để giải thích cho các độc giả người Italy hiểu về tình hình căng thẳng đang diễn ra trên Biển Đông, với những hành động của Trung Quốc đe dọa hòa bình và ổn định trong khu vực, cũng như phân tích những lựa chọn của Việt Nam.
Bài báo cho biết "Trung Quốc đã thiết lập một giàn khoan ở gần quần đảo Hoàng Sa, trong khu vực đặc khu kinh tế của Việt Nam", khẳng định rằng Bắc Kinh ngày càng leo thang trong những yêu sách và sử dụng chính sách ngoại giao đầy tính hăm dọa.
Đối với Trung Quốc, lắp đặt giàn khoan gần với quần đảo Hoàng Sa, Trung Quốc cũng muốn thử mức độ chịu đựng của các quốc gia châu Á. Nếu như hành động của Chính phủ Trung Quốc không bị Việt Nam phản ứng dữ dội, điều đó sẽ tạo thành một tiền lệ xấu gây lo ngại đối với nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng đang tranh chấp về chủ quyền với Trung Quốc đối với nhiều hòn đảo.
Chiến lược của Bắc Kinh khá đơn giản: Củng cố sự hiện diện ở một khu vực mà họ đã kiểm soát, như ở Hoàng Sa, sau đó mở rộng kiểm soát trên thực tế ở những hòn đảo mà sức mạnh của họ yếu hơn, như ở Trường Sa, dù rằng biện pháp đó có lúc phản tác dụng. Tuy nhiên, những đòi hỏi của Trung Quốc cũng đã gây ra căng thẳng trong các nước châu Á-Thái Bình Dương và góp phần củng cố sự hiện diện trong chiến lược Xoay trục về châu Á của Washington.
Theo bài báo của Limes, Trung Quốc, ngoài sức mạnh quân sự vượt trội Việt Nam, còn là đối tác thương mại lớn nhất. Trong năm 2013, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 50 tỷ USD và có khả năng vượt con số 60 tỷ USD vào năm 2015. Vì lý do đó, việc đối thoại có vai trò quan trọng đối với cả hai nước. Nếu như hai bên không tìm ra được một giải pháp song phương, Việt Nam có thể theo tấm gương của Philippines, nước mới đây đã kiện Trung Quốc lên Tòa án Liên Hợp Quốc nhằm tìm kiếm một trọng tài quốc tế để giải quyết những tranh chấp. Trung Quốc có thể tuyên bố không tham gia phiên tòa, như họ đã từng làm với Manila. Trong trường hợp ấy, Hà Nội có thể có hai khả năng: Hoặc chấp thuận đòi hỏi của Trung Quốc, hoặc cho thấy họ sẽ thể hiện sự mạnh mẽ hơn nữa. "Xét trên lịch sử của Việt Nam, không thể loại trừ khả năng thứ hai".
Trong bài viết trên trang tin Oilprice.com của Mỹ, tác giả Nick Cunningham, cây bút chuyên về các vấn đề năng lượng và môi trường, nhận định rằng việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông là không có cơ sở theo luật pháp quốc tế. Theo UNCLOS, các nước có quyền công bố vùng đặc quyền kinh tế đến 200 hải lý tính từ đường cơ sở ven biển. Còn giàn khoan của Trung Quốc lại nằm bên trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam.
Chỉ đàm phán khi Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 khỏi vùng biển Việt Nam
Hai chuyên gia hàng hải quốc tế thuộc Trung tâm Nghiên cứu an ninh châu Á-Thái Bình Dương (Hawaii, Mỹ) là Tiến sĩ Alexander Vuving và Tiến sĩ Mohan Malik phân tích: Việc đặt giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển Việt Nam là một thông điệp thể hiện tham vọng bá quyền của Trung Quốc trên Biển Đông. Thông điệp này không chỉ gửi đến những nước liên quan trực tiếp như Việt Nam, Philippines mà còn cả Mỹ, Nhật Bản và các quốc gia châu Á khác. Động thái này cũng cho thấy Trung Quốc rất tự tin là cả những nước nhỏ lẫn siêu cường như Mỹ đều sẽ không dùng đến vũ lực để chống lại chiến lược phục vụ tham vọng biến Biển Đông thành ao nhà của mình.
Việc thị uy và đe dọa vũ lực luôn được Trung Quốc coi là một lợi thế, trên cả đàm phán và ngoại giao, để giải quyết tranh chấp lãnh thổ. Tuy nhiên, khi phải đương đầu với hành vi vi phạm chủ quyền trắng trợn thì các nước khác không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đáp trả thích hợp, theo đúng luật pháp quốc tế. Trong vụ giàn khoan Hải Dương 981 cũng vậy. Nếu Việt Nam không điều tàu cảnh sát biển ra ngăn chặn Trung Quốc đặt giàn khoan thì nước này sẽ chỉ càng thêm lấn lướt trong việc khẳng định cái gọi là chủ quyền trên Biển Đông và củng cố cơ sở cho yêu sách "đường lưỡi bò" phi lý của mình. Ngoài ra, có thể khẳng định việc Trung Quốc cho tàu vũ trang, tàu quân sự và máy bay hộ tống đi vào vùng biển Việt Nam là ngược lại tinh thần luật pháp quốc tế và DOC.
Xung đột quân sự ít khả năng xảy ra vì không bên nào muốn bị quy kết là gây hấn trước. Tuy nhiên, viễn cảnh xấu nhất cho tình hình hiện nay là nguy cơ Trung Quốc sẽ dần dà và lặng lẽ chuyển đổi tình trạng hiện nay thành một hiện trạng mới. Theo đó, qua thời gian, nếu không gặp bất cứ sự phản đối quyết liệt nào, Trung Quốc sẽ cho rằng các bên liên quan đã vô tình đồng ý với cái họ gọi là "chủ quyền" trên Biển Đông. Đây là một viễn cảnh có ảnh hưởng hết sức nghiêm trọng và khổng lồ đối với chính trị và an ninh trên thế giới.
Những kinh nghiệm lịch sử cho thấy Trung Quốc luôn đưa ra lời đề nghị đàm phán sau khi đã chiếm đóng phần lãnh thổ của nước khác nhằm hợp pháp hóa sự chiếm đóng này và buộc bên kia nhân nhượng. Do vậy, trong trường hợp giàn khoan Hải Dương 981, bất kỳ cuộc đàm phán nào diễn ra trong bối cảnh giàn khoan chưa được đưa ra khỏi vùng biển Việt Nam đều sẽ gây phương hại đến vị thế và quyền lợi của Việt Nam về lâu dài. Nói cách khác, Việt Nam cần cương quyết không chấp nhận đàm phán nếu như giàn khoan Hải Dương 981 vẫn còn nằm trong vùng biển của mình.
Theo (Chinhphu.vn)