Bên bờ hạnh phúc

Sáng 26/5, Cù Lao Chàm và mũi Cà Mau của Việt Nam đã chính thức được UNESCO công nhận là hai khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Lễ hội đua thuyền của ngư dân vùng biển Cù Lao Chàm Ảnh: K.Chi

Lúc 8g30 sáng 26/5, Cù Lao Chàm và mũi Cà Mau của VN đã chính thức được Uỷ ban Điều phối quốc tế chương trình con người và sinh quyển (gọi tắt là Uỷ ban MAB thuộc UNESCO) công nhận là hai khu dự trữ sinh quyển thế giới. Tin được gửi về bởi ông Trương Văn Bay, Phó Chủ tịch UBND TP Hội An, thành viên đoàn VN đang tham dự kỳ họp thứ 21 của Uỷ ban MAB diễn ra tại Jeju (Hàn Quốc) diễn ra từ ngày 25 – 29/5.

Theo nội dung thư điện tử mà ông Trương Văn Bay gửi về, trong phiên họp ngày hôm qua 25/5, hồ sơ của Cù Lao Chàm đã bị hoãn do chưa giải thích và điều chỉnh tiêu chí về khu dự trữ sinh quyển được đệ trình. Tuy nhiên đến sáng 26/5, Uỷ ban MAB đã đưa Cù Lao Chàm vào danh sách xét bổ sung 5 khu dự trữ sinh quyển thế giới (gồm 3 khu bổ sung hồ sơ và 2 khu mới).

Sau khi xem xét, Tổng Giám đốc UNESCO và Uỷ ban MAB đã chính thức công nhận Cù Lao Chàm cùng với mũi Cà Mau của VN là hai khu dự trữ sinh quyển thế giới, nâng tổng số khu dự trữ sinh quyển trên toàn thế giới lên 22 khu.

Theo hồ sơ đề nghị công nhận khu dự trữ sinh quyển thế giới, Cù Lao Chàm nằm cách Hội An 19km về phía biển Đông (thuộc xã đảo Tân Hiệp), gồm 8 hòn đảo lớn nhỏ.

Trong đó, lớn nhất là Hòn La với tổng diện tích 15km2, là nơi có dân cư sinh sống với dân số 3.000 người thuộc các thôn Bãi Làng, Cấm, Bãi Ông và Bãi Hương. Về mặt địa hình, địa mạo, Cù Lao Chàm là phần kéo dài về phía Đông Nam của khối núi đá granit (đá hoa cương) Bạch Mã – Hải Vân – Sơn Trà, mà các nhà địa chất gọi là “phức hệ Hải Vân” được hình thành khoảng 230 triệu năm trước.

Cù Lao Chàm có 1.549ha rừng tự nhiên và 6.716ha mặt nước với sự đa dang sinh học vô cùng phong phú. Trong đó có 500ha rong, tảo, cỏ biển, 5 thảm cỏ biển, 8 thảm rong biển; 165ha san hô gồm khoảng 188 loài, 61 giống và 13 họ; khoảng 202 loài cá thuộc 85 giống, 36 họ. Sự đa dạng loài của các sinh vật đáy lớn bao gồm các loài thân mềm, loài giáp xác, động vật da gai và các loài giun nhiều tơ với mật độ trung bình 259 cá thể/400m2… 85% thu nhập của dân đảo là từ nguồn lợi biển (đánh bắt thuỷ sản).

Được biết, vào năm 2004, Cù Lao Chàm đã được công nhận là khu bảo tồn biển. Đây cũng là khu bảo tồn biển thứ hai ở VN sau Hòn Mun (Khánh Hoà) được thành lập năm 2001. Trong phương án bảo tồn, chính quyền Hội An tập trung bảo tồn vùng đệm thông qua việc hạn chế đến mức tối thiểu những hoạt động tiêu cực do con người gây ra với mục tiêu các hệ sinh thái bị đảo lộn ở mức tối thiểu trong vùng lõi.

Việc Cù Lao Chàm được công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới sẽ góp phần bảo tồn cả những giá trị thiên nhiên và văn hóa, con người và môi trường để tạo ra nguồn thu nhập kinh tế biển từ việc bảo tồn nguồn lợi đa dạng sinh học, kinh tế sinh thái từ phát triển du lịch sinh thái, gắn với việc nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân địa phương.

Theo Hải Châu (VietNamNet)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *