Thành phố Hyderabad, bang Telangana của Ấn Độ nổi tiếng với những công trình kiến trúc cổ kính, trong đó cung điện Chowmahalla là nơi có sự kết hợp độc đáo, hài hòa giữa phong cách kiến trúc Ấn Độ, Ba Tư và châu Âu. Trong thời lượng còn lại của chương trình, mời quý khán giả cùng khám phá di sản cấp quốc gia của Ấn Độ này.
Được xây dựng vào năm 1750, cung điện Chowmahalla là nơi ở của những người cai trị vương quốc Hyderabad thời Asaf Jahi (giai đoạn từ năm 1720 đến năm 1948). Cung điện ban đầu rộng 180.000 mét vuông, có lối kiến trúc sang trọng, độc đáo khi kết hợp hài hòa giữa những yếu tố phương Đông và phương Tây.
Khu sảnh lớn của cung điện chính có những mái vòm kiểu kiến trúc Ba Tư, những hình chạm trổ phức tạp với hoa văn truyền thống của Ấn Độ. Trong khi đó, những chiếc đèn chùm thủy tinh cầu kỳ, lộng lẫy lại toát lên phong cách quý phái của giới quý tộc châu Âu thế kỷ 18.
Chowmahalla được thiết kế gồm 4 cung điện đối xứng nhau, bao quanh một hồ chứa nước lớn, tạo thành một vùng đất bảo vệ. Cung điện còn có một tháp đồng hồ kiểu châu Âu vốn từng là chiếc đồng hồ của cả thành phố. Trước đây, tiếng chuông báo giờ của nó có thể vang xa trong phạm vi bán kính 01 km. Hiện nay, tuy tiếng chuông đã không còn vang xa nữa nhưng chiếc đồng hồ vẫn hoạt động chính xác.
“Tôi thấy những món đồ xa xỉ, những chiếc siêu xe cổ trong cung điện và biết rằng việc mang những đồ vật ấy về Ấn Độ ngày xưa là rất đỗi khó khăn. Với lối kiến trúc đặc sắc, không gian rộng lớn, cung điện thể hiện sự sang trọng. Tôi rất tự hào và cảm thấy vui khi có cơ hội chiêm ngưỡng công trình này.”
Mang đậm giá trị lịch sử và nghệ thuật, Cung điện Chowmahalla là một trong những di sản quốc gia tại bang Telangana. Hiện nơi đây cũng là một điểm tham quan thu hút đông đảo du khách đến Ấn Độ.
Thuận Hải, Thảo Nguyên