Bên bờ hạnh phúc

Tình hình Biển Đông vẫn rất căng thẳng. Không chỉ hạ đặt trái phép giàn khoan Haiyang Shiyou 981 (Hải Dương 981), Trung Quốc còn điều hàng chục tàu, trong đó có nhiều tàu quân sự xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Nhiều lần tàu Trung Quốc hung hăng tấn công lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam.

 

Tàu cảnh sát biển Trung Quốc mang số hiệu 3411 chạy cắt mũi tàu Cảnh sát biển 8003 của Cảnh sát biển Việt Nam lúc 8 giờ 30 ngày 16/5. (Ảnh: Công Định-Hữu Trung/TTXVN)
 

Tình hình Biển Đông vẫn rất căng thẳng. Không chỉ hạ đặt trái phép giàn khoan Haiyang Shiyou 981 (Hải Dương 981), Trung Quốc còn điều hàng chục tàu, trong đó có nhiều tàu quân sự xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Nhiều lần tàu Trung Quốc hung hăng tấn công lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam. Cộng đồng quốc tế đã lên tiếng bày tỏ quan ngại, phản đối hành động vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế cũng như các thỏa thuận cấp cao giữa hai nước Việt Nam, Trung Quốc, ảnh hưởng đến hòa bình và an ninh khu vực.

Buộc Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 khỏi Biển Đông là nhiệm vụ hàng đầu của ASEAN

Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh nói rằng Trung Quốc phải rút giàn khoan khỏi vùng biển của Việt Nam, đồng thời coi đây là nhiệm vụ hàng đầu của ASEAN hiện nay.

Báo Wall Street Journal (Mỹ) dẫn lời ông Lê Lương Minh nói hôm 16/5 rằng việc làm trên sẽ có tác động tích cực nhằm khôi phục niềm tin vào việc giải quyết tranh chấp đa quốc gia thông qua đàm phán, đối thoại. Tổng Thư ký ASEAN nhấn mạnh hành động hạ đặt giàn khoan của Trung Quốc gây trở ngại trong khu vực, từ đó cho thấy Tuyên bố về ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc ký kết với ASEAN năm 2002 là không đủ hiệu quả để ngăn chặn các sự kiện tương tự. Ông nói: "Việc thiếu tiến triển trong các nỗ lực đàm phán giải quyết tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc là đáng thất vọng. Sự kiện gần đây nhất khiến việc tham vấn và đàm phán mang tính thực chất càng trở nên quan trọng".

* Theo AFP, hàng trăm người Philippines ngày 16/5 đã xuống đường tuần hành ở thủ đô Manila để bày tỏ sự ủng hộ đối với Việt Nam, yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan trái phép Hải Dương 981 khỏi Biển Đông. Người biểu tình đi dọc theo các con phố ở trung tâm tài chính Manila, gần tòa nhà lãnh sự Trung Quốc, đem theo các biểu ngữ mang dòng chữ “Việt Nam và Philippines tay trong tay”, “Đề nghị Trung Quốc ngừng uy hiếp Việt Nam và Philippines”, “Chúng tôi ủng hộ Việt Nam”. Những người biểu tình nói rằng họ cảm thấy phẫn nộ trước thái độ hung hăng của Trung Quốc thời gian gần đây, cụ thể là việc tàu Trung Quốc uy hiếp tàu Việt Nam, cũng như chính sách ngang ngược của Trung Quốc khi đòi chủ quyền gần như trọn Biển Đông.

* Ngày 16/5, Bộ Ngoại giao Indonesia đã ra tuyên bố về vấn đề căng thẳng hiện nay ở Biển Đông. Thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Indonesia cho biết Bộ trưởng Ngoại giao Marty Natalegawa đã bày tỏ sự lo ngại sâu sắc của Indonesia về những gì đang diễn ra trên Biển Đông hiện nay, nhất là liên quan đến mối quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam.

Bộ trưởng Marty Natalegawa nhấn mạnh Indonesia đặc biệt lo ngại về nguy cơ thực sự của sự leo thang lớn và tính toán sai lầm, thể hiện qua các hoạt động nguy hiểm của các tàu và tàu hải quân trên biển đã khiến một số người bị thương và gây thiệt hại vật chất, cũng như sự cố bạo lực từ cuộc biểu tình phản đối dẫn đến thương vong và thiệt hại vật chất.

Bộ trưởng Marty Natalegawa nêu rõ Indonesia một lần nữa kêu gọi hai bên kiềm chế tối đa, tôn trọng các cam kết đã được nhất trí trong DOC, tránh các biện pháp có thể làm căng thẳng gia tăng và tiếp tục nỗ lực thiết lập trao đổi thông tin để ổn định tình hình, kể cả thông qua đường dây nóng đã được nhất trí trước đó.

Bộ trưởng Marty Natalegawa cho biết Indonesia đã và đang tiếp xúc một cách tích cực với tất cả các bên liên quan và sẽ không ngừng thúc đẩy trao đổi thông tin và cùng kiềm chế.

* Tiến sỹ David Camroux, chuyên gia hàng đầu về Đông Nam Á tại Pháp, Đại học Paris Sorbonne, nói: “Trung Quốc không muốn giải quyết vấn đề một cách đa phương mà muốn giải quyết với riêng từng nước ASEAN. Vì thế, ASEAN càng cần phải đoàn kết và liên kết chặt với các đối tác lớn như Mỹ để bảo đảm ổn định, hòa bình trong khu vực”.

Mỹ liên tiếp bày tỏ quan ngại về hành động của Trung Quốc

* Ngày 16/5, chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama một lần nữa lên tiếng cảnh báo Trung Quốc không gia tăng căng thẳng ở Biển Đông. Trả lời họp báo thường kỳ ở Washington (Mỹ), phát ngôn viên Nhà Trắng Jay Carney nêu rõ: "Chúng tôi coi hành động đó mang tính khiêu khích và hủy hoại mục tiêu mà chúng ta cùng chia sẻ, đó là giải pháp hòa bình cho những tranh chấp này và ổn định chung trong khu vực. Chúng tôi rất quan ngại về cách hành xử nguy hiểm và sự đe dọa của các lực lượng do chính phủ quản lý hoạt động trong khu vực này". Đây là phản ứng mới nhất từ Chính phủ Mỹ sau nhiều lần lên tiếng về việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong thềm lục địa của Việt Nam và điều hàng chục tàu các loại tấn công lực lượng chấp pháp của Việt Nam.

Trước đó một ngày, ông Carney cũng đã tuyên bố Mỹ đã nhiều lần nhấn mạnh tới sự cần thiết phải tiến hành đối thoại hòa bình về các vụ tranh chấp khác nhau liên quan tới Trung Quốc và Biển Đông.

* Những căng thẳng trên Biển Đông sau việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam tiếp tục là chủ đề chính trong các cuộc tiếp xúc giữa các giới chức Mỹ với Tổng Tham mưu trưởng Quân giải phóng Trung Quốc (PLA), tướng Phòng Phong Huy.

Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bày tỏ sự "quan ngại nghiêm trọng" về những hành động đơn phương của Bắc Kinh trên Biển Đông và kêu gọi ngừng những bước đi khiêu khích, gây ảnh hưởng đến hòa bình khu vực.

Theo AFP, phát biểu trên được ông Biden đưa ra trong cuộc gặp tại Nhà Trắng với Thượng tướng Phòng Phong Huy, đang ở thăm Mỹ. Thông cáo từ văn phòng của ông cho hay, Phó Tổng thống Mỹ đã nhấn mạnh với tướng Phòng Phong Huy về sự quan ngại nghiêm trọng của Mỹ về những hành động đơn phương của Trung Quốc trong vùng biển Việt Nam.

Trong cuộc gặp với tướng Phòng Phong Huy tại Lầu Năm Góc, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Tướng Martin Dempsey đã gọi các hành động của Trung Quốc tại Biển Đông là khiêu khích, đồng thời kêu gọi giải quyết căng thẳng tại đây bằng giải pháp đối thoại dựa trên các cơ sở luật pháp quốc tế. Theo tướng Dempsey, hai bên đã thảo luận về tình hình căng thẳng hiện nay tại Biển Đông và về nguy cơ xung đột do các hành động khiêu khích quân sự. Ông nhấn mạnh những căng thẳng này cần được giải quyết thông qua đối thoại hòa bình và dựa trên luật pháp quốc tế.

Nhiều nước muốn giúp đỡ Việt Nam bảo vệ chủ quyền

Chuẩn Đô đốc Pascal Ausseur, Tổng cục Trang bị Vũ khí, Bộ Quốc phòng Pháp, nói rằng hoạt động kiểm soát vùng biển đối với những nước như Việt Nam là cực kỳ quan trọng. Việt Nam sẽ cần có radar, máy bay tuần thám, máy bay trực thăng để thực hiện công vụ của mình trên biển và Pháp sẵn sàng hợp tác hoặc chuyển giao cho phía Việt Nam

Chương trình hợp tác về trang thiết bị quân sự quốc phòng nằm trong khuôn khổ tuyên bố về hợp tác đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Pháp, được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Pháp Jean-Marc Ayrault ký tháng 9 năm ngoái.

Theo Chuẩn Đô đốc Ausseur, "Pháp cũng có liên quan về an ninh trong khu vực Biển Đông, do đó chúng tôi sẽ thực hiện những hợp tác và hỗ trợ có thể, để đảm bảo an ninh khu vực. Việc Việt Nam và Pháp có thỏa thuận hợp tác đối tác chiến lược cũng biểu hiện sự quan tâm về mặt chiến lược của chúng tôi trong khu vực".

Ông Ausseur cho biết thêm, hiện Pháp không hợp tác về mua bán vũ khí với Trung Quốc, vì nước này đang chịu sự cấm vận về vũ khí của EU, mà Pháp là thành viên.

* Ngày 15/5, Hải quân Mỹ một lần nữa kêu gọi tăng cường các chuyến thăm của các tàu hải quân nước này tới Việt Nam trong bối cảnh đang xảy ra căng thẳng trong quan hệ giữa Việt Nam với nước láng giềng Trung Quốc.

Trả lời các câu hỏi về quan hệ của Hải quân Mỹ với Việt Nam qua thư điện tử, người phát ngôn Hạm đội 7, ông William Marks nêu rõ: "Chúng tôi quan tâm tới việc can dự với tất cả các đối tác trên Biển Đông và muốn tăng cường các chuyến thăm (của tàu hải quân Mỹ) tới cảng của Việt Nam".

* Alexandr Fomin, Giám đốc Cơ quan Hợp tác quân sự kỹ thuật Liên bang Nga, trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin Itar-Tass (Nga) cho biết: Nga nhiều khả năng sẽ xây dựng các trung tâm bảo dưỡng và sửa chữa vũ khí, thiết bị quân sự ở Indonesia và Việt Nam, các cơ sở nói trên sẽ hoạt động với sự tham gia trực tiếp của phía Nga.

Mưu đồ của Trung Quốc trong vụ Hải Dương 981 là “biến không có tranh chấp thành tranh chấp và biến cái của người khác thành của mình”.

Trang tin tức Global Post (Mỹ) đăng tải bài viết bóc trần ý đồ của Trung Quốc khi đưa giàn khoan và tàu trái phép vào vùng biển Việt Nam. Theo bài viết, dầu khí và hải sản không phải là mục tiêu chính mà ý đồ sâu xa hơn của Bắc Kinh là chiếm quyền kiểm soát toàn bộ Biển Đông, làm chủ tuyến đường giao thông huyết mạch đến phương Tây, Trung Đông, phần lớn Nam và Đông Nam Á.

Bài viết cũng chỉ rõ việc Bắc Kinh ngang ngược đưa ra yêu sách đường 9 đoạn, đơn phương tuyên bố chủ quyền hầu khắp Biển Đông là phục vụ cho dã tâm biến vùng biển này thành “cái hồ” của Trung Quốc! Theo bài báo, Việt Nam bất ngờ trở thành mục tiêu khiêu khích của Bắc Kinh bởi sự gần gũi về mặt địa lý và luôn ứng xử rất chừng mực.

Bài báo viết: Theo Cơ quan Năng lượng Mỹ (EIA), khu vực Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trên vùng biển Việt Nam ít có dầu khí và thậm chí quần đảo Hoàng Sa hoàn toàn không có dầu mỏ. Nếu dự báo của EIA là chính xác, người ta tự hỏi vì sao Trung Quốc lại “cố sống, cố chết” đưa giàn khoan nước sâu Hải Dương 981 đến khu vực ít tiềm năng dầu khí gần quần đảo Hoàng Sa và nằm trên thềm lục địa Việt Nam – bất chấp chi phí vận hành-bảo vệ vô cùng tốn kém cũng như vấp phải phản ứng dữ dội của Việt Nam và sự lên án của cộng đồng quốc tế? Câu trả lời: Đây là bước thăm dò đầu tiên trong mưu đồ “độc chiếm Biển Đông”. Nếu bước đầu tiên này không bị ngăn chặn, một ngày nào đó, Trung Quốc sẽ ngang nhiên tiến hành khoan thăm dò và khai thác (với sự tháp tùng của tàu chiến) ở những khu vực không có tranh chấp và gần bờ của các nước ven Biển Đông – với mưu đồ thay đổi hiện trạng “ biến không có tranh chấp thành tranh chấp và biến cái của người khác thành của mình”.

* Theo báo Pháp Les Echos, những sự kiện diễn ra gần đây ở Việt Nam liên quan đến vụ giàn khoan Hải Dương-981 ở Biển Đông phản ánh làn sóng phản đối Trung Quốc ở nhiều nơi trên thế giới. Báo Les Echos viết: Thành công kinh tế vượt bực, chính sách ngoại giao hung hăng và thái độ không khoan nhượng của ban lãnh đạo ở Bắc Kinh khiến nhiều nước trên thế giới “ghét” Trung Quốc.

Nhà báo Michel de Gandi của Les Echos cho rằng lý do chính khiến nhiều nước ghét Trung Quốc là do thái độ ngạo mạn, không khoan nhượng trong tất cả các lĩnh vực của các nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh. “Trung Quốc nghĩ họ có thể làm mọi thứ mà không tạo nên một sự phản kháng mạnh mẽ nào”- đó là lời khẳng định của Giáo sư Francois Godement tại Trường Chính trị Paris, một trong những chuyên gia hàng đầu về Trung Quốc tại Pháp, người đứng đầu chương trình nghiên cứu Trung Quốc của Ủy ban châu Âu về quan hệ quốc tế. Giáo sư Francois Godement nói: “Hành động của Trung Quốc có tính toán rất kỹ. Thứ nhất là vì trước khi sự việc này xảy ra, Việt Nam luôn được xem là đồng minh thân cận của Trung Quốc. Tiếp đến là vị trí đặt giàn khoan, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam nhưng lại không quá xa quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc chiếm của Việt Nam năm 1974. Điều này tạo cho phía Trung Quốc cái gọi là “cơ sở tranh cãi hợp pháp có thể”, bất chấp nó rất gần với bờ biển Việt Nam. Tôi cũng nghĩ đây thực sự là một hành động nhằm đến toàn bộ Biển Đông và toàn bộ các nước ASEAN chứ không chỉ riêng Việt Nam”.

Bà Monique Chemillier Gendreau, nguyên Chủ tịch Hội luật gia châu Âu cũng nhấn mạnh Trung Quốc không có bất kỳ cơ sở pháp lý nào khi vạch ra đường lưỡi bò 9 đoạn và trên cơ sở đường lưỡi bò, tiến hành các hành động xâm phạm chủ quyền của các quốc gia khác. Bà nói: “Trung Quốc tuyên bố rằng tất cả các vùng nước, lãnh thổ trong đường lưỡi bò là thuộc về họ. Lập luận đó là hoàn toàn trái với UNCLOS. Cả về lịch sử lẫn luật pháp quốc tế, Trung Quốc không chứng minh được. Trung Quốc đã nghĩ ra đường lưỡi bò theo kiểu của riêng họ. Vì những gì họ muốn trái với UNCLOS, nên họ phải nghĩ ra lập luận của riêng họ để chiếm giữ. Tôi cho rằng các nước ASEAN sẽ không chấp nhận lập luận điên rồ đó của Trung Quốc.

Tiến sỹ Emmanuel Dubois, chuyên gia tại Viện nghiên cứu Thomas More, cũng cho rằng tham vọng bành trướng bằng vũ lực mới là đích ngắm của Trung Quốc chứ không phải lợi ích kinh tế đơn thuần là khai thác dầu khí. Theo Tiến sỹ Emmanuel Dubois: “Trung Quốc nói rằng ở đó có dầu và đưa giàn khoan vào khai thác, nhưng tôi hoàn toàn không tin. Tôi cho rằng đó chỉ là một lý do để xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của quốc gia khác mà thôi. Các giàn khoan như Hải Dương-981 chỉ là một dạng công cụ để Trung Quốc tiến hành xâm phạm chủ quyền”.

* Giáo sư, Tiến sỹ Kim Tae-wan, Trưởng Khoa chính trị tại Đại học Dong-Eui, Hàn Quốc về việc Tổng công ty dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Giáo sư Kim Tae-wan cho rằng chiếu theo Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS) năm 1982 thì việc Trung Quốc đơn phương hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 là vi phạm UNCLOS.

* Trong bài "Nước cờ giàn khoan” đăng tải trên trang phân tích India Strategic Studies của Ấn Độ ngày 15-5, tác giả Keith Johnson nhận định rằng đối với một quốc gia đã bỏ ra 30 năm để đảm bảo với các nước láng giềng rằng họ đang "trỗi dậy hòa bình” ở cả lĩnh vực quân sự và kinh tế, thì hành động của Trung Quốc tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam – cùng việc triển khai 80 tàu các loại – đã dấy lên nhiều câu hỏi.

"Có điều gì đó cơ bản đã thay đổi trong chính sách của Trung Quốc”, David Lai, chuyên gia về Trung Quốc tại Viện Nghiên cứu Chiến lược thuộc Học viện Chiến tranh Quân đội Mỹ nhận định, "Người Trung Quốc đang thay đổi từ cách tiếp cận kiềm chế sang hung hăng hơn”.

Những sai lầm chiến lược của Trung Quốc trong vụ Hải Dương 981

Theo Hà Anh Tuấn, nghiên cứu sinh tiến sĩ về Chính trị và Quan hệ Quốc tế tại Đại học New South Wales (Australia), thành viên của Diễn đàn Lãnh đạo trẻ Thái Bình Dương thuộc Trung tâm nghiên cứu Quốc tế (CSIS), vối việc hạ đặt giàn khoàn Hải Dương 981 trong vùng biển Việt Nam, Trung Quốc đã phạm phải 4 sai lầm chiến lược:

Đầu tiên, động thái mới này đã khiến cho Việt Nam phản ứng rất mạnh mẽ và kiên quyết. Điều 56 của UNCLOS quy định một quốc gia ven biển có quyền chủ quyền với các mục đích thăm dò, khai thác, bảo tồn và quản lý tài nguyên thiên nhiên trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của mình. UNCLOS không có quy định nào có thể giải thích cho hành động đặt giàn khoan dầu của Trung Quốc trong vùng EEZ của Việt Nam.

Trung Quốc đang đi ngược lại dòng chủ lưu trong quan hệ giữa họ với Việt Nam và động thái mới nhất của Bắc Kinh đã vượt qua ranh giới cho phép. Do đó, Việt Nam có phản ứng rất mạnh mẽ. Phó Thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh đã điện đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và cả Ủy viên Quốc vụ viện Dương Khiết Trì phản đối hành động của Trung Quốc và khẳng định rằng Việt Nam sẽ "áp dụng tất cả các biện pháp cần thiết và phù hợp để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp" ở Biển Đông. Các tàu Cảnh sát biển Việt Nam cũng đã được phái đến khu vực Trung Quốc đặt giàn khoan để yêu cầu rút khỏi vùng EEZ của Việt Nam trong khi các ngư dân của Việt Nam vẫn thực hiện các hoạt động khai thác bình thường ở khu vực trên.

Thứ hai, hành động của Trung Quốc vi phạm các nguyên tắc của Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và đào sâu sự nghi ngờ của các nước trong khu vực về ý định thực sự của Bắc Kinh. Ngoài Việt Nam và Philippines, Singapore, Malaysia và thậm chí cả Indonesia đang ngày càng lo ngại về hành vi của Trung Quốc trong khu vực. Indonesia trước đây luôn giữ vị trí trung lập trong những tranh chấp ở Biển Đông, nay đã hoàn toàn thay đổi quan điểm và cho rằng tuyên bố của Trung Quốc thách thức chủ quyền của Jakarta đối với vùng biển Natuna. Trong thực tế, tàu vũ trang của Trung Quốc đã đối mặt với tàu của Indonesia trong vùng biển mà Jakarta tuyên bố chủ quyền.

Nếu Trung Quốc đã có hành động đặt giàn khoan trong vùng EEZ của Việt Nam, như hành động trước đây nhằm kiểm soát bãi cạn Scarborough năm 2012, chắc chắn Bắc Kinh sẽ mở rộng hoạt động của mình xuống phía Nam, đặt ra nguy cơ đụng độ ​​với Malaysia và Indonesia. Với vai trò của Indonesia trong ASEAN, thay đổi quan điểm của Jakarta đối với Trung Quốc là một bất lợi lớn đối với Bắc Kinh. Hành động hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông sẽ khiến uy tín quốc tế của nước này bị hủy hoại. Những thành tựu từ chiến lược "tấn công quyến rũ" của Trung Quốc đối với ASEAN trong những năm 1990 có thể bị sụp đổ bởi một làn sóng chống Trung Quốc trong khu vực.

Ngày 11/5 vừa qua, Chủ tịch Hội nghị cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 24 đã ra tuyên bố về tình hình hiện nay ở Biển Đông, bày tỏ quan ngại sâu sắc về các vụ việc đang diễn ra ở Biển Đông, khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1995, ASEAN ban hành một tuyên bố chung riêng về sự leo thang các mối đe dọa Biển Đông. Điều này thể hiện phản ứng dữ dội về mặt ngoại giao trong việc phản đối Trung Quốc ở Đông Nam Á.

Thứ ba, Trung Quốc mất lý do cho sự hiện đại hóa quân sự của nước này. Bắc Kinh tuyên bố rằng hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc là mang tính chất phòng thủ và sẽ không làm suy yếu an ninh khu vực. Trong thời gian căng thẳng gia tăng ở Biển Đông giai đoạn 2007-2013, Trung Quốc thường tránh sử dụng lực lượng hải quân. Thay vào đó, các lực lượng bán quân sự, chẳng hạn như tàu hải giám của Trung Quốc, thường được triển khai để phục vụ tham vọng lãnh thổ của nước này. Trong vụ tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines tại bãi cạn Scarborough năm 2012, không có tàu hải quân nào của Trung Quốc được triển khai đến vị trí này. Trung Quốc đã huy động các tàu bán quân sự và các tàu cá để ngăn chặn phía Philippines tiếp cận khu vực.

Để bảo vệ giàn khoan dầu khổng lồ của Trung Quốc trong vùng EEZ của Việt Nam, Bắc Kinh đã điều hàng chục, thậm chí hàng trăm tàu, cả tàu vũ trang đến vùng biển Việt Nam. Ngoài ra, Trung Quốc còn điều hàng chục tốp máy bay hoạt động trên khu vực. Do đó, các nước khác có lý do để lo lắng về ý định thực sự đằng sau chương trình hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc.

Cuối cùng, hành động trên của Trung Quốc có thể làm mất ổn định an ninh khu vực, tạo ra một trở ngại đối với các nỗ lực của Bắc Kinh nhằm tái cơ cấu nền kinh tế và duy trì tăng trưởng của nước này. Bắc Kinh đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng trong nước, trong đó có sự suy thoái của môi trường, lão hóa dân số và các phong trào ly khai ở Tây Tạng và Tân Cương. Trong vài năm qua, các cuộc tấn công khủng bố của các lực lượng ly khai đã xảy ra ở các thành phố lớn, đe dọa sự ổn định xã hội của Trung Quốc. Ngoài ra, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đang có dấu hiệu chậm lại. Trung Quốc cần một môi trường quốc tế ổn định để tập trung nguồn lực vào những thách thức nội bộ. Nhưng hành động gây hấn của Bắc Kinh đối với Việt Nam có thể gây mất ổn định an ninh khu vực và làm suy yếu những nỗ lực để duy trì tăng trưởng.

Bài báo kết luận: Việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng EEZ của Việt Nam là một tính toán sai lầm chiến lược. Rõ ràng là, các nước trong khu vực sẽ tăng cường xây dựng khả năng phi đối xứng để bảo vệ chủ quyền của họ nhằm đối phó với Bắc Kinh, đồng thời họ cũng có thể hoan nghênh sự tham gia của các quốc gia khác vào khu vực, chẳng hạn như Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản trong việc quản lý tranh chấp Biển Đông. Nói cách khác, hành vi hung hăng của Trung Quốc đã tạo điều kiện và đẩy mạnh chiến lược xoay trục của Mỹ tới khu vực châu Á, điều mà các nhà lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc không muốn thấy. Hành động hung hăng và gây mất ổn định khu vực sẽ không giúp Trung Quốc thực hiện mục tiêu của tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội. Cách tốt nhất để Trung Quốc tăng vị thế của mình như là một cường quốc toàn cầu là trỗi dậy nhưng tôn trọng những nguyên tắc cốt lõi trong quan hệ đối ngoại – hợp tác cùng có lợi, tôn trọng quyền và lợi ích chính đáng của nước khác và giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán hòa bình. Chạy nhanh không có nghĩa là sẽ đến đích sớm.

* Theo mạng tin Strafor, chiến lược Biển Đông của Trung Quốc có thể bao gồm 3 bước sau đây.

Thứ nhất, Trung Quốc sẽ sử dụng cái gọi là “đường 9 đoạn” làm yêu sách mang tính lịch sử nhằm hỗ trợ cho sự hiện diện tại các vùng biển tranh chấp.

Thứ hai, Trung Quốc sẽ củng cố yêu sách tại các khu vực có lợi thế chiến thuật mà nước này có sự hiện diện trên thực tế như khu vực quần đảo Hoàng Sa, bãi cạn Scarborough mà Trung Quốc đã chiếm của Philippines từ năm 2012.

Thứ ba, Trung Quốc sẽ tiếp tục phát triển năng lực về kỹ thuật và quân sự sao cho hoàn toàn vượt trội so với các nước cũng có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Điều này cho phép Trung Quốc mở rộng biên giới biển mà không gây ra phản ứng đồng thời của các quốc gia láng giềng.

Strafor nhấn mạnh: Chỉ có điều, áp lực về lãnh thổ trên Biển Đông buộc các quốc gia láng giềng phải tìm kiếm sự hỗ trợ và hợp tác quân sự từ bên ngoài để đối phó với một Trung Quốc đang ngày càng hung hăng, quyết đoán hơn. Điều này có thể thấy qua cách tiếp cận hợp tác với các công ty năng lượng nước ngoài của Việt Nam. Việt Nam đã hợp tác khai thác dầu khí ở Biển Đông với Nga và Ấn Độ. Trong khi đó, Philippines đang tăng cường trao đổi quân sự với Washington nhằm đối phó với Trung Quốc.

Theo (Chinhphu.vn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *