Ấn Độ là một trong những nước sản xuất hàng dệt may hàng đầu thế giới, với một số lượng rất lớn quần áo mới được bán ra thị trường mỗi năm. Tuy nhiên, hiện nay, lĩnh vực này đang chứng kiến sự thay đổi khi nhiều người tiêu dùng Ấn Độ có xu hướng mua quần áo đã qua sử dụng để giảm thiểu tác động môi trường, trong khi nhiều hãng thời trang cũng ưu tiên dùng vải có nguồn gốc tự nhiên hay vải cũ tồn kho.
Chị Neha Butt bắt đầu kinh doanh quần áo đã qua sử dụng_ từ nhiều năm trước trên các trang mạng xã hội. Nhờ xu hướng tiêu dùng xanh đang phát triển rộng khắp nên công việc kinh doanh của chị ngày càng phát đạt. Đến năm 2022, người phụ nữ 33 tuổi này đã có thể mở cửa hàng tại thủ đô New Delhi.
Chị NEHA BUTT – Chủ cửa hàng quần áo cho biết:
“Khách hàng ngày càng có ý thức bảo vệ môi trường. Họ sẵn sàng mua quần áo đã qua sử dụng hay hàng tồn kho vì biết rằng điều này sẽ giúp bảo vệ môi trường.”
Những khu chợ bán quần áo cũ ở thủ đô New Delhi cũng tấp nập người mua. Bên cạnh việc tiết kiệm chi phí thì vấn đề môi trường cũng là một trong những lý do chính thúc đẩy nhiều người tìm đến đây để mua sắm.
Chị YUVIKA CHOUDHARY – Người tiêu dùng Ấn Độ chia sẻ:
“Tôi thường đến những khu chợ như thế này để mua sắm. Tại đây có rất nhiều mặt hàng, kiểu trang phục để lựa chọn. Dù đây chỉ là một việc làm nhỏ nhưng tôi nghĩ nó cũng có thể góp phần bảo vệ môi trường.”
Nhiều nhà thiết kế thời trang hay nhãn hàng quần áo ở Ấn Độ cũng không nằm ngoài xu hướng thời trang “xanh”. Được thành lập từ năm 2012, Doodlage là thương hiệu chuyên sản xuất và kinh doanh quần áo, túi xách may từ những khúc vải có lỗi và bị các nhà máy loại bỏ.
Chị KRITI TULA – Nhà sáng lập thương hiệu Doodlage ch hay:“Chúng tôi tái sử dụng vải bị lỗi hoặc vải trong quần áo cũ để may thành trang phục mới, giúp tạo ra vòng đời mới cho vải. Chúng tôi cải tiến quy trình tái chế, để giúp tiết kiệm năng lượng và nước.”
Ban đầu, chị Kriti Tula lo ngại rằng người tiêu dùng không đón nhận những sản phẩm từ nguyên liệu được tận dụng hay tái chế. Nhưng thực tế thì hoàn toàn ngược lại. Nhờ sự ủng hộ của khách hàng mà thương hiệu Doodlage ngày càng phát triển và đang tạo việc làm cho nhiều người.
Ngoài ra, hiện nay, một số thương hiệu thời trang Ấn Độ cũng đang sử dụng các loại vải tự nhiên sản xuất từ sợi của thân và vỏ cây chuối hay lá cây khóm. Ưu điểm của các loại vải này là có thể phân hủy sinh học, thân thiện với môi trường.
Nhiều nhà bảo vệ môi trường hy vọng những thay đổi nói trên từ người tiêu dùng và cả những thương hiệu thời trang sẽ giúp lan tỏa lối sống xanh đến ngày càng nhiều cộng đồng và doanh nghiệp ở Ấn Độ, từ đó dần dần hạn chế tác động của ngành thời trang đến môi trường.

Bảo Ngọc

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *