Bên bờ hạnh phúc

Khi nhắc đến các hoạt động ngoài trời ở Campuchia, lễ hội thả diều bao giờ cũng được dành một vị trí trang trọng. Nhưng đáng tiếc là truyền thống này nay đã dần bị lãng quên và không diễn ra thường xuyên như trước. Và Lễ hội thả diều Đông Nam Á vừa được tổ chức tại tỉnh Koh Kong đã làm sống dậy truyền thống đẹp này của Campuchia.

Diều truyền thống của Campuchia được gọi là "Cláck Éd-z". Loại diều này có bộ phận phát ra âm thanh đặt ở đầu diều, giúp tạo ra âm thanh trầm, bổng như tiếng nhạc khi diều bay.

Có truyền thống từ khoảng năm 400 trước Công nguyên, Lễ hội thả diều ở Campuchia thường diễn ra vào mùa thu hoạch nông sản. Ngày xưa, người ta thường dùng tre để làm khung diều. Cánh diều thường cũng được làm từ những loại lá cây rộng bản. Chi phí làm một con diều Campuchia đẹp mất khoảng 50 USD.

Ban tổ chức cuộc thi thả diều cho rằng, âm thanh của diều trầm hay bỗng nhờ vào cách điều khiển nhanh chậm của người chơi. Trên thực tế, Ban tổ chức chấm điểm diều theo 2 tiêu chí dáng vẻ, hoa văn đẹp và kỹ thuật bay.

Người Campuchia tin rằng, loại diều "Cláck Éd-z" truyền thống là một biểu tượng văn hóa của Campuchia, tượng trưng cho hòa bình và hạnh phúc cho người dân Campuchia và các nước bạn bè trên thế giới.

Những nghệ nhân thả diều từ 22 tỉnh thành của 8 quốc gia khác nhau cùng tham gia lễ hội thả diều. Lễ hội thả diều năm nay do Bộ Văn hóa Nghệ thuật Campuchia cùng chính quyền địa phương tỉnh Kok Kong phối hợp tổ chức.

Tỉnh Kok Kong nằm ở phía Tây Nam Campuchia, cách thủ đô Pnom-pênh khoảng 280 km. Nơi đây được xem là miền quê duyên hải đẹp nhất Campuchia. Ban tổ chức hy vọng rằng, lễ hội thả diều này sẽ giúp đẩy mạnh ngành du lịch biển của địa phương.

Tường Vân

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *