Ảnh minh họa (Internet)

Sau những cải cách kinh tế theo định hướng thị trường hồi năm 1991, Ấn Độ đã trở thành một trong những nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất thế giới. Chính vì vậy, để theo kịp đà phát triển của đất nước cũng như để có được vị trí cao trong xã hội, người dân Ấn Độ xem giáo dục chất lượng cao là ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, trong bối cảnh tầng lớp trung lưu đang phát triển bùng nổ, việc đến được các trường đại học, cao đẳng danh giá trong nước không phải là chuyện dễ dàng, và không ít người chọn con đường theo học ở nước ngoài để chắp cánh ước mơ của mình.

Với dân số hơn 1,2 tỉ người như hiện nay, việc tiến thân trong xã hội Ấn Độ càng lúc càng trở nên khó khăn. Hầu hết người dân đều tin rằng chìa khóa mở cánh cửa thành công trong cuộc sống là có được một nền giáo dục tốt. Do cuộc sống không ngừng được nâng cao, ngày càng có nhiều người có đủ khả năng tài chính để theo học ở các trường đại học, cao đẳng. Điều này cũng đồng nghĩa với việc cạnh tranh sẽ diễn ra khốc liệt.

Trước đây, những tài năng của Ấn Độ thường hướng đến Mỹ hay các nước châu Âu để tìm kiếm cơ hội tốt hơn, nhưng hiện nay, họ lại xem việc đến các nước phương Tây như là kế hoạch dự phòng trong trường hợp không thể vào học ở các trường đại học, cao đẳng danh tiếng trong nước. Một học sinh cấp III tên là Mallika Pal đang làm thủ tục xin nhập học ở trường Đại học Princeton của Mỹ. Em cho biết cảm thấy khá mệt mỏi và căng thẳng khi phải cạnh tranh với các bạn đồng trang lứa trong nước.

Các chuyên gia giáo dục Ấn Độ cho rằng để mở rộng cơ hội cho người dân học tập, nghiên cứu, chính phủ nước này cần xây dựng thêm nhiều cơ sở đào tạo chất lượng cao cũng như giới thiệu thêm nhiều chương trình giảng dạy hấp dẫn.

Thanh Sang

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *